Gục ngã trước tin dữ
Căn phòng thuê tạm chưa đến 10 m2 là nơi trú ngụ cho gia đình 4 người của đại úy Nguyễn Đào Hồng Tâm, khiến bất kỳ ai ghé thăm cũng mủi lòng. Đồ đạc đơn sơ, những thứ giá trị nhất được coi là “gia tài” của vợ chồng đại úy Tâm chỉ là chiếc tivi đời cũ cùng giá sách và những album ảnh kỷ niệm.
Bà Đào Thị Hạnh, mẹ của đại úy Tâm, gục ngã trước tin người con trai duy nhất đã hy sinh. Bà nằm trên giường, phải truyền nước vì kiệt sức. Năm bà 37 tuổi thì chồng mất, bỏ lại 3 đứa con với tất cả những khốn khó. Những tưởng khi Tâm (con trai cả) trưởng thành, được “hái quả ngọt” thì ai ngờ xảy ra cơ sự. “Tôi có mình nó làm chỗ dựa. Bố nó chết, mình tôi nuôi con giờ vẫn chưa thoát nợ nần. Không biết làm sao để sống tiếp đây...” - bà Hạnh nghẹn ngào.
Vợ của đại úy Tâm, chị Vũ Thị Phượng, cũng không nén được đau thương. “Nhà ở quê xa, hai vợ chồng mới về đây thuê được 2 năm, mỗi tháng riêng tiền nhà đã hơn 2 triệu đồng. Hai vợ chồng bảo nhau phải cố gắng hơn vì gia đình. Không ngờ anh ấy bỏ mẹ con em lại như thế này” - chị Phượng mắt đỏ hoe. Chị Phượng là giáo viên cấp 2, hai vợ chồng đã có hai con. Cháu Nguyễn Lan Anh (9 tuổi), con gái lớn của đại úy Tâm, luôn miệng hỏi mẹ: “Bao giờ bố mới về với con”.
Một người chú của đại úy Tâm cho hay hoàn cảnh gia đình này rất khó khăn. Tâm là con cả trong gia đình, tốt nghiệp lớp 12 thì thi đỗ phi công. “Mong muốn của gia đình là các cháu có một nơi để ở tạm. Gia đình muốn lập một bàn thờ cháu Tâm nhưng chủ nhà không cho vì sợ ảnh hưởng. Bố 2 cháu nhỏ mất rồi, giờ khoản thu nhập chính không còn, gia đình sẽ không biết xoay xở thế nào”- người nhà đại úy Tâm lo lắng.
Trung úy, chiến đấu viên Đỗ Văn Năm (SN 1983) là đặc công của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Gia đình anh ở huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa, có 3 anh em, Năm là con út. Vợ của anh Năm là chị Nguyễn Thị Thường, giáo viên mầm non. Vợ chồng anh đã có một đứa con hơn 3 tuổi. “Điều đau lòng là anh trai của Năm mới mất 33 ngày. Bố đau yếu, mẹ viêm đa khớp nằm liệt giường 10 năm qua, vừa mới vịn tường đi lại được. Cho nên ngoài chi tiêu trang trải cho gia đình, Năm phải dành tiền để hỗ trợ bố mẹ ở quê”- một người thân của trung úy Năm kể.
Tạm ứng lương cho vợ chữa bệnh
Tương tự là trường hợp thượng tá Hoàng Lại Long, người phi công khi đối mặt với cái chết vẫn cố điều khiển chiếc trực thăng ra khỏi khu vực có thể gây nguy hiểm cho người dân dưới mặt đất. Thượng tá Long (ngụ tỉnh Nam Định) đã ở trong quân ngũ 38 năm. Bà Bùi Thị Nhạn, mẹ vợ anh Long, kể con rể của bà học hết THPT thì nhập ngũ, 41 tuổi mới lấy vợ và họ đã có 2 đứa con. “Trước khi bị tai nạn, thằng Long gọi điện nói tạm ứng lương để gửi về cho vợ chữa bệnh. Khổ thân nó, vừa gửi tiền về cho vợ thì chết” - bà Nhạn khóc và cho biết anh Long rất hiền lành, yêu nghề, thương mọi người, đi đâu cũng được quý mến.
Chiều 8-7, tại trụ sở Tiểu đoàn 18 đặc công của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội (đơn vị có 7 chiến sĩ hy sinh trong vụ tai nạn máy bay Mi - 171), căn phòng lớn sinh hoạt hằng ngày giờ trở thành nơi tập trung các di ảnh chiến sĩ hy sinh. Nhiều tấm pa-nô treo khắp trong khu vực của đơn vị có hình ảnh của các chiến sĩ lúc đang huấn luyện. Đứng trước tấm pa-nô có 10 chiến sĩ đặc công vác súng trên vai chạy bộ trên đường, ở dưới là dòng khẩu hiệu đỏ tươi: “Vượt nắng, thắng mưa, say sưa luyện rèn”, một chiến sĩ mắt ngấn lệ nói: “Hầu hết các chiến sĩ hy sinh đều có mặt trong bức ảnh này”.
Đại tá Nguyễn Văn Tám, Chủ nhiệm Phòng không của Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, bày tỏ: “Đa số quân nhân có hoàn cảnh khó khăn. Qua đây, thấy được tinh thần trách nhiệm của anh em, vượt qua mọi khó khăn vì trách nhiệm của người lính, nhất là trong hoàn cảnh hiện nay”.
