Nỗi ám ảnh từ những vụ đòi tự tử giữa nơi đông người

Sứ Giao, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 30/08/2013
Chia sẻ

Vừa mới đây, chỉ trong một ngày đã xảy ra 2 vụ đòi tự tử ở chỗ đông người. Trước đó, nhiều vụ việc tương tự cũng đã xảy ra khiến dư luận đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về “hiện tượng” này.

Vào tối 26/8, tại Cầu Giấy, Hà Nội (đoạn bắc qua sông Tô Lịch) đã xảy ra một vụ tự tử thu hút nhiều sự chú ý của những người hiếu kỳ.

Theo một số người dân chứng kiến kể lại, vào thời điểm trên, họ thấy một cô gái trẻ mặc áo mưa, đi xe máy biển kiểm soát BKS 20G1… đến khu vực Cầu Giấy thì để xe trên đường, rồi tay cầm dao đi ra ngồi giữa ống nước bắc ngang sông Tô Lịch với vẻ mặt thất thần, đòi nhảy sông tự tử.

Nỗi ám ảnh từ những vụ đòi tự tử giữa nơi đông người 1
Lực lượng cứu hộ tới hiện trường nơi cô gái dọa tự tử.

Lúc này, nhiều người dân đã khuyên can cô gái không nên hành động dại dột, đồng thời báo tin cho lực lượng công an.

Nhận được tin báo, Đội CSGT số 3 (Phòng PC67 - Công an TP. Hà Nội) đã phối hợp với lực lượng cảnh sát 113, Sở cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội và công an phường Quan Hoa (Cầu Giấy) nhanh chóng có mặt tại hiện trường để giải cứu cô gái đòi tự tử.

Nỗi ám ảnh từ những vụ đòi tự tử giữa nơi đông người 2

Đoạn ống nước bắc ngang sông Tô Lịch - nơi cô gái trèo lên đòi tự tử.

Nỗi ám ảnh từ những vụ đòi tự tử giữa nơi đông người 3
Lực lượng cứu hộ đưa cô gái lên xe.

Sau khoảng 20 phút khuyên nhủ nhưng cô gái vẫn không chịu vào bờ, lực lượng chức năng đã sử dụng các công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp để tiếp cận và đưa cô gái vào bờ an toàn. Dù vậy, cô gái này vẫn vùng vẫy kêu la đòi lực lượng chức năng thả mình.

Cô gái sau đó được đưa về trụ sở công an phường Quan Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội). Tại đây, các cán bộ công an tiếp tục khuyên nhủ cô gái bình tĩnh nhưng cô này vẫn liên tục đòi tự tử. Theo thông tin ban đầu, nguyên nhân dẫn tới hành động đòi tự tử của cô gái trẻ là do bị sốc quá lớn sau khi chia tay người yêu.

Cùng ngày, vào 22h đêm 26/8 tại ngã tư Tân Phong (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), một nam sinh trèo lên tháp đồng hồ đặt giữa vòng xoay giao lộ đường Nguyễn Ái Quốc - Đồng Khởi và có dấu hiệu nhảy xuống tự tử.

Nhận được tin báo, lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP. Biên Hòa nhanh chóng đến hiện trường. Sau khi khuyên giải không được, các chiến sĩ đã phải dùng xe cẩu chuyên dụng và huy động lực lượng giải cứu để đưa chàng trai này xuống.

Nỗi ám ảnh từ những vụ đòi tự tử giữa nơi đông người 4
Nam sinh trèo lên tháp đồng hồ ở ngay giữa ngã tư giao lộ và đòi nhảy xuống.

Theo thông tin ban đầu, do buồn chuyện tình cảm nên chàng thanh niên này đã muốn tìm đến cái chết. Tuy vậy, điều khiến người dân thắc mắc là không hiểu làm thế nào mà nam sinh này trèo lên được tháp đồng hồ. Giao thông quanh vòng xoay đã bị ùn tắc vì nhiều người hiếu kỳ đứng xem.

Vậy là chỉ trong vòng một ngày đã xảy ra 2 vụ đòi tự tử ở chỗ đông người, khiến dư luận hết sức quan tâm. Bên cạnh những ý kiến chia sẻ, cộng đồng mạng tỏ ra khó hiểu với hành động của 2 thanh niên còn rất trẻ nhưng lại muốn tìm đến cái chết, cùng chung lý do “buồn chuyện tình cảm”. Và cách họ chọn nơi muốn kết thúc sự sống ở giữa chốn công cộng cũng khiến dư luận thắc mắc.

