Người phụ nữ Hà Nội 41 lần phẫu thuật làm đẹp

Infonet, Theo 15:39 01/11/2013
Chia sẻ

Chị Loan từng gây xôn xao dư luận vào năm 2005 khi chị bị tai nạn do kẻ thủ ác tạt axit vào người khiến chị bị bỏng nặng độ 3 vùng mặt, cổ, ngực.

Hơn 10 ngày qua đi nhưng vụ ném xác phi tang của thẩm mỹ viện Cát Tường do bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường làm giám đốc vẫn gây bức xúc trong dư luận. Đến hôm nay gia đình nạn nhân vẫn chưa tìm được thi thể của chị Huyền.

Luôn coi mình là thượng đế

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Kim Loan (Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội) về câu chuyện làm đẹp của mình. Chị Loan từng gây xôn xao dư luận vào năm 2005 khi bị tai nạn do kẻ thủ ác tạt axit vào người khiến chị bị bỏng nặng độ 3 vùng mặt, cổ, ngực.

Người phụ nữ Hà Nội 41 lần phẫu thuật làm đẹp 1
Chị Loan trước và sau 41 ca phẫu thuật thẩm mỹ.

Từ ngày đó đến nay chị đã trải qua 41 ca phẫu thuật tạo hình, tái tạo lại khuôn mặt. Nói đến chị Loan, người ta cảm phục ý chí, nghị lực phi thường của chị. Điều khiến chúng tôi muốn xin ý kiến của chị về phẫu thuật, về làm đẹp vì nói đến kinh nghiệm làm phẫu thuật tạo hình chắc chắn kinh nghiệm chị đạt được ngang với một sinh viên ra trường và thời gian thâm niên chứng kiến thì gấp nhiều lần.

Tiếp chúng tôi, chị Loan vẫn chưa hết bàng hoàng về câu chuyện của chị Huyền bị bác sĩ ném xác trôi sông đã nhiều ngày qua. Tuy nhiên, biểu hiện quan điểm của mình, chị Loan cho biết chị Huyền tử vong không phải số phận mà vì thiếu thông tin.

“Tâm lý của người Việt Nam mình là luôn coi bác sĩ là thánh và họ bảo như thế nào thì nghe thế. Họ nói làm thế nào cũng nghe theo mà không tìm hiểu cặn kẽ về người sẽ làm phẫu thuật cho mình. Vì sao ở Hà Nội có hàng trăm thẩm mỹ viện mà chỉ có 33 thẩm mỹ viện cấp phép. Điều này thì hơn ai hết người dân trước khi đi làm đẹp đi thẩm mỹ cần nắm rõ”, chị Loan phân tích.

Chị Loan kịch liệt phản đối những ai cho rằng vì sợ tai biến nên chẳng cần đi làm đẹp. Trải qua hơn 40 cuộc phẫu thuật thẩm mỹ ở Singapore, Thái Lan và riêng ở Việt Nam, từ Hà Nội vào đến TP.HCM chị đều có mặt. 8 năm sau ngày bị tai nạn thương tâm xảy ra, khuôn mặt chị từ chỗ bị phá hủy hoàn toàn đến nay đã được tái tạo lại 90%.

Chị tự hào vì mình đều biết hầu hết các bác sĩ thẩm mỹ giỏi của khu vực. Còn đối với ở Việt Nam thì chị "sành" tất cả các bác sĩ. Chỉ cần nói đến chuyên khoa nào, phẫu thuật ở đâu chị có thể giới thiệu bác sĩ và chuẩn 100%.

Nói về kinh nghiệm hơn 40 ca phẫu thuật đều thành công, chị Loan kể chị luôn ở vị trí "thượng đế" ở bất kể bệnh viện nào. Tuy nhiên có chuyện lạ là ở Việt Nam người dân vào viện hay khám tư thôi, bác sĩ bảo gì cũng nghe mà không có chính kiến của mình.

“Từ ngày bị tai nạn, biết tôi là một thẩm phán nổi tiếng ở Hà Nội, nhiều bác sĩ nói: "Em sẽ làm phẫu thuật cho chị, chị muốn làm thẩm mỹ gì". Những lúc như thế, tôi đều từ chối và nói rằng "Mặt tôi như thế này tôi thiết tha được làm đẹp lắm chứ, tôi muốn sửa nhiều lắm nhưng phải xem bác sĩ làm được gì". Sự thận trọng đó giúp mọi ca phẫu thuật của tôi đều thành công”, chị Loan chia sẻ.

“Bác sĩ Việt đa số là quá tham”

Nhiều năm đi làm phẫu thuật vùng mặt, mắt, cổ, ngực chị Loan rút ra được kinh nghiệm cho mình và thấm thía được khá nhiều bài học. Đặc biệt chị so sánh giữa bác sĩ Singapore và bác sĩ trong nước, chị đi đến nhận xét "bác sĩ Việt đa số là quá tham".

