Những bệnh nhân từng được Cô Phú giẫm chân lên người có khỏi được bệnh?

, Theo Trí Thức Trẻ 16:52 16/09/2015

Khi được hỏi việc “Cô Phú Bồ Tát” ở xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên chữa được bách bệnh, những người đang chữa tại đây đều nói chỉ nghe tin đồn nên tìm đến, còn người từng chữa thì khẳng định chỉ là chuyện hoang đường.

Nghe đồn chữa được bách bệnh, người dân tứ xứ ùn ùn kéo tới

Mặc dù nhà bà Phạm Thị Phú (44 tuổi, ở xã Vinh Sơn, TP Sông Công, tỉnh Thái Nguyên), người được xưng là "Cô Phú Bồ Tát" ở sâu trong sườn đồi nhưng kể từ khi bà trở về đây mở cơ sở "Tẩm quất, xoa bóp", không khí tấp nập hơn hẳn do có hàng trăm người kéo đến mỗi ngày.

DSCF5220 copy-fc808
Hàng trăm người từ các nơi đổ về chữa bệnh nhà "Cô Phú Bồ Tát".

Những ngày bà Phú chữa bệnh, ô tô, xe máy đỗ chật kín sân, bên trong nhà người bệnh nằm la liệt chờ đợi. Cũng vì thế mà nhiều dịch vụ như kinh doanh ăn uống, nhà nghỉ cho người bệnh, quán xá… cũng trở nên khấm khá.

Theo ước tính những ngày bình thường, ít nhất có trên 200 người bệnh đến nhà bà Phú để được "Cô" xoa bóp, tẩm quất cho khỏi bệnh. 

Đáp vào một quán nước ngay chân cầu Vinh Sơn, chúng tôi gặp không ít những trường hợp người bệnh nghe tin đồn "Cô Phú" chữa được bách bệnh và còn có thể kéo dài tuổi thọ nên mọi người từ khắp nơi đổ về đây cầu mong cô chữa cho.

DSCF5193 copy-ef857
Một người đàn ông ốm nặng được gia đình đưa tới.

Một người dân bán hàng ăn ở đây cho biết, nơi đây vốn tĩnh lặng, không phát triển gì nhưng từ khi bà Phú về, nhiều nhà gần đó ăn nên, làm ra từ việc buôn bán, phục vụ ăn, ngủ, nghỉ cho người bệnh tứ xứ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Tuấn (quê ở Yên Bái) cho biết, ông bị đau khớp xương từ nhiều năm nay, đi nhiều bệnh viện, uống nhiều thuốc mà không khỏi nên vợ chồng ông về đây vì nghe đồn cô Phú chữa bệnh.

"Tuổi già hay bị từng cơn đau nhức khó chịu, vợ tôi bị mỏi mắt, đau khớp gối, mất ngủ… nghe hàng xóm đồn thổi thì vợ chồng tôi bắt xe về đây với hy vọng khỏi bệnh. Nhà xa, mà phải được cô chữa vài lần mới khỏi nên vợ chồng tôi ở trọ luôn đây. Mặc dù đã nghe qua nhưng lần đầu tiên thấy cô chữa cũng hơi lo sợ vì cách chữa rất lạ. Mọi người nằm xuống sân, cởi bỏ áo, chỉ mặc một chiếc quần nhỏ kéo xuống qua mông. Sau đó cô đi trên lưng từng người một để chữa bệnh", ông Tuấn nói.

DSCF5220 copy-fc808
Trong số những người đến đây, có nhiều trường hợp mắc bệnh nan y, hiểm nghèo.

Cùng chung bệnh tật với ông Tuấn, đa phần mọi người đến đây chữa bệnh đều là người ốm thập tử nhất sinh, những trường hợp "hết thuốc chữa, bệnh viện trả về" cũng tìm đến đây mong được cứu sống. Trong số đó có nhiều trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối.

Bà Hằng (quê ở Bắc Giang) cho biết, bà có chồng bị ung thư gan, bệnh viện trả về khiến bà vô cùng tuyệt vọng. Khi nghe hàng xóm mách nước, hai vợ chồng bà vội bắt xe về đây.

"Còn nước còn tát, biết chả hy vọng gì nhiều, y học bó tay rồi nhưng cứ nghe đồn ở đâu có thể chữa được tôi lại đưa ông nhà tôi về với mong muốn kéo dài sự sống", bà Hằng.

DSCF5208 copy-fc808
Tất cả đều cho biết, nghe tin đồn nên đến đây để được "Cô Phú" giẫm lên lưng cho khỏi bệnh.

Tất cả các người bệnh đến đây cô Phú không lấy tiền mà "tùy tâm" từng người cho vào hòm công đức. Đến đây, chúng tôi ngạc nhiên khi chứng kiến cảnh người dân nằm sấp vén áo lên tận vai, quần tụt xuống dưới mông chờ được cô Phú vỗ vỗ bồm bộp, dẫm lên người để mong một “phép màu” cho bệnh tình nhanh khỏi. Cách đây mấy ngày, cô Phú vẫn thực hiện việc vén quần áo để xoa và giẫm cho người bệnh ở ngoài sân lớn. Nhưng gần đây, khi những thông tin không hay tràn lan trên mạng xã hội khiến cô Phú không yên tâm, cô đã lặng lẽ tẩm quất cho người bệnh một cách kín đáo hơn, ở phía bên trong nhà được che màn kín mít.

Để xua tan hoài nghi của những người đang chờ đợi được chữa bệnh, "Cô Phú" giới thiệu một trường hợp chữa trị thành công cho một người bị áp-xe ở cánh tay do tiêm nhiều thuốc khiến mưng mủ, nhiễm trùng đến tận xương. Bà cho rằng do được... xoa bóp, tẩm quất nên vết thương đã gần như khỏi hoàn toàn.

Người phụ nữ được "Cô Phú" giới thiệu chia sẻ với mọi người: "Tôi bị tai nạn sau đó nằm tại một bệnh viện ở Thái Nguyên, do tiêm thuốc bị thối cánh tay vào đến tận xương, điều trị hơn 20 ngày trong viện không khỏi mà vết sưng vỡ ra nên tôi đến đây. Lên đây chữa nhà Cô Phú thì vết thương của tôi hôm nay đã gần như khỏi rồi, may mắn không phải tháo cánh tay". Nói xong người phụ nữ này liên tục nói cảm ơn. Bên dưới sân, cảnh người bệnh hoan hỷ vỗ tay rầm rầm như thể rất tin phép màu đó sắp đến với mình.

Theo ông Đào Văn Thép, Chủ tịch UBND xã Vinh Sơn, bà Phạm Thị Phú chuyển về xã Vinh Sơn từ năm 2010, trước sinh sống ở phường Mỏ Chè, thành phố Sông Công và lên cơn tâm thần phải xuống Bệnh viện tâm thần Trâu Quỳ (Gia Lâm, Hà Nội) để điều trị và sau đó hành nghề xoa bóp từ năm 2004 đến nay. Tuy nhiên, sau đó bà tuyên bố chỉ hành nghề xoa bóp nhưng thực chất là “trá hình chữa bệnh".

Chữa bệnh bằng xoa bóp, giẫm lên lưng chỉ là hoang đường

Mắc chứng viêm não 8 năm qua, khối u ngày càng to khiến bà Bùi Vũ Kiều Hạnh (42 tuổi, ở đường La Thành, Hà Nội) phải chịu nhiều đau đớn. Được mọi người giới thiệu, bà cùng người thân lên nhà cô Phú mong chữa khỏi căn bệnh nặng.

"Đầu năm 2015, khối u não của tôi vô cùng lớn, hồi trước đó y học không được như bây giờ, đi một số bệnh viện nhưng không ai dám mổ, sau đó tôi được giới thiệu lên nhà cô Phú mà người ta hay gọi là "Cậu Cò". Ở đó điều trị, bà ấy bảo chữa được bệnh nhưng không chữa được mệnh. 10 ngày ở đây xoa bóp, giẫm lên người nhưng bệnh tình tôi không thuyên giảm nên gia đình quyết định đưa tôi về.

DSCF5238 copy-fc808
Bà Kiều Hạnh cho biết, từng đến nhà cô Phú chữa trị nhưng bệnh không khỏi.

"Về nhà thì tôi quyết định mổ ở bệnh viện Xanh Pôn và được các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của bệnh viện phẫu thuật, cắt được khối u 17,5 cm trên đầu. Một tháng sau tôi hồi phục được và ra viện. May mắn lúc bấy giờ các bác sĩ phẫu thuật được, nếu chữa bằng cách kia thì không bao giờ có thể khỏi được", bà Kiều Hạnh chia sẻ.

Hiện tại sau 3 tháng phẫu thuật cắt khối u, sức khỏe bà Kiều Hạnh tiến triển lên nhiều, bà vui tươi và lạc quan hơn trong cuộc sống. "Tôi mong mọi người tin vào khoa học, vào thực tế, còn chuyện chữa bệnh bằng cách giẫm lên lưng, xoa bóp... tôi thấy hoang đường", bà Kiều Hạnh chia sẻ thêm.

Theo anh Lê Văn T. (một tài xế taxi ở xã Vinh Sơn) cho biết, mỗi ngày anh chạy rất nhiều chuyến xe taxi phục vụ người ra vào cơ sở “tẩm quất, xóa bóp” của bà Phú.

"Không hiểu sao các nơi đổ về chữa bệnh đông thế. Đa phần là những ca bệnh nặng như ung thư… Có trường hợp do bệnh nặng quá, vào trong đó ngất xỉu phải cho xe cứu thương đến đưa nạn nhân đi viện cấp cứu. Người dân quanh đây thì chả ai đến khám bao giờ", anh T. nói.

Trao đổi với chúng tôi, bà Phú khẳng định, cơ sở của bà chỉ là tẩm quất bình thường ngoài ra không có chức năng khám chữa bệnh. "Tôi chỉ làm cho mọi người cảm thấy khỏe lên, chỉ tẩm quất, ngoài ra không chữa được bệnh. Tôi khuyên mọi người có bệnh nên đi đến các bệnh viện. Còn tôi chỉ thực hiện đúng chức năng của tẩm quất", bà Phú nêu rõ.

Khi chúng tôi đưa ra thắc mắc rằng một người bệnh bị áp-xe (mưng mủ) ở cánh tay được bà "khoe" với mọi người trước đó rằng chữa bằng cách xoa bóp thì bà Phú cho hay: "Xoa bóp làm cho sức khỏe của người dân được khỏe lên, khí huyết lưu thông nên vết thương có thể khô lại được, không bị nhiễm trùng?!".

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 15/9, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên khẩn trương kiểm tra xác minh việc hành nghề của bà Phạm Thị Phú và những thông tin mà các trang mạng xã hội đã nêu để trả lời dư luận và xử lý theo quy định hiện hành, báo cáo kết quả về Bộ Y tế (Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) trước ngày 30/9.

Chiều 16/9, trao đổi với chúng tôi, ông Dương Văn Thắng – Chánh Thanh tra Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh, Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên cũng có văn bản chỉ đạo cơ quan ban ngành TP Sông Công kiểm tra thông tin về cơ sở khám chữa bệnh của “Cô Phú Bồ Tát” trên địa bàn. Do sự việc diễn ra từ lâu và phức tạp nên Sở Y tế tỉnh cũng đã yêu cầu TP Sông Công họp bàn, kiểm tra sớm.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày