Một tiệm sửa xe không tên ở số 1034, Âu Cơ, Q.Tân Bình (TP.HCM) từ lâu trở thành điểm sửa xe quen thuộc của nhiều khách. Đặc trưng của tiệm là thợ đều là... phụ nữ.
Tiệm chủ yếu vá, thay lốp, xăm xe đạp, xe máy và làm lốp ô tô, xe tải cho đến các loại xe lam, ba gác... ra đời gần 50 năm.
Cả gia đình có 9 người con gái thì đến 7 người theo nghề sửa xe. Người có thâm niên cao nhất là hơn 30 năm.
Trong số các chị em thì cô Đỗ Kim Hoàn (53 tuổi) vững tay nghề nhất. Không chỉ biết thay lốp, xăm xe mà cô còn sửa được máy, làm bố thắng, tăng sên, sửa xe tay ga...
"Từ hồi lớp 8, chẳng ai chỉ bảo, tôi cứ thế bắt chước cha làm nghề này cho đến bây giờ. Lớn lên lập gia đình, mấy đứa con cũng biết sửa xe, lâu lâu ra phụ giúp mẹ", cô Hoàn cho biết.
Trong các chị em, dì Ba là người có thâm niên nhất. Ở tuổi 60, cô có hơn 30 năm làm bạn với dầu nhớt. Dì Ba cho hay: "từ bé tôi tập sửa xe đạp, mần riết thành quen, rồi khi ba mất năm 1987 thì tôi cùng mấy đứa em chính thức thay cha tiếp quản tiệm".
Theo dì Ba, có một thời tiệm của gia đình "ăn nên làm ra", tấp nập khách. Nhưng hiện tại thì công việc chỉ đủ để các chị em tạm sống qua ngày. Quá nhiều tiệm sửa xe mọc lên, cạnh tranh quá gắt gao. Đường Âu Cơ cũng không cho xe tải chạy nên vắng lượng khách này.
Cô Đỗ Kim Hải (49 tuổi) đang làm lại bánh xe ba gác cho khách. Dù công việc khá ế ẩm nhưng mấy mươi năm làm nghề giúp các cô có nhiều khách quen.
Ban đầu có đến 7 chị em cùng theo nghề gia đình nhưng hiện nay chỉ còn 3 - 4 người làm chính. Những chị em bỏ tiệm vì theo về nhà chồng, người lo nội trợ hoặc chuyển sang công việc khác.
Đôi bàn tay chai sạn, lúc nào cũng đen vì dầu nhớt.
Các cô chấp nhận sự nặng nhọc của nghề, bỏ qua những nhu cầu làm đẹp của bản thân vì miếng cơm manh áo.
Khi nghề không đủ mưu sinh, các cô mở thêm quán nước. Quán này do cô út trông coi.
Tiệm sửa xe của các cô được tiếng là chủ quán nhiệt tình, sửa uy tín, chất lượng và giá cả phải chăng.
Anh Cường (25 tuổi), làm nghề chở hàng thuê, lần nào bánh xe có vấn đề đều mang ra tiệm. "Mình là khách quen rồi, ra đây sửa luôn có cảm giác an tâm hơn và giá thì rất hợp lý", anh Cường nói.
Khi được hỏi nghĩ sao về phụ nữ làm nghề này, dì Bảy trầm ngâm một lát rồi nói: "Nghề nào miễn chân chính để sống là được, cớ chi phân biệt nghề cho nam, cho nữ. Giờ tôi chỉ mong sao khách bữa nào cũng đông để còn có việc mà mần ăn, vậy là vui rồi".