Ngày 4/10, Đại tướng trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện quân y 108 (Hà Nội). Đồng bào cả nước như chết lặng khi hay tin Người mất. Buổi tối đầu tiên sau ngày Đại tướng nằm xuống, hàng nghìn đồng bào đã đến ngôi nhà 30 Hoàng Diệu vì không muốn tin mất mát lớn lao đó là sự thật.
Hình ảnh xúc động tại những ngày lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp một tháng trước
Từ khắp mọi miền Tổ quốc, tiếng gọi tên Đại tướng giờ không chỉ thân thương mà trở nên bi tráng hơn bao giờ hết. Từ ngày hôm đó, thông tin đau buồn về việc Đại tướng qua đời đã khiến hàng triệu con tim của những người con đất Việt rơi lệ.
Những ngày sau đó, hàng triệu đồng bào lặng lẽ xếp hàng, chờ đến lượt vào viếng Đại tướng tại ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu. Vượt đường xa hàng nghìn kilomet, những người con của đất mũi Cà Mau, những đồng bào mang nỗi niềm của Tây Nguyên đại ngàn, mảnh đất Mường Phăng nơi Đại tướng từng chiến đấu… đều hướng về Đại tướng, cả dân tộc cùng đau nỗi đau mất mát.
Sáu ngày là thời gian không đủ để đồng bào đều được vào viếng Đại tướng tại nhà riêng của Người, để thể hiện niềm tiếc thương vô hạn trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Có lẽ, tại tang lễ của Đại tướng, chúng ta đã được chứng kiến những gì đẹp đẽ nhất của lòng dân.
Hàng triệu đồng bào lặng lẽ xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Sau gần nửa thế kỷ, đất mẹ mới thêm một lần chứng kiến những giọt nước mắt dân tộc, sự ấm áp của tình người, tình đoàn kết lớn lao đến vậy.
Cả dân tộc Việt Nam còn nhớ mãi ngày 13/10 lịch sử - ngày Đại tướng về với đất mẹ Quảng Bình, ngày hàng triệu trái tim như cùng một nhịp đập, cùng một tiếng gọi, cùng một sự kính yêu để hình ảnh Đại tướng trở thành bất tử.
Lễ Quốc tang được tổ chức tại nhà tang lễ Quốc gia, hàng vạn đồng bào theo dõi qua màn hình lớn, mắt ngấn lệ.
Và giờ đây, những câu chuyện về Đại tướng vẫn được người dân kể như Người còn hiện hữu với dân tộc. Những giọt nước mắt trong ngày tiễn đưa Đại tướng sẽ hóa thành sức mạnh dân tộc. Những người con đất Việt rất đỗi tự hào khi nhắc về những câu chuyện trong ngày tiễn đưa Đại tướng, ngày hàng triệu con người đứng hai bên đường khóc nghẹn, hô vang “Đại tướng Võ Nguyên Giáp muôn năm” khi chiếc linh xa chở linh cữu Người đi qua.
Những hình ảnh đó mãi là niềm tự hào của cả dân tộc, là điểm sáng của một thế hệ đã hi sinh cả cuộc đời vì độc lập, tự do cho đất nước.
Ngày 13/10, ngày lịch sử của dân tộc Việt Nam, ngày cả nước tiễn đưa Đại tướng về với Đất mẹ Quảng Bình (Ảnh: AP)
Linh xa chở linh cữu Đại tướng đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trong lễ tang của Đại tướng, chúng ta có một niềm tin lớn lao vào thế hệ trẻ. Nếu ai đã từng bày tỏ sự hoài nghi về một bộ phận giới trẻ hiện nay sống ích kỷ, thờ ơ với cộng đồng, xa rời các giá trị truyền thống, không quan tâm đến vận mệnh quốc gia dân tộc thì hình ảnh những thanh niên tay cầm di ảnh, khóc nghẹn trước ngôi nhà 30 Hoàng Diệu sẽ khiến họ nghĩ lại. Đó là thế hệ trẻ, những người chỉ biết đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lời kể của ông bà, cha mẹ và qua từng trang sách, báo, những thước phim quý giá về Người.
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi đi qua căn nhà số 30 Hoàng Diệu, có lẽ chưa bao giờ nơi đây yên ắng đến thế. Một khoảng lặng không thể nào bù đắp được, vì Đại tướng đã ra đi mãi mãi, vì căn nhà đã vắng bóng vị tướng già, một khoảng lặng trong lòng Hà Nội.
Chúng tôi nhớ về hình ảnh hàng triệu đồng bào xếp hàng đợi vào viếng Đại tướng tại số 30 Hoàng Diệu của một tháng về trước, bây giờ yên ắng khi vắng bóng của Người. Con đường Hoàng Diệu ngày ngày vẫn đón người qua lại, những ánh mắt vẫn hướng vào ngôi nhà của Đại tướng, như một lời nhắn gửi đến vùng đất mẹ Quảng Bình – nơi Người đang yên nghỉ.
Hàng triệu trái tim chết lặng
Chúng tôi chợt nhớ về những lời cảm ơn của con trai cả Đại tướng trong ngày làm lễ truy điệu. Ông Võ Điện Biên nói rằng: “Gia đình chúng tôi rất cảm ơn Đảng và Nhà nước đã cho phép chúng tôi thực hiện di nguyện của Đại tướng được trở về nơi an nghỉ cuối cùng ở quê hương.
Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết rằng mọi lời ca ngợi đối với Đại tướng là lời ca ngợi đối với Bác Hồ, với các thế hệ lãnh đạo của Đảng, với tất cả đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh và đóng góp bằng tâm trí và máu xương trong hai cuộc kháng chiến vừa qua. Đấy là lời ca ngợi đối với tất cả những người con ưu tú của nước Việt đã ngã xuống để bảo vệ và giữ gìn mảnh đất này…
Trong giây phút này, xin phép được ngẩng đầu tạ ơn tiên tổ của đất nước Việt Nam, tạ ơn anh linh của tất cả những anh hùng liệt sĩ từ hàng nghìn năm nay đã ngã xuống vì mảnh đất này và luôn luôn đồng hành cùng với Đại tướng trong cuộc trường chinh cho đến giờ phút cuối cùng”.
Chúng tôi hiểu đó là những lời nói từ trong trái tim và hiểu rằng có một điều ẩn sâu trong tâm linh mà Võ Điện Biên không nói ra: "Xin cảm ơn trời đất đã sinh ra cha tôi trong các thế hệ anh hùng của dân tộc".
Sau ngày Người về với đất mẹ Quảng Bình, hàng nghìn đồng bào đã đến viếng Đại tướng tại Vũng Chùa - Đảo Yến (Ảnh: Internet)
Những vòng hoa kính dâng lên Đại tướng (Ảnh: Internet)
Hôm nay, vừa tròn một tháng ngày Đại tướng ra đi, đất mẹ Quảng Bình mỗi ngày vẫn đón hàng nghìn đồng bào đến viếng Đại tướng tại mảnh đất Vũng Chùa – Đảo Yến. Dù nắng hay mưa, không quản ngại đường xa vất vả, những người con đất Việt khắp mọi miền quê Tổ quốc đã về dâng hương trước mộ Đại tướng ở Quảng Bình – nơi Đại tướng đã chọn là nơi an nghỉ cuối cùng.
Nhiều em học sinh đã đến viếng Đại tướng tại quê hương Quảng Bình (Ảnh: Internet)
Những người lính ngày đêm canh giữ bên phần mộ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Ảnh: Internet)
Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Bình được giao nhiệm vụ canh giữ nơi an nghỉ của Đại tướng cho biết, bình quân mỗi ngày có hơn 1.000 người đến thắp hương, riêng thứ bảy (19/10) có đến gần 4.300 người. Hai bên con đường dẫn vào khu mộ Đại tướng, hoa chưa bao giờ kịp héo, khi mỗi người dân khi đến đây đều mang trên tay một nhành hoa tươi thắm để kính dâng lên Người. Có những thời điểm, đến 22h vẫn có người vào viếng Đại tướng. Họ đến từ nhiều vùng quê khác nhau, có người đi cùng đoàn, những có người lặn lội một mình hàng trăm kilomet với mong muốn được thấy tận mắt nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng, được thắp nén hương tỏ lòng thành kính với vị anh hùng dân tộc.
Mỗi chúng ta đều chắc chắn một điều rằng, dòng người đến viếng Đại tướng sẽ không bao giờ dừng lại, như chính sự kính yêu mà cả dân tộc dành cho Người là mãi mãi.