Tai nạn đau lòng từ tiếng... còi xe
Trên đường phố Việt Nam, bất kỳ lúc nào, ở đâu, người tham gia giao thông cũng có thể giật mình bởi những âm thanh kinh hoàng phát ra từ tiếng còi xe. Ngoài hành vi bấm còi bừa bãi, không ít chủ phương tiện đã lắp những loại còi "khủng" với mức âm thanh có thể lên tới gần 300 dB, trong khi đó, theo quy chuẩn QCVN 09:2011/BGTVT quy định về an toàn và môi trường đối với ô tô, âm lượng của còi phải trên 90 dB (dưới 115 dB).
Âm thanh ồn ào của đường phố cộng thêm tiếng còi "đinh tai nhức óc" đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người đi đường. Trên thực tế, hàng năm, "hung thần đường phố" này đã gây ra không ít vụ tai nạn thương tâm.
Clip tai nạn đến từ những tiếng còi "đinh tai nhức óc" - (Thực hiện: Thế Anh tổng hợp).
Trước đó, hẳn nhiều người vẫn chưa quên vụ tai nạn kinh hoàng vì còi xe khiến "thai nhi văng ra khỏi bụng mẹ". Ngày 25/10/2014, vợ có dấu hiệu trở dạ, anh Nam vội vàng chở vợ đến Bệnh viện TP. Long Xuyên (An Giang). Khi đang chạy trên QL91 thuộc phường Mỹ Thới, tai nạn đã xảy ra. Chiếc xe bồn trộn bê tông nhấn còi inh ỏi muốn vượt qua đoạn đường hẹp đang rào chắn, sửa chữa. Nghe tiếng còi rất to, anh Nam giật mình, loạng choạng tay lái nên xảy ra va chạm. Kết quả là chị Ngọc (vợ anh Nam) bị xe bồn cán tử vong tại chỗ, thai nhi văng khỏi bụng mẹ, bị đứt lìa chân phải. Rất may, bé đã được cấp cứu kịp thời, sức khỏe tiến triển tốt, cứ 6 tháng 1 lần sẽ phải thay chân giả để phù hợp với chiều cao của bé. Vụ tai nạn cũng khiến anh Nam phải cắt bỏ nửa chân phải.
Điều đáng nói, vụ tai nạn ấy chỉ là một trong rất nhiều ví dụ về những cái chết oan uổng do còi xe gây ra. Ngày 26-1 vừa qua, trên đường Đinh Quang Ân (đoạn qua ấp Hương Phước, xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), ông Nguyễn Văn Dân (65 tuổi, ngụ tại địa phương) gặp tai nạn do giật mình vì còi xe nên chệnh choạng tay lái ngã xuống đường và bị xe ô tô chạy qua cán chết tại chỗ. Tương tự, hồi đầu tháng 8/2014, trên đường đưa con đi học mầm non, chị B.T.T ở Cao Bằng khi đang đi song song với một chiếc xe tải, ngang qua ngã tư thì xe tải bất ngờ bấm còi hơi khá to. Chính vì giật mình bởi tiếng còi khiến chị loạng choạng, ngã xuống đường. Cô con gái 2 tuổi bị bánh sau của xe tải cán qua, tử vong tại chỗ.
Vụ tai nạn xảy ra trên đường Đinh Quang Ân khiến ông Dân tử vong tại chỗ. Ảnh: Người lao động.
Nhiều người vẫn chưa thôi ám ảnh bởi vụ tai nạn kinh hoàng khiến thai nhi văng khỏi bụng mẹ ở An Giang - (Ảnh: Zing).Những vụ việc trên chính là lời cảnh tỉnh "đanh thép" nhất về tác hại của việc thiếu trách nhiệm khi đưa tay lên bấm còi xe. Tuy nhiên, trước những hậu quả nhãn tiền ấy, rất nhiều người vẫn thờ ơ. Hàng ngày, hàng giờ, mỗi khi đi ra đường, người ta lại dễ dàng bắt gặp cảnh rú còi bừa bãi, sử dụng còi hơi, còi độ âm sai quy định. Điều đáng nói hơn là thái độ của người bấm còi dường như vẫn hết sức mặc nhiên với quan niệm mạnh ai nấy bấm, "sống chết mặc bay".
"Không ít lần mình thấy xe máy mà toàn lắp còi xe tải rồi thi nhau hú inh ỏi đường phố. Có lần mình đang đi xe đạp trên đường thì nghe tiếng còi thật to, vội vàng tấp vào lề đường thì lát sau nhìn lại, chỉ thấy một chiếc xe máy lè tè chạy qua. Lúc ấy cảm thấy thực sự ấm ức không chịu nổi", Thanh Thu (sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội) tâm sự.
Tương tự, anh Minh (một người dân sống trên phố Khuất Duy Tiến, Hà Nội) chia sẻ: "Nhà tôi ngay mặt đường, dù đã lắp cửa kính cách âm vẫn thấy bị ám ảnh bởi còi xe. Nhiều khi đang lúc 10h đêm đứng ra hiên hóng gió, tôi chợt nghe thấy còi xe cứu thương rất khẩn cấp nhưng nhìn lại thì hóa ra đó chỉ là một đám thanh niên mới lớn đi xe "nổ bô" và rú còi ầm ĩ".
Đường phố đông đúc, tiếng động cơ vốn đã rất ồn ào nhưng nhiều người vẫn ra sức bấm còi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người cùng tham gia giao thông. Ảnh: Doãn Tuấn.
Không chỉ choáng váng vì tiếng còi xe "độ âm" sai quy định, nhiều người còn "chết ngất" khi nghe thấy tiếng còi xe tải, xe container "rú" đường dài.
"Sợ nhất là còi xe container, bấm một phát là đinh tai, nhức óc. Đã vậy, nhiều lúc tôi thấy các bác tài cứ mạnh tay bấm liên hồi. Có lần tôi phải leo xe lên vỉa hè chỉ để tránh đường cho "hung thần" ấy đi qua nhưng nhìn theo vẫn thấy tài xế "ra sức" bấm còi. Tôi tự hỏi, chuyện gì đang diễn ra vậy", anh Công, một người tham gia giao thông trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) bức xúc nói.
Rõ ràng, "vấn nạn" còi xe không chỉ dừng lại ở hành vi bấm còi bừa bãi, bất chấp không gian, thời gian, tình huống, hoàn cảnh. Việc sử dụng còi xe sai quy định, bấm còi kéo dài chính là những hành vi phát triển tiếp theo do thói quen "thích giao tiếp" bằng còi gây ra. Có nhiều người, bản thân họ không hề ý thức được rằng, tiếng còi xe lại gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và cuộc sống của những người xung quanh. "Văn hóa ngón tay cái" vì thế vẫn chưa được xem trọng và nêu cao theo đúng vị trí mà nó xứng đáng được nhận.
Tiếp tay cho "hung thần đường phố"
Sử dụng còi vượt âm lượng cho phép, bấm còi inh ỏi trong khu vực đông dân cư hay lắp đặt còi không phù hợp với xe đều nằm trong những hành vi bị cấm và bị xử phạt. Tuy nhiên, các phố bán còi hơi, còi “độ” vẫn tấp nập. Chỉ cần bỏ ra từ 100-300 ngàn đồng là người dân có thể dễ dàng sở hữu một chiếc còi có thể "khủng bố" người đi đường.
Tại Hà Nội, dạo quanh khu vực chợ Trời, phố Huế, người ta dễ dàng tìm mua đủ các loại còi. Từ còi khóc, còi cười, cho đến còi xe tải, xe Cảnh sát, xe chữa cháy, cứu thương..., tất cả đều được bày bán công khai. Những chiếc còi với công suất âm thanh quá quy định cũng được ngang nhiên bày bán, không hề gặp bất cứ sự cản trở nào.
Thị trường còi hơi sôi động ở Hà Nội. Ảnh: Đường bộ
Các loại “còi độc”, này được chào bán với mức giá khá rẻ, dao động từ 120.000 đến 180.000 đồng/chiếc. Theo chị Phương, nguồn còi xe được bày bán tại chợ Trời hầu hết đều được “thu gom” từ nhiều nguồn khác nhau, có hàng nhập và cả hàng “theo xe”.
"Mua còi xe ông địa cười đi em, ở đây chị có đủ loại, còi to, nhỏ, còi hình thú... Nếu em mua nhiều, chị ưu đãi giảm giá từ 20.000 đến 50.000 đồng/chiếc còi tùy loại", chị Minh Phương, chủ một ki-ốt bán còi tại chợ Trời nhiệt tình mời chào.
Tiếng còi lớn từ xe tải, xe container đã vô tình trở thành "sát thủ" gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm. Ảnh: Doãn Tuấn.
Trong khi đó, anh Quân, một tiểu thương khác tại đây, cho biết: "Nguồn ngoại nhập là chủ yếu và rất nhiều mối từ Đài Loan, Đức, Italia... Bên cạnh đó thì các loại còi "độc", "lạ" thường do các "tay độ xe" tự chế theo ý muốn hoặc còi cũ mua lại từ các xe phế thải".
"Nhiều xe sau khi bị tai nạn, xe bị CSGT giữ lâu ngày không ai đến nhận, được mua với giá rẻ rồi “rã” xe để bán lẻ phụ tùng. Giá bán và công lắp đặt các loại còi này chỉ khoảng hơn 100 ngàn đồng nên nhiều người tìm mua, lắp vô tội vạ cho xe của mình, bất chấp sự nguy hiểm cho người khác", anh Quân nói thêm.
Việc mua bán còi xe "độ âm" sai quy định vốn dễ và rẻ nhưng việc lắp đặt chúng còn dễ dàng hơn rất nhiều. Chỉ với một vài thao tác đơn giản, các chủ phương tiện hoàn toàn có thể thay thế chiếc còi bình thường thành loại còi phát ra âm thanh chói tai.
"Để chiều lòng khách, nhiều thợ sửa xe khi lắp đặt còi xe thường gắn kèm bộ kích âm thanh hay thậm chí là các bo mạch tự chế để tiếng còi phát ra chuẩn nhất, to nhất. Tuy nhiên, để tránh bị phạt khi CSGT kiểm tra, xe thường có hai hệ thống còi, được chuyển đổi dễ dàng bằng một công tắc mà dân độ xe lắp đặt khá tinh vi”, anh Minh, một thợ sửa xe ở Hà Nội tâm sự.
Clip về một phép thử phản ứng của con người khi bất chợt nghe tiếng còi rất to vang lên - (Thực hiện: Thế Anh tổng hợp).
Luật giao thông đường bộ hiện nay đã quy định rõ ràng và nghiêm cấm các hành vi sử dụng còi hơi, còi độ âm, bấm inh ỏi trong khu vực đông dân cư hoặc bấm còi vào khung giờ từ 22h đêm hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Theo luật quy định, trong khoảng thời gian từ 22h đêm đến 6h sáng, các chủ phương tiện tham gia giao thông chỉ được phép sử dụng đèn tín hiệu chứ không được bấm còi. Nếu ai bấm còi, rú ga liên tục sẽ bị xử phạt theo nghị định 171 và nghị định bổ sung 107 ngày 17/11/2014 của Thủ tướng chính phủ. Trên thực tế, đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra khi bị giật mình vì còi xe, tuy nhiên, việc đó xử lý rất khó. Tai nạn do sử dụng còi hơi gây ra nếu xử lý về mặt hình sự phải căn cứ vào 4 yếu tố cấu thành tai nạn như người bấm còi có cố ý muốn người khác phải giật mình rồi bị tai nạn hay không, chủ thể bị xâm hại, các yếu tố chủ quan, khách quan. Nếu tai nạn do còi xe gây ra là nằm ngoài ý muốn chủ quan thì không thể truy tố hình sự mà chỉ áp dụng xử phạt hành chính. Việc xử phạt bấm còi sai quy định gặp rất nhiều khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều xe lắp đặt 2 hệ thống còi, gạt lên thì còi điện, gạt xuống còi hơi. Chưa kể là trên đường thường có rất đông phương tiện cùng tham gia giao thông nên không có biện pháp nào ghi âm cách bấm còi của từng chủ phương tiện. CSGT cũng không thể lúc nào cũng mang máy ghi âm hoặc máy quay bên cạnh để kịp ghi lại đầy đủ hình ảnh, thông tin để xử phạt. Việc hạn chế bấm còi khi không thực sự cần thiết, vì thế phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người tham gia giao thông. Mọi người khi tham gia giao thông nên có ý thức chấp hành giao thông, đảm bảo an toàn cho mình và người khác. Tránh việc nhanh một giây, chậm cả đời. Người tham gia giao thông hãy vì lợi ích chung của xã hội, vì văn hóa giao thông mà mình không nên sử dụng còi hơi trong đô thị. Nên đặt trên cương vị nếu mình là người tham gia giao thông, có người ấn còi hơi khiến mình giật mình khiến mình đột ngột tránh sang trái, sang phải dẫn đến tai nạn liệu có lường trước được hậu quả không?. Phải nhìn từ vị trí của những nạn nhân thì mọi người sẽ thấu hiểu được nỗi khổ do còi xe gây ra, từ đó nêu cao ý thức khi sử dụng còi xe, tránh được những tai họa đáng tiếc cho mình và cho người. (Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ - Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm Đội CSGT số 1 - Công an TP Hà Nội)
|