Người Nhật đếm xe ở cầu sông Hàn

Tuổi Trẻ, Theo 20:09 12/10/2014
Chia sẻ

Gần một tháng nay, người dân TP Đà Nẵng tò mò chứng kiến một người đàn ông đeo kính, tóc hoa râm đứng ngay nút giao thông đầu cầu sông Hàn để đếm xe, ghi chép, chụp ảnh.

Bất chấp mưa nắng, ông đứng từ 4g sáng đến 20g30 mới quay về. Có buổi trưa ông mua vội hộp bắp để tấp vào bưu điện gần đó ăn qua bữa.

Ít ai biết ông là chuyên gia hàng đầu về giao thông tại Nhật Bản đã về hưu, nhưng đến Việt Nam để tìm phương án giảm thiểu tai nạn giao thông.

Người Nhật đếm xe ở cầu sông Hàn  1
Ông Saito Takeshi, 69 tuổi, đến từ Saitama Urawa, Nhật Bản, đếm xe qua lại ngay đầu cầu sông Hàn, TP Đà Nẵng để nghiên cứu về giao thông - Ảnh: T.Vũ

Ai thấy cũng thương

Gần 12g trưa, nắng đứng sựng, không một bóng cây, người đàn ông vẫn đứng với chiếc nón lá cũ ngay tại ngã tư đường Trần Phú - Lê Duẩn. Một cuốn sổ ghi chép, một chiếc máy ảnh, một camera, cứ thế ông cắm cúi ghi chép một cách cẩn thận.

Tên ông là Saito Takeshi, 69 tuổi, đến từ Saitama Urawa, Nhật Bản. Đã về hưu được chín năm, cũng chừng ấy năm trời ông rời Nhật Bản lặn lội sang

Ông ấy làm việc rất trách nhiệm, có mặt từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Mỗi ngày ông ấy chỉ ngủ chừng bốn giờ. Thời gian còn lại ông đổ dữ liệu vào máy tính và nghiên cứu, phân tích. Được làm việc với những người như vậy tôi thấy rất thú vị.

Kỹ sư HOÀNG MINH PHƯƠNG (cộng sự tại dự án DTRIP)

Việt Nam đi từ Hà Nội đến Đà Nẵng để nghiên cứu về giao thông.

Ngã tư Trần Phú - Lê Duẩn, ngay đầu cầu sông Hàn, nằm trong dự án cải thiện giao thông đô thị TP Đà Nẵng (DTRIP) được khởi động vào tháng 4-2014, trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ kỹ thuật của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA).

Mục tiêu của chương trình là nâng cao năng lực đánh giá quản lý giao thông đô thị để đáp ứng nhu cầu định hướng phát triển của TP Đà Nẵng. Nhiệm vụ của ông Saito Takeshi là đứng tại ngã tư để theo dõi mật độ xe lưu thông cả ngày lẫn đêm.

Trên cơ sở khảo sát giao thông này, một thuật toán sẽ được lập ra và các camera giám sát có thể tự động thay đổi các biển báo dựa theo dòng người đông hay ít. Để có cơ sở cho thuật toán của mình được lập một cách chính xác, không còn cách nào khác, chuyên gia Saito Takeshi phải đứng đây quan sát gần một tháng trời nay.

Bà Mai Thị Xuân, bán xe nước sát ngã tư, nơi ông Saito Takeshi hay đứng, kể lại: “Thấy ông ấy đứng dưới mưa nắng mà thương lắm. Mắt không rời dòng người nửa bước. Có hôm mấy đứa bán bánh mì ngang qua được ông mua chai nước rồi ổ bánh nhai vội. Có hôm mưa như tát nước, gió lạnh rát rứa mà ông cũng đứng trơ người ra...

Vậy mà ông ấy rất vui tính. Mỗi lúc xong việc dù khuya sớm ông cũng chào tôi và chào cả anh cảnh sát giao thông đứng canh ở ngã tư rồi mới về”.

Mới gần một tháng trời mà ông Saito Takeshi với những người dân quanh khu vực này thân thiện như những người bạn.

Trung tá Phan Quang Pháp, cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng, người hay làm nhiệm vụ tại đầu cầu sông Hàn, kể lại có hôm thấy ông đội cái nón lá rách, hôm sau ông lại mua cái mũ lát để che nắng. Có hôm một mình ông lật qua lật lại, xê dịch liên tục các đảo phân luồng giao thông để tìm một giải pháp tối ưu.

“Mình thấy rất cảm động. Ông từ Nhật Bản xa xôi qua đây giúp thành phố nghiên cứu về giao thông. Dự án chưa biết thế nào nhưng tinh thần, thái độ và trách nhiệm với công việc khiến cho nhiều người phải suy nghĩ” - trung tá Pháp khen ngợi.

Muốn đóng góp cho Việt Nam

Ở cái tuổi 69, những tưởng cường độ làm việc sẽ giảm xuống nhưng ngược lại sự tận tụy trong nghề, cùng với trách nhiệm công việc khiến nhiều đồng nghiệp của ông kính cẩn.

Xuất thân ở một đất nước hiện đại, giao thông được sắp xếp ổn định và tính toán khoa học, ông Saito Takeshi tâm sự rằng mong muốn lớn nhất của ông là nhìn thấy giao thông của Việt Nam được cải thiện hơn.

Ông Saito Takeshi cho biết mình đã từng được mời sang giảng dạy tại Học viện Cảnh sát nhân dân tại Hà Nội chuyên về giao thông. Ở Nhật Bản ông có 41 năm chuyên nghiên cứu về giao thông thuộc Sở Cảnh sát của Nhật Bản. Công việc của ông là đưa ra các giả thiết về giao thông và nhiều giả thiết đó đã được triển khai ở những thành phố lớn tại Nhật như Tokyo, Nagasaki...

Đánh giá về giao thông tại Việt Nam, ông Saito Takeshi cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia có số vụ tai nạn, tử nạn về giao thông lớn.

Tuy nhiên, dữ liệu về tai nạn giao thông và các con số thống kê hiện nay chưa được tin cậy. Cụ thể là các vụ tai nạn giao thông ở khắp các tỉnh thành chưa được ghi chép đầy đủ và khoa học nên khó có cơ sở để nghiên cứu, đánh giá.

“Tỉ lệ vụ tai nạn và số người chết ở Việt Nam quá cao. Trong khi đó tại Nhật Bản tỉ lệ này thấp, 100 vụ tai nạn thì chỉ có một người chết. Trong khi Việt Nam số vụ và số người chết tương đương nhau. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi xây dựng chính sách giao thông bắt đầu từ việc an toàn, giảm thiểu số người tử vong. Mọi việc bắt đầu từ người dễ bị tổn thương nhất là người đi bộ” - ông Saito Takeshi phân tích.

Lẽ ra ở cái tuổi thất thập, ông Saito Takeshi có thể chọn một cuộc sống an nhàn nơi quê nhà, nhưng bỏ lại tất cả, ông dành trọn tình cảm cuối đời của mình cho Việt Nam.

“Đứa con gái duy nhất của tôi là ca sĩ, tôi có hai cháu ngoại rất kháu khỉnh. Tôi nghĩ mình dành thời gian còn lại giúp đỡ cho các bạn Việt Nam thì cũng là việc có ích mà con cháu mình cần học hỏi” - ông Saito Takeshi tâm sự.

Lôi trong túi xách một tờ giấy A4 cũ mèm, ghi chép các món ăn Việt Nam đưa cho chúng tôi đọc, ông Saito Takeshi bảo mình không rành tiếng Việt, thức ăn Việt thì rất ngon, ông muốn ghi chép lại để mỗi lần vào quán chỉ cần đưa ra là có món mình thích.

“Tôi thấy người Việt Nam cũng giống như người Nhật, thân thiện, tình cảm và chân thành. Dù xa quê nhà nhưng tôi vẫn tìm thấy ở người dân trên đất nước các bạn một cảm giác ấm áp. Tôi mong góp chút gì đó cho Việt Nam” - ông Saito Takeshi thì thầm.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày