Khi nói đến bóng đá và đá bóng thì chúng ta ai cũng biết và thấy chẳng khó khăn gì. Tuy nhiên, đối với những người bị khiếm thị thì sao, liệu họ có đá bóng được không? Và khi họ ra sân thì việc tiếp xúc với bóng, chạy giữa sân khó như thế nào?
Chúng tôi tìm đến trường Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), ngôi trường hiện đang có hơn 100 em học sinh khiếm thị theo học, để được chứng kiến tận mắt các em khiếm thị chơi bóng. Trong trường, các học sinh khiếm thị được tách ở một khu nội trú riêng. Một điều khiến chúng tôi khá ngạc nhiên là mọi sinh hoạt, đi lại của các em học sinh khiếm thị ở đây đều khá thành thạo và nhanh nhẹn chẳng khác gì một người bình thường.
Các em học sinh khiếm thị với những đường bóng chính xác đáng kinh ngạc.
Quả bóng dành cho trận đấu của người khiếm thị được thiết kế đặc biệt, với quả chuông bên trong để phát ra tiếng động khi bóng lăn.
Không lâu sau khi chúng tôi đến, những em học sinh khiếm thị thường xuyên tham gia đá bóng đã có mặt đông đủ trên sân và chia thành hai đội để thi đấu. Sân bóng, số người, những thủ tục đều như những trận bóng bình thường, chỉ có sự khác biệt là trong quả bóng của những học sinh khiếm thị đều có gắn chuông.
Thầy Hợp (một giáo viên thể dục của trường) cho biết: "Các em khiếm thị khi ra sân bóng mà muốn tiếp xúc với quả bóng hay định hướng đường chạy đều tập trung ở tai. Bởi khi lắng nghe được những tiếng chuông (tức quả bóng gắn chuông) thì các em định hướng theo đó để chạy theo rồi đi bóng và sút bóng. Chính vì vậy, những quả bóng cho các học sinh khiếm thị thường gắn chuông để các em dễ nhận biết".
Quả bóng sẽ phát ra tiếng kêu và người chơi bóng căn cứ vào tiếng kêu đó để tìm và sút bóng.
Chứng kiến cảnh các em đá bóng, một điều dễ nhận thấy là các em đá bóng thì ít mà ôm nhau thì nhiều. Cũng chính từ điều này, trong quá trình đá, tất cả các cầu thủ đều có tên riêng và biệt danh riêng. Mỗi khi ra sân, các cầu thủ luôn phải hô to tên riêng hay biệt danh để khi đồng đội có bóng sẽ chuyền bóng lại.
Bạn Trần Trung Hiếu, một học sinh khiếm thị tại trường, chia sẻ:
"Sau 7 năm vào trường, mình thấy môi trường ở đây khá thân thiện, và đầy đủ từ vật chất đến tinh thần". Hiếu đang chuẩn bị sách vở đi học.
Nghe truyện trên máy tính.
Kể về việc tham gia đội bóng, Hiếu cho biết, mặc dù tham gia chưa lâu, nhưng kinh nghiệm trải qua thì cũng khá nhiều. Theo Hiếu, những người bình thường nhìn thấy được và di chuyển dễ dàng, nhưng những người khiếm thị họ không nhìn được thì việc đá bóng khó khăn hơn rất nhiều.
Các cầu thủ khiếm thị di chuyển rất nhanh nhẹn.
Khi mới vào, Hiếu thường xuyên phải tập và lắng nghe sự chỉ đạo của thầy giáo, trọng tài cũng như những góp ý của các bạn trong đội. Ngoài ra, từ những lần va chạm, va vấp trong sân thì Hiếu cũng rút ra được khá nhiều bài học và càng ngày càng thấy đá bóng dễ dàng hơn.
Theo lời Hiếu, mỗi khi tham gia trận bóng, ngã là điều không thể tránh khỏi. Bởi khi mình tránh đồng đội thì họ lại đâm thẳng vào người mình. Việc xác định bóng lăn trên sân là một điều khá khó đối với các cầu thủ. Đã thế, mỗi lần thi đấu, hay có nhiều người cổ vũ nên càng khó nghe thấy tiếng bóng lăn để định hướng. Nhiều cầu thủ chỉ biết đứng nhìn, và chờ nghe tiếng bóng lăn phát tiếng chuông rồi mới chạy.
Hiếu cho biết: "Tất cả các cầu thủ ra sân định vị được bóng là nhờ thính giác, thế nhưng, khi khán giả cổ vũ quá ồn ào thì rất khó để nghe chuông. Một lần đi tham dự đá giải, do cổ động viên cổ vũ cũng khá náo nhiệt, lúc đó tiếng ồn ào của mọi người đã át tiếng chuông bóng khiến mọi người đứng im, lúc đấy trọng tài phải lăn bóng để tiếp tục trận đấu".
Trọng tài ra sân hướng dẫn hai đội.
Việc đá bóng bị hụt, đá bóng bằng cảm nhận là chuyện bình thường và dễ xảy ra. Tuy nhiên, mỗi khi tham gia trận đấu thấy không khí như vậy ai cũng vui.
Cô Nguyễn Thanh Hương (giáo viên phụ trách các học sinh khiếm thị) cho biết, đội bóng đá của trường được thành lập từ năm 2003, từng đoạt được nhiều giải thưởng quốc gia trong các kỳ thi đấu dành cho học sinh khuyết tật. Cách đây hơn một tháng, lần đầu tiên các em khiếm thị được đá bóng cùng những thần tượng bóng đá của mình đó là hai cầu thủ Ignasi Miguel và Emi Martinez của câu lạc bộ bóng đá Arsenal.
Nhiều khi không biết rõ bóng ở đâu nên các cầu thủ cứ lao vào nhau.
Theo cô Hương, vất vả nhất có lẽ là những huấn luyện viên của các đội bóng. Mỗi đội thường có ba huấn luyện viên. Một người phụ trách ở sân nhà, một người ở giữa sân và một người phụ trách ở gôn của đối thủ. Một khi khán giả đã cuồng nhiệt thì các huấn luyện viên càng vất vả hơn rất nhiều. Họ vừa quan sát, vừa la hét và chỉ cho cầu thủ đội mình biết đá bóng theo hướng nào. Sắp tới, vào tháng 12 đội bóng khiếm thị của trường lại tiếp tục đi thi đấu giải.
Một số hình ảnh trận bóng đặc biệt của các cầu thủ khiếm thị: