Những "khoảng đen" chưa từng được công bố về giới "chân dài"

Người đưa tin, Theo 08:59 23/05/2015

Hình phạt hiện nay theo luật còn quá nhẹ so với khoản lợi nhuận kếch xù từ các cuộc thi người đẹp chui tổ chức trót lọt.


Cuộc thi Nữ hoàng sắc đẹp Việt Nam 2014 "chui" bị phạt 50 triệu đồng.

Cấp thẻ hành nghề chỉ là hình thức

Mấy năm trở lại đây, khi nhắc đến những đường dây bán dâm, “bay tour”... với giá cả ngàn đô, thậm chí đến cả chục ngàn đô của những người mẫu, người đẹp từng được gắn thương hiệu, không làm dư luận bất ngờ nữa. Nhiều người ví các cơ sở “sản xuất” người mẫu, người đẹp hoạt động như một vòng tròn khép kín và kiếm bộn tiền nhờ đáp ứng nhu cầu, sở thích “săn tìm” hoặc sở hữu kiều nữ của những đại gia hám của lạ.

Khi những vụ việc bị vỡ lở, người ta mới vỡ lẽ và giật mình, người mẫu, người đẹp ở đâu mà nhiều thế? Một lần nữa dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của Hiệp hội Người mẫu Việt Nam trong việc quản lý người mẫu cũng như trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan đến lĩnh vực này.

Trước thực trạng nhiều đường dây bán dâm cao cấp gắn mác người mẫu, bà Nguyễn Thế Thanh, Phó Chủ tịch thường trực hiệp hội Người mẫu Việt Nam cho rằng: “Hội Người mẫu Việt Nam ra đời từ năm 2007 nhằm hỗ trợ người mẫu hoạt động tốt hơn, giúp người mẫu có thể phát triển nghề.

Bên cạnh đó là việc xây dựng tiêu chí, quy chuẩn để nghề người mẫu có mã số nghề nghiệp và thừa nhận người mẫu là một nghề chính thức. Nhưng đến nay, kết quả chưa được như mong muốn. Vậy nên, xảy ra chuyện như thời gian vừa qua đối với những người mẫu tự xưng vi phạm pháp luật, Hiệp hội Người mẫu không thể can thiệp vì đó là việc của cá nhân.

Theo điều lệ, Hội sẽ đại diện cho người mẫu là hội viên. Hiệp hội chỉ lên tiếng bảo vệ nếu người mẫu là hội viên hoặc hội viên vi phạm, hội sẽ có cách xử lý. Mặc dù hội rất quan tâm đến những chuyện vừa xảy ra liên quan đến người mẫu không chuyên nhưng hội không thể can thiệp. Đây là vấn đề nhạy cảm và phụ thuộc vào nhận thức cá nhân”.

Trong khi đó, nguồn tin tức từ Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết, Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu...) sửa đổi đã được soạn thảo xong, đang được gửi đến các bộ, ban, ngành và UBND các tỉnh, thành phố để xin ý kiến đóng góp bổ sung. 

Dự kiến, Dự thảo Nghị định 79 sửa đổi tháng 11/2015 sẽ trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, khi Nghị định 79 sửa đổi được Chính phủ ban hành, không thay đổi, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch sẽ tiến hành cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật cho nghệ sĩ và thẻ hành nghề cho người mẫu. Theo đúng lộ trình, đến quý II/2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ cơ bản hoàn thành việc cấp thẻ hành nghề biểu diễn nghệ thuật và người mẫu trong cả nước.

Trước thông tin sẽ có thẻ hành nghề cho người mẫu, nhiều người hoạt động trong lĩnh vực này cũng cho rằng, khi có thẻ hành nghề cho người mẫu sẽ phân định rạch ròi người mẫu thật với người mẫu tự xưng. Tuy nhiên, theo siêu mẫu nổi tiếng và không ít những vụ scandal H.A., vấn đề không phải ở chỗ có thẻ hành nghề hay không, những người làm nghề được chứng nhận và bảo đảm bằng thẻ nghề thì việc quản lý người mẫu vẫn dừng lại ở hình thức. 

“Vấn đề tôi muốn nói đó là nội dung, cái bên trong mới quan trọng chứ không nằm ở khâu quản lý. Nó là chuyện của nhân cách, của hành xử, sự lựa chọn. Thay vì có suy nghĩ làm xoay chuyển một khối bê tông, chúng ta phải đặt vấn đề giải pháp từ khi bắt tay vào việc làm nền móng”, H.A. nói.

Trong khi chờ cấp thẻ hành nghề, siêu mẫu Hoàng Yến cho rằng: “Thực tế là hiện nay chỉ cần một lần chụp ảnh, lên báo hay bước lên sàn catwalk, dù là những show diễn nhỏ, vẫn được mọi người gọi là người mẫu. Bởi vậy, vấn đề làm sao để quản lý người mẫu cũng không hề đơn giản, nhưng các nhà thiết kế, khách hàng thuê người mẫu biểu diễn cần phải yêu cầu thông tin rõ ràng về người mẫu. Có thể chỉ ra như chứng chỉ đào tạo, bảo lãnh bởi công ty quản lý nào, nếu không có những tiêu chí trên sẽ không thuê. Làm được như thế phần nào sẽ hạn chế được những bê bối, scandal mất mặt những người mẫu chân chính như thời gian qua”.

Mức phạt kịch khung chưa đủ mạnh

Bên cạnh việc quản lý người mẫu thì việc quan trọng không kém được đặt ra là làm sao để quản lý các “lò” luyện người mẫu đào tạo tràn lan hiện nay và các cuộc thi sắc đẹp chui cứ thỏa sức tung hoành khiến dư luận “bội thực” các danh hiệu người đẹp.

Về vấn đề này, trao đổi với PV báo Người đưa tin, ông Trần Quốc Chiêm, Phó Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội (VH - TT&DL) cho biết: “Cho đến nay, chưa có quy định cụ thể về quản lý người mẫu ngoài Nghị định 79 (quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu...) và thông tư hướng dẫn thi hành.

Tuy nhiên, Nghị định này cũng chỉ điều chỉnh đối với hoạt động biểu diễn thời trang và thi hoa hậu người mẫu chứ không phải hoạt động hành nghề người mẫu hay việc đào tạo người mẫu. Có thể nói, thời gian gần đây có rất nhiều các đơn vị, công ty tổ chức các lớp đào tạo người mẫu, bởi vậy giới người mẫu hiện nay có thể nói là “loạn”. 

Còn việc các đơn vị mở lớp đào tạo người mẫu và cấp chứng chỉ cho các học viên thì Sở không có thẩm quyền can thiệp. Các công ty, đơn vị này đang hoạt động theo ngành nghề họ đăng ký kinh doanh với Sở Kế hoạch và Đầu tư”.

Cũng theo lãnh đạo sở VH - TT & DL Hà Nội, Sở cũng đã “tuýt còi” đối với những đơn vị tổ chức các show diễn thời trang, thi người đẹp, biểu diễn âm nhạc “chui”... Tuy nhiên, mức phạt kịch khung 50 triệu đồng và rút giấy phép chưa đủ mạnh. 

“Thực tế, việc cấp giấy phép kinh doanh đối với các cơ sở, đơn vị này còn dễ dãi. Tôi đã đề nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khi cấp phép cho các công ty, đơn vị liên quan đến đào tạo người mẫu, tổ chức sự kiện, show diễn thời trang, thi người đẹp, cần thiết phải có sự tham khảo, phối hợp với Sở VH - TT& DL Hà Nội trước khi cấp giấy phép kinh doanh. Bởi, không ít những công ty, đơn vị tổ chức chui bị sở “tuýt còi” và rút giấy phép thì ngay sau đó rất nhanh chóng lập công ty mới nên việc quản lý những đơn vị này đang gặp khó khăn”, ông Chiêm cho hay.

Phối hợp giữa các cơ quan hữu quan còn yếu

Luật gia Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP. Hà Nội cho rằng: “Về mặt hình thức, các công ty tổ chức sự kiện, đào tạo người mẫu… cũng giống các công ty khác được thành lập theo luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, do đặc thù ngành nghề kinh doanh các công ty liên quan đến nghệ thuật biểu diễn, về mặt chuyên ngành phải theo quy chế của Sở VH - TT&DL, Bộ VH - TT&DL. 

Về mặt quản lý Nhà nước như thế là khá chặt chẽ, nhưng trong thực tế, việc các cơ quan quản lý chuyên ngành và đơn vị cấp giấy phép kinh doanh có phối hợp với nhau hay không đó mới là vấn đề. Điều này dẫn đến các công ty, đơn vị tổ chức chui các cuộc thi người đẹp, khi bị cơ quan quản lý chuyên ngành phát hiện, rút giấy phép thì họ lại lập một công ty mới. Hơn nữa, mức phạt đối với các đơn vị tổ chức chui còn quá nhẹ. Đây cũng là nguyên nhân vì sao nhiều đơn vị bị “tuýt còi”, phạt vài ba lần vẫn tiếp tục tổ chức”.