Gặp sự cố khi đang lấy độ cao
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, cho biết các cơ quan chức năng đang khẩn trương giải mã dữ liệu của hộp đen của máy bay để tìm nguyên nhân tai nạn. Tuy nhiên, công việc này rất khó khăn, do hộp đen cũng có trục trặc về kỹ thuật. Đối với các trường hợp thông thường, việc xét nghiệm ADN chỉ mất từ 24 - 36 giờ là có kết quả. Trong vụ tai nạn này, một số thi hài bị cháy sém nên việc xét nghiệm sẽ khó khăn, mất nhiều thời gian hơn. Hiện các cơ quan chuyên môn đang tích cực xác định danh tính, thi hài của từng chiến sĩ.
Đại tá Trần Quang Hòa, Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện cứu hộ đường không thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, cho biết máy bay gặp sự cố vào thời điểm đang lấy độ cao. Do chưa đạt độ cao cần thiết nên các học viên đã đeo dù cũng không thể nhảy ra ngoài. Căn cứ vào quỹ đạo cất cánh thông thường, máy bay gặp nạn đang ở vòng quỹ đạo 1, sẽ vòng qua bên trái, đè trúng khu chợ Hòa Lạc có rất đông người dân. Tuy nhiên, tổ lái đã cố gắng điều khiển máy bay vòng qua bên phải để rơi vào khu đất trống.
Chiều 8-7, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân có buổi họp với thân nhân của những chiến sĩ hy sinh. Theo kế hoạch, từ 18 giờ ngày 10-7 đến 6 giờ ngày 11-7 sẽ tổ chức khâm liệm (theo thứ tự cấp bậc trong quân đội). Từ 7 giờ đến 10 giờ ngày 11-7 là lễ viếng; từ 10 giờ cùng ngày sẽ tiến hành truy điệu, hỏa táng hoặc an táng tại quê nhà theo nguyện vọng của gia đình. |
3 chiến sĩ vẫn nguy kịch Tối 8-7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Viện Bỏng quốc gia thăm các chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội) trong vụ máy bay Mi-171 rơi. 2 trong số 5 chiến sĩ bị thương được cấp cứu tại Viện Bỏng quốc gia đã tử vong, 3 chiến sĩ đang cấp cứu, gồm: Trung úy Nguyễn Văn Tuấn (SN 1981, ngụ tỉnh Bắc Giang) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 74%, bỏng hô hấp; chiến sĩ Đinh Văn Dương (SN 1983, ngụ tỉnh Hà Nam) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 53%, bỏng hô hấp; trung úy Nguyễn Hoàng Anh (SN 1981, ngụ tỉnh Thái Bình) chẩn đoán đa chấn thương, bỏng lửa 52%, bỏng hô hấp, vỡ xương sọ... Theo GS-TS Nguyễn Tiến Bình, Giám đốc Học viện Quân y, học viện đang huy động mọi nguồn lực để cứu chữa. Trong ngày 9-7 sẽ hội chẩn liên viện để tìm giải pháp điều trị tốt nhất. Bà Tiến cho biết Bộ Y tế sẽ không từ bỏ bất cứ cơ hội nào để cứu sống các chiến sĩ. N.Dung |
Không để máy bay “chết” trước mình Lữ đoàn Không quân 918 thuộc Quân chủng Phòng không- Không quân hiện đang vận hành một số lượng lớn các máy bay thực hiện nhiều nhiệm vụ. Đại tá Lê Kiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng, cho biết ngoài các loại máy bay hiện đại, mới đưa vào sử dụng, hiện còn có những máy bay đã sản xuất từ lâu, thời gian vận hành dài như AN-26, AN-2. Với các máy bay đã có tuổi đời vài chục năm, để vận hành và hoạt động tốt thì không chỉ cần kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn cả sự quả cảm, bất chấp hiểm nguy. Đội ngũ phi công của lữ đoàn thường xuyên thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ ngư dân gặp bão trên biển nên luôn phải điều khiển máy bay trong điều kiện thời tiết xấu. Tinh thần của phi công khi nhận những nhiệm vụ khẩn cấp luôn là bất chấp hiểm nguy, thậm chí sẵn sàng hy sinh. Riêng với các phi công điều khiển máy bay trực thăng Mi-171, nhiệm vụ của họ rất đa dạng, từ cứu hộ cứu nạn cho đến huấn luyện nhảy dù. Thượng tá Đặng Xuân Niệm ở Trung đoàn 917 - người từng thực hiện hàng trăm giờ bay với nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển - nói: “Mỗi chuyến bay là một lần gửi sinh mệnh lên bầu trời. Những người lính bay chúng tôi xa nhà thường xuyên và thường không để vợ con biết những nhiệm vụ mình đang làm để ở nhà bớt lo”. “Mỗi chuyến bay kết thúc tốt đẹp, chúng tôi mới có thể thở phào” - Đại tá Trần Văn Quan, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 917, cho biết thêm. Theo ông, các phi công luôn cố đưa máy bay ra ngoài khu vực dân cư (nếu có thể) để hạn chế tối đa thương vong cho người dân. Có một điều chắc chắn là ngay cả trên một cánh đồng, phi công Việt Nam vẫn không để máy bay “chết” trước mình, nghĩa là vẫn chọn cách hy sinh. Đó là một cử chỉ, một bản năng đã thấm vào máu của những người lính phi công. |