Người Hà Nội cuống cuồng tìm cách phòng bệnh sởi cho trẻ

Linh Linh, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 19/04/2014

Người dân đang cuống cuồng tìm cách phòng bệnh sởi cho các bé trong những ngày cao điểm này.

Chen chân đưa trẻ đi tiêm phòng 

Những ngày gần đây, trước thông tin bệnh sởi ngày càng lan rộng, nhiều phụ huynh ở Hà Nội và các tỉnh lân cận lo sợ nên ồ ạt đưa con em mình đến các trung tâm y tế để tiêm vắc xin sởi, dẫn đến tình trạng quá tải, hàng trăm người phải chờ đợi nhiều tiếng đồng hồ mới đến lượt tiêm.

Trước tình hình bệnh sởi đang lây lan mạnh, nhiều bậc phụ huynh vội vàng đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh.

Theo báo cáo hỏa tốc của Bộ Y tế gửi Thủ tướng Chính Phủ ngày 17/4. cả nước đã có 112 ca tử vong do sởi.

Sáng ngày 18/4, theo ghi nhận của chúng tôi, hàng trăm người dân Hà Nội ồ ạt đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng tiêm ngừa các loại bệnh, đặc biệt là bệnh sởi. 

Theo quan sát của chúng tôi, ngoài số lượng khoảng hơn 200 người đăng ký vào tiêm ngừa, hàng trăm người mang con đến nhưng đành ra về vì quá đông đúc, không chen chân nổi. Toàn bộ những hàng ghế dành cho người đến tiêm chủng đều đã kín chỗ nên nhiều người phải đứng, ngồi khắp khoảng sân trung tâm. Thậm chí nhiều người phải buồn bã ra về đợi buổi tiêm phòng khác vì đã hết sổ.

Trong sáng 18/4, lượng trẻ em đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chủ yếu tiêm phòng sởi, trong đó hầu hết là tiêm mũi phối hợp gồm sởi, quai bị và rubella.


Nhiều gia đình vội vàng chở con đi tiêm phòng.

Nhiều cháu bé phải ngồi ngoài hành lang trung tâm y tế để đợi đến lượt vào tiêm


"Mấy hôm nay, cả cơ quan tôi xáo trộn vì tình hình bệnh sởi, ai cũng lo lắng cho sức khỏe của con em mình. Thấy nhiều ca tử vong do sởi nên ai cũng cuống cuồng tìm cách phòng bệnh cho con trong thời gian này. Biết những ngày này ở trung tâm y tế sẽ đông người đến tiêm chủng nên tôi và chồng đã đến đây từ 6h sáng lấy số, đợi tiêm chủng cho con để an tâm hơn" - chị Trần Thúy Trang (ở Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ.

Phòng chờ tại trung tâm y tế chật kín người từ sáng sớm.

Khối lượng công việc của các bác sĩ, y tá trong những ngày vừa qua là rất lớn

 Lượng trẻ em đến Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội chủ yếu để tiêm phòng sởi, trong đó hầu hết là tiêm mũi 3 trong 1 phòng sởi, quai bị và rubella.

Một số người đành đưa các cháu ra về đợi buổi tiêm khác vì đã hết số thứ tự tiêm chủng trong sáng 18/4.

Chị Hương (ở đường Hoàng Ngân, Cầu Giấy, Hà Nội) đưa con nhỏ đến trung tâm y tế dự phòng trên đường Nguyễn Chí Thanh chia sẻ: “Những lần trước tôi đưa cháu đi tiêm phòng đâu có đông như mấy hôm nay. Đợt này bệnh sởi đang lan rộng, diễn biến khó lường nên ai cũng lo lắng đưa con đi tiêm”.

Đua nhau dùng các bài thuốc dân gian

Hoang mang, lo lắng là tâm lý chung của các bà mẹ có con nhỏ khi bệnh sởi đang diễn biến phức tạp, số trẻ tử vong do sởi ngày càng gia tăng trong những ngày vừa qua trên địa bàn cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Nhiều bà mẹ dù đã tiêm phòng dịch cho con nhưng vẫn cẩn thận tìm các bài thuốc dân gian, thuốc nam để phòng dịch.

Các bậc cha mẹ vô cùng lo lắng khi bệnh sởi đang lan rộng.

Lướt qua một vòng các diễn đàn online, các hội nhóm trên các trang mạng xã hội, những bài mẹo phòng sởi vô cùng phong phú được chia sẻ, tư vấn. Lo lắng trước tình trạng gia tăng ca bệnh và tử vong về sởi, không ít phụ huynh có con nhỏ đã truyền nhau kinh nghiệm phòng chống bệnh sởi bằng cách tắm lá, hạt mùi già cho trẻ nhỏ khiến mặt hàng này đang “sốt” từng ngày.

Hạt mùi có giá 25.000 đồng/lạng trong thời gian này - (Ảnh: Internet).


Nhiều phụ huynh chia sẻ với nhau kinh nghiệm phòng chống và chữa bệnh sởi cho trẻ bằng cách đun sôi lá và hạt mùi già cho trẻ uống, tắm, hoặc ngâm quần áo của trẻ vào nước mùi để diệt khuẩn. Vì quá nhiều người đổ xô "săn" hạt mùi về tắm cho con nên mặt hàng này lên cơn sốt tăng giá chóng mặt. Giá hạt mùi tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 bình thường. 

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số khu chợ ở Hà Nội như chợ Nghĩa Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) giá hạt mùi ngày thường là 100.000 đồng/kg, nay tăng lên mức từ 150.000 - 250.000 đồng/kg. Nhiều khu chợ khác, người dân phải mua hạt mùi với giá 300.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, các bác sĩ khuyến cáo, biện pháp phòng bệnh sởi cho trẻ là dùng khăn hoặc tay che miệng khi ho, hắt hơi; rửa tay trước khi ăn và khi chế biến thức ăn; chích ngừa sởi cho trẻ đến tuổi.

Các biện pháp chăm sóc cho trẻ bị sởi: Điều trị tại nhà với các trường hợp trẻ bị bệnh nhