Ở các phòng bệnh khoa Nhi hiểm nghèo người ta có thể bắt gặp tâm trạng của người cha, người mẹ thay đổi nhanh nhất. Mới cười nói với con, bước ra phòng bệnh, khuôn mặt họ đã ngay sầm lại, nặng trĩu trăm thứ tiền phải chi khi con bạo bệnh. Đối với nhiều người, so với số tiền sắp phải chi với số tiền đã vay nợ để chạy chữa cho con, không biết khoản nào nặng nề hơn khoản nào…
Chị Nguyễn Thị Hương (SN 1968), quê ở Yên Thành, Nghệ An đã một mình chăm con trai 20 tuổi bị ung thư máu đã 3 năm nay. Bị bướu cổ đã 10 năm, chị không dám nghĩ đến chuyện đi mổ vì không có tiền. Đến năm 2009, chị tích góp được một khoản, dự định rằng sẽ mổ bướu nhưng chưa kịp đi thì bỗng dưng đứa con trai út của chị là Nguyễn Trạch Bằng (SN 1992) đang học lớp 11 mắc bệnh ung thư máu. Khó khăn chồng chất khó khăn, chị nuốt nước mắt cùng chồng đưa con trai lên Hà Nội chữa chạy đã 3 năm trời.
Tiền tích góp phút chốc hết sạch, chị phải vay nợ khắp nơi để cứu chữa cho con, đến nay, số tiền nợ đã lên tới hơn 150 triệu đồng. Trong 3 năm, chị Hương không nhớ mình đã bằng cách nào để có thể chạy vạy số tiền lớn như vậy. Giờ nói đến số nợ là chị rùng mình, nhưng trước mặt con, chị luôn nói: “Còn nợ bao nhiêu rồi sẽ trả được, miễn là chạy chữa cho con”. Nói thế thôi, nhưng ai cũng hiểu chị hiện đang rất hoang mang, đối với gia định chị 150 triệu là số tiền quá lớn. Chút ruộng nhỏ ở quê chị không dám bán, còn ruộng để chồng làm lụng thêm tiền gửi lên khi chị ở Hà Nội chăm con.
Với sổ hộ nghèo và sổ đỏ, chị vay được ngân hàng 80 triệu, để chạy chữa bao năm qua chị phải vay mượn họ hàng, người quen biết tổng cộng 70 triệu nữa. Đến nay, lãi ngân hàng cùng lãi ngoài đã tăng đến con số nào chị không dám hỏi, không dám biết. Nhờ có thẻ bảo hiểm học sinh, cũng giảm được nhiều số tiền phải chạy chữa, thế nhưng cũng đã âm đến 150 triệu. 3 năm qua, bệnh bướu cổ cũng làm sức khỏe chị suy giảm đi nhiều, nhưng chị nói: bệnh làm chị hay quên nhưng ở bên con thì chị tỉnh lắm.
Mỗi ngày chị chỉ ăn hết 10 ngàn, nhưng con trai chị, 21 tuổi, lại bị ung thư máu cần phải bồi bổ nhiều. Mỗi ngày 100 ngàn cho cả phí bệnh viện và ăn uống của mẹ con là không đủ. Chưa kể mỗi đợt truyền, hóa trị tốn hàng chục triệu. Mỗi lần con nguy kịch, không xoay đâu ra tiền, là chị phải vay nóng 4-5 triệu để chi trả kịp thời. Sau những lần đó, chị lại phải chạy vạy chỗ khác để trả vì tiền lãi quá cao.
Trường hợp của chị Hương không phải là cá biệt ở Viện huyết học TW hay các khoa ung thư. Tuy có bảo hiểm nhưng điều trị năm này qua năm khác, rất nhiều gia đình phải vay tiền từ ngân hàng, người thân để chạy chữa cho con. Con bệnh tật, bố mẹ phải nghỉ việc, ở viện nhiều hơn ở nhà thế nên tiền không làm ra nhưng phải chi rất nhiều. Nhiều gia đình không có điều kiện, thuộc hộ nghèo còn phải vay mượn khắp nơi.
Anh Ngô Huy Quế (Quê ở Lương Tác, Bắc Ninh) có con gái là Ngô Thị Kim Oanh (SN 2007) bị bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu) đã chữa trị gần 2 năm nay. Cháu Oanh thuộc trường hợp bệnh tái phát, có nghĩa là điều trị xong đến đâu là lại tái phát đến đó. Thế nhưng, anh Quế không bỏ cuộc, mặc dù số tiền anh vay nợ đã lên tới hơn 100 triệu đồng. Đến bây giờ, anh nói rằng anh đang không biết có thể vay mượn được từ nguồn nào nữa không khi những ai quen biết anh đã hỏi mượn cả. Cả anh và vợ đều làm ruộng ở quê, số nợ lớn đã trở thành gánh nặng.
Việc chữa chạy cho con gái còn kéo dài, nhắc đến đây, anh Quế không nói gì nhưng chắc hẳn trong anh cũng đang nặng nề lo nghĩ. Anh nói, có lẽ sang năm sau anh phải cắm sổ đỏ để vay mượn thêm.
Trường hợp của chị Trần Thị Ngát (ở huyện Yên Hưng, Quảng Hưng) cũng vậy. Con của chị là cháu Trần Duy Hưng (SN 2007) đã bị ung thư máu mới 5 tháng đã tiêu tốn gần 50 triệu đồng. Hai vợ chồng chị lấy nhau muộn, khi chị 30 tuổi, còn chồng đã 45. Đứa con trai thứ hai của chị không may bị dị tật bẩm sinh với đủ thứ bệnh lùn tuyến yên, khe hở vòm miệng, viêm phế quản. Năm nay, đã 4 tuổi, nhưng chỉ nặng 9kg. Chưa kịp chữa trị cho con thì con trai lớn là cháu Hưng lại mắc bệnh.
Được biết, hoàn cảnh gia đình chị Ngát rất khó khăn, cả nhà chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng, từ lúc Hưng đi viện, chị đã phải vay ngân hàng theo diện hộ nghèo 10 triệu đồng, vay hai bên nội, ngoại 20 triệu đồng, trong khi nợ chữa bệnh cho đứa con nhỏ còn chưa trả hết.
Mấy năm nay, khi chưa có một trường hợp nào trẻ bị ung thư máu được cứu sống nhưng nếu nghe ai đó bảo rằng: Bệnh hiểm nghèo, ung thư chữa chạy đến mấy rồi cũng không qua khỏi. Tiền thì mất mà bệnh con thì không chữa được. Chi bằng đưa con về, dùng số tiền đó cho con sống thêm được những ngày đầy đủ. Thì tất cả những người bố, người mẹ ở phòng bệnh ung thư đều cho rằng đó là điều không sai nhưng tất cả đều cho rằng : “Đã có nhiều trường hợp, vì không đủ tiền chạy chữa, nhiều bố mẹ phải đưa con về, trước khi về họ khóc như mưa… Khi đã phải vào đây, đau đớn ngang nhau cả nhưng họ là người đau đớn hơn khi không có tiền chữa cho con. Biết là tốn kém nhưng chẳng ai có thể nhìn con mình chết dần chết mòn cả…”