Độc giả Coluuly chia sẻ: “Vì thất tình mà đòi tự tử ư? Mới vấp ngã nhẹ mà đã không đứng lên được, thì làm sao tồn tại được trong cuộc sống này. Lớn rồi, sống không phải chỉ cho mình nữa, mà hãy sống vì bố mẹ người thân của mình”.

Nick Salem kể lại câu chuyện bạn chứng kiến: “Tối qua dừng xe đợi bạn ở đoạn đó gặp bà này, cứ thấy 1 tay gọi điện xong khóc. Mình cứ thắc mắc tại sao lại ngồi đó mà nghe điện thoại làm gì nhỉ? Sáng lên mạng gặp ngay bài này”.

Rất nhiều độc giả cho rằng bạn nữ này hành động thật dại dột, bởi vì “Suy nghĩ đầu tiên của mình khi đọc tên bài báo là: tự tử bằng sông Tô Lịch thì chết thế nào được? Suy nghĩ thứ 2 sau khi đọc xong: Muốn tự tử sao phải làm ầm ĩ cho người ta đến cứu? Suy nghĩ thứ 3 là bạn này dại!”, nick Nothing khẳng định.

Đây không phải lần đầu tiên xuất hiện những trường hợp đòi tự tử gây ầm ĩ nơi công cộng. Trước đó, một nam thanh niên đi xe máy không BKS lên khu vực cầu Chương Dương (Hà Nội), rồi đột ngột dừng xe trèo qua trụ cầu. Nam thanh niên này tỏ thái độ do dự, lưỡng lự khi chỉ đứng ở thành cầu và nhún nhảy. Lúc bấy giờ rất đông người qua đường hiếu kỳ đứng lại quan sát. Càng đông người, nam thanh niên càng "hăng" lượn đi lượn lại và thể hiện "chuẩn bị làm điều gì đó" trên thành cầu.

Sau đó, các chiến sỹ Đội CSGT số 5 và lực lượng bảo vệ cầu nhanh chóng triển khai kế hoạch giải cứu bằng cách khuyên giải và dùng biện pháp mạnh, đồng thời phối hợp với quần chúng nhân dân đưa thanh niên này vào khu vực an toàn.

Cùng thời điểm đó, một phụ nữ quê ở Lâm Thao, Phú Thọ cũng khiến người dân đi qua cầu Chương Dương phải hết hồn khi định tự tử để chứng minh tình yêu với người tình. Sau khi bị người yêu nhắn tin "Em muốn chết thì chết đi", người phụ nữ này bám vào lan can cầu kêu khóc thảm thiết và luôn miệng đòi tự tử. Lực lượng CSGT đã tới ứng cứu và đưa cô gái về chốt giao thông tại đầu cầu Chương Dương.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM) đã lý giải một phần tâm lý khác thường của những người trẻ có hành vi đòi quyên sinh ở nơi công cộng.

Theo Thạc sĩ Khắc Hiếu, hành vi tự tử vì tình cảm ở nơi công cộng, đông đúc và có những hành động "lưng chừng" như ta thấy ở trên, chia làm 2 trường hợp: Một là muốn chết thật, nhưng lại phân vân và không đủ can đảm. Hai là muốn hăm dọa người đã chia tay mình, để họ hối hận, để hy vọng vì sợ hãi hoặc vì thương hại mà họ sẽ quay lại với mình.

Thạc sĩ Khắc Hiếu cũng khuyên các bạn trẻ, người ta thường chăm chú vào cuộc tình thất bại của mình, thổi phồng nó lên và tưởng tượng rằng cuộc đời mình đã mất theo mối tình đó, đấy là suy nghĩ hết sức sai lầm. 

"Tự tử là một tấm gương rất xấu. Tự tử nơi công cộng còn vô tình gieo vào tâm trí những người chứng kiến trực tiếp hoặc gián tiếp một “ý tưởng” giải quyết bế tắc bằng cách tự giết chết mình. Khi mọi chuyện diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, giữa nơi công cộng và được phán xét bằng nhiều con mắt như thế, người có tâm lý đau khổ vì tình đang muốn chết kia, còn bị dư luận soi mói, mỉa mai. Thế nên nếu ở vế thứ 2, là chỉ muốn hăm dọa người đã chia tay để họ hối hận, thì rõ ràng là mất nhiều hơn được", anh Hiếu phân tích.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày