Mặc dù là xã nằm ở vùng trung du, thế nhưng, Tuy Hòa (huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) là làng nghề có nhiều năm tuổi nhất trong lĩnh vực… nuôi cá chép bán ngày ông Táo về trời. Với người dân nơi đây, họ nuôi cá nhưng không mong cá lớn. Nuôi cả năm trời mà chỉ mong cá bằng hai, ba đầu ngón tay rồi bán cho thiên hạ cúng ông Táo cuối năm.
Một năm trăm công ngàn việc nhưng không gia đình người Việt Nam nào quên ngày cúng ông Táo kèm theo phong tục phóng sinh cá chép để ông Táo về trời báo cáo một năm đã qua, và cầu mong một năm tới mưa thuận gió hòa.
Nghề nuôi cá chép cúng ông Táo của làng Tuy Lộc bắt đầu từ một câu chuyện rất tình cờ: xưa, ông Trần Văn Sáu – một người dân làng làm nghề buôn cá. Ông thường đạp chiếc xe hai sọt hơn 130 cây số từ Tuy Lộc xuống thị trấn Trạm Trôi (Hoài Đức, Hà Nội) để mua cá giống rồi bán lẻ cho những gia đình có nhu cầu thả cá ở khắp các tỉnh đồng bằng. Mỗi chuyến đi của ông thường tính bằng đơn vị cả tháng trời.
Một ngày cách đây 35 năm, ông Sáu thấy một người nuôi cá giống có mấy con cá đỏ chót, trông rất lạ mắt. Ông Sáu hỏi mua, song người đó không bán, họ bảo để nhân giống. Theo lời họ, giống chép đỏ này có xuất xứ từ Nhật Bản. Phải đến năm sau, khi họ nhân giống thành công, ông mới mua được 4 con bằng ngón tay đem về để nuôi và cho dân làng chiêm ngưỡng.
Khi 4 chú cá đỏ chót lớn một chút, ông Sáu mới nhận ra những chú cá đỏ đều là đực. Ông lại hộc tốc đạp xe xuống Trạm Trôi để mua con cái về nhân giống. Thế nhưng, ở Trạm Trôi có bệnh dịch.
Năm sau tát ao, một cảnh tượng xuất hiện trong ao của ông Sáu: ao nhà ông có rất nhiều cá với thân mình nửa trắng, nửa hồng, loang lổ, trông phát khiếp. Ông Sáu hiểu, đó là do cá trắng và cá đỏ giao phối với nhau nên mới tạo ra lũ cá con kỳ lạ như thế. Ông Sáu lựa chọn những con toàn màu đỏ thả chung với nhau, và bây giờ cả xã Tuy Lộc có giống cá chép đỏ làm giàu.
Bắt đầu từ những ngày 15, 16 tháng chạp, cả xã Tuy Lộc đã nhộn nhịp như ngày hội. Khắp các thôn Thủy Trầm, Tăng Xá, Quyết Tiến, Dư Ba, ngày đêm nhộn nhịp tiếng xe máy, ôtô, tiếng máy nổ Hoa Sen, tiếng vòi nước phun ào ào. Suốt đêm, suốt ngày người dân làm việc cật lực, để những chú cá chép đỏ này đi đến những vùng miền khác nhau trên khắp đất nước. Công việc khẩn trương, gấp gáp vì cả năm mới có một ngày ông Táo, chậm chễ trong khâu tát ao, bắt cá, liên hệ tìm mối bán…
Cách xa làng Tuy Lộc cả ngàn cây số, Ea Kao – một xã vùng núi của Buôn Mê Thuật – người dân cũng làm giàu nhờ nghề nuôi cá chép bán ngày ông Táo.
Những ngày cuối năm cũng là dịp để dân làng tất bật với mùa thu hoạch cá đại trà phục vụ nhu cầu tiêu dùng của thị trường giáp Tết. Đây được xem là cơ hội thu lợi nhuận cao nhất của người nuôi cá trong một năm.
Nhờ có lợi thế về nguồn nước ngầm dồi dào hồ thủy lợi Ea Kao đem lại, những năm qua bà con trong xã Ea Kao đã không ngừng mở rộng diện tích ao, hồ, phát triển nghề nuôi trồng thủy sản nước ngọt theo hướng tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế khá, hình thành nên thương hiệu “Làng cá Ea Kao”.
Toàn xã có khoảng gần 1.000 hộ nuôi cá, với trên 100 ha diện tích ao hồ các loại.
Sản phẩm chính của làng cá Ea Kao là nuôi cá thịt thương phẩm nhưng dịp giáp Tết Nguyên đán lại được xem là mùa thu hoạch chính và bội thu nhất của người dân nơi đây. Những ngày này hầu khắp các trại cá Ea Kao, bà con đang ra sức tập trung vỗ béo cá và đánh bắt rải đàn để xuất bán những lứa cá cuối cùng của năm, trước hết là trong dịp Tết Ông Táo - ngày 23 tháng Chạp.
Để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu ngày càng cao của người dân mua cá chép về phóng sinh, “Làng cá Ea Kao” đồng loạt ươm nuôi thêm loại cá này để xuất bán ra thị trường. Ngoài những giống truyền thống, bà con nơi đây còn lai tạo được những loại cá chép khác nhau có đuôi, vây dài và nhiều màu sắc bắt mắt như vàng, đỏ, trắng… Những ngày giáp Tết, thương lái các nơi đã kéo nhau về mua cá đưa đến các chợ bán.
Một làng nghề khác, dù chưa nổi tiếng nhưng cả làng hầu hết cũng sống khỏe nhờ… ông Táo. Đó là xã nuôi cá cảnh ở Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc (Nam Định).
Là vùng đất chiêm trũng, sản xuất nông nghiệp không đạt được hiệu quả do một năm chỉ sản xuất được vụ chiêm, Mỹ Thắng đã được huyện Mỹ Lộc chỉ đạo thực hiện chính sách dồn điền, đổi thửa hình thành nên Khu nuôi trồng thủy sản giúp các hộ nơi đây tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Làng Kim, xã Mỹ Thắng là một trong những làng phát triển mạnh nghề nuôi cá cảnh, trong đó nhiều nhất là loại cá chép cảnh, cá ông Công và cá vàng 4 đuôi. Đây là những loại cá được tiêu thụ nhiều nhất trong dịp Tết ông Công, ông Táo.
Cả làng có 286 hộ trong đó có gần 40 hộ nuôi cá cảnh, Khu nuôi trồng thủy sản làng Kim hiện có diện tích lên tới gần 15ha. Ngoài nuôi cá cảnh được tiêu thụ nhiều vào dịp ông Công, ông Táo, các hộ ở đây còn nuôi cá trắm đen thịt và trắm đen giống để bán ra thị trường quanh năm.
Với một nghề gắn với truyền thống tâm linh rất Á Đông, những làng nghề kể trên ở Việt Nam nhiều năm qua đã sông khỏe nhờ… ông Táo.