Người chụp ảnh nude phải chiến thắng nhục dục bản thân để hướng đến cái đẹp Tôi đã từng chụp ảnh nude, tuy tôi không chuyên về lĩnh vực đó nhưng từ những gì mình trải qua thì có thể đúc kết được một số điểm cần lưu ý như sau:
Thứ nhất về bản thân người chụp, vì con người ai cũng có phần bản năng “hoang dã” bên trong, nhưng con người khác loài vật là biết kiềm chế và có ý thức. Nên việc đầu tiên người chụp ảnh phải chiến thắng được bản thân mình, chiến thắng cái nhục dục bên trong để hướng tới cái đẹp. Hình ảnh phản ánh con người, một con mắt dâm ô sẽ chỉ nhìn thấy những thứ dâm ô.
Thứ hai, sau khi đã “dàn xếp” bản thân mình xong thì mới nghĩ đến việc tìm người mẫu để chụp. Với sự trong sáng đó, tôi tin là người chụp ảnh sẽ tìm được đối tác ăn ý. Người ta nói “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” là vậy. Việc chọn mẫu cũng cần khắt khe với bản thân, ngoại hình đẹp là điều tất nhiên, nhưng đẹp chưa phải là tất cả, mà phù hợp với chủ đề mới là cái quan trọng tạo nên sự thành công. Ví dụ một bà mẹ cho con bú thì cơ thể không thể nào thon thả, căng tròn và hồng hào như một cô gái tuổi xuân thì được, vẻ đẹp của bà mẹ nằm ở sự hy sinh vóc dáng để cho đứa con bé bỏng của mình được ra đời, nên cái “tròn trịa” hoặc nứt nẻ ở vùng bụng lại chính là cái đẹp cần được biểu dương. Nhưng nhiều người chụp ảnh lại cố tình biến một cô gái 18 thành bà mẹ một con, tuy đẹp nhưng nó thiếu chân thực. Nghệ thuật phải phản ánh thực tế cuộc sống chứ!
Thứ ba là khâu làm việc về tâm lý với người mẫu để họ cảm thấy tin tưởng, an tâm cởi bỏ những vướng víu trên người trước mặt mình. Việc này đòi hỏi sự nhã nhặn, lịch sự. Nếu mẫu và người chụp đã quen nhau từ trước thì sẽ đơn giản hơn, nhưng đối với mẫu mới hoàn toàn, người chụp cần thời gian tiếp xúc, làm quen, trò chuyện để cả hai cùng tìm được một sợi dây nối kết về cảm xúc. Sự chân thành là yếu tố quyết định thành bại cho quá trình tìm hiểu này.
Khâu cuối cùng là đảm bảo sự an toàn về mặt hình ảnh cho người mẫu. Thường những người được tôi chụp nude hay hỏi là “ekip có bao nhiêu người” và họ muốn càng ít càng tốt để giảm thiểu rủi ro. Nên những thành viên trong ekip chụp phải được chọn lựa kỹ, đáng tin và phải cam kết không được dùng máy ảnh hoặc điện thoại chụp lén lại cảnh hậu trường.
Niềm tin là cái khó xây nhưng dễ phá. “Một lần thất tín, vạn sự bất tin”. Nhiếp ảnh gia Tâm Bùi |