Từ nhận xét trên chị Loan cho biết như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, cái tên hot nhất trong 10 ngày qua vì đã ôm quá nhiều, quá tham. Từ một bác sĩ chấn thương chỉnh hình ôm cả sang thẩm mỹ.

Ở nước ngoài, bác sĩ mỗi người một chuyên môn. Cùng một bệnh viện nhưng ca phẫu thuật của chị có cả 5,7 người. Bác sĩ làm phẫu thuật mí mắt riêng, mũi riêng, miệng riêng, cằm riêng, tai riêng, cổ và ngực đều riêng hết. Nhưng ở nước ta một thực tế là bác sĩ làm chung hết từ đầu đến chân.

Chị Loan cho biết: “Vì sao những lỗi của cơ quan quản lý như để hổng bác sĩ làm chui, thẩm mỹ viện chui lại đổ lên đầu chị em phụ nữ cho rằng tại vì họ đi làm đẹp. Đã làm phụ nữ thì ai cũng có quyền làm đẹp. Chỉ tiếc ở nước ta đa số làm đẹp là thiếu tìm hiểu thông tin về người bác sĩ và chính ca phẫu thuật mình phải làm.

Từ trước đến nay mỗi lần thực hiện phẫu thuật, tôi đều cố gắng tìm hiểu thông tin thật kỹ càng về bác sĩ và phải xem xét rất nhiều, tìm hiểu tài liệu về dạng phẫu thuật của mình, mức độ an toàn ra sao để có biện pháp tốt hợp tác với bác sĩ cho ca phẫu thuật thành công. Đó là kinh nghiệm giúp tôi chiến thắng hơn 40 ca phẫu thuật”.

Chị Loan đi làm tại TAND quận Đống Đa từ năm 1991. Khoảng 7h45 sáng 25/7/2005, như thường lệ, chị Loan mở cửa nhà riêng đến cơ quan làm. Khi chị Loan dắt xe ra ngoài (cách cửa 2m) thì gặp một người mặc áo mưa màu sáng quan sát mình chăm chú. Người này chừng 30 tuổi, da ngăm đen, dáng hung tợn tiến đến gần sát chị Loan và bất ngờ vung tay lên. Tay người này cầm một chiếc cốc, trong cốc có một lọ nhựa đựng khoảng 200ml dung dịch màu vàng và hắt thẳng lọ dung dịch vào mặt và người chị Loan rồi quay đầu bỏ chạy.

Lúc đó chị Loan không kịp phản ứng gì, chỉ thấy bỏng rộp và nóng nhức khắp vùng mặt và người. Chị được chuyển vào Viện Bỏng quốc gia để điều trị cấp cứu trong tình trạng bị bỏng axit (độ 4 và 5) toàn bộ vùng mặt, cổ, ngực và tay.

Cơ quan điều tra loại bỏ nguyên nhân vụ án do mâu thuẫn nội bộ và tình ái, để hướng tới 4 vụ án dân sự mà chị Loan đã xét xử trong thời gian gần đây, gồm án: ly hôn, chia thừa kế, chia tài sản và tranh chấp thừa kế. Sau đó loại bỏ tiếp 3 vụ để điều tra vụ tranh chấp quyền thừa kế mảnh đất tại số nhà 15 ngách 35, ngõ Thổ Quan, Q.Đống Đa.

Vụ tranh chấp thừa kế này do bà Nguyễn Thị Thịnh – Văn Chương, Đống Đa có văn bản ủy quyền cho một người quen là Nguyễn Tiến Dũng ở 167 ngõ Văn Chương làm đại diện nguyên đơn tham gia tố tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm ngày 7/6/2005, do thẩm phán Nguyễn Thị Kim Loan xét xử. Tại phiên tòa này, Hội đồng xét xử tuyên bác đơn của bà Nguyễn Thị Thịnh. Dũng làm đơn kháng cáo và TAND TP Hà Nội đã thụ lý xét xử phúc thẩm. Nhưng Dũng vẫn căm tức nữ thẩm phán Loan về việc y đã chạy "cửa trước, cửa sau" mà vẫn bị bà Loan bác đơn kiện.

Không cần đợi xét xử phúc thẩm, Dũng chủ mưu bắt người đại diện công lý phải "trả giá" theo kiểu tạt axit và đặt vấn đề này với một nhân viên trong Công ty TNHH Thành An là Phạm Ngọc Hải (tức Hải đen có 1 tiền án), trú tại huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang.

Sau khi gây án, Dũng đưa tiền cho Hải chạy trốn về các tỉnh Nam Định, Tuyên Quang và Hà Giang. Cho đến ngày 11/8, Đội điều tra trọng án Công an Hà Nội đã bắt giữ kẻ chủ mưu là Nguyễn Tiến Dũng và tên Hải. Năm 2006, cả hai bị kết án 28 năm tù giam và bồi thường cho gia đình nạn nhân số tiền 350 triệu đồng. Từ đó đến nay, chị Loan chỉ ở nhà đi điều trị vết bỏng do tai nạn để lại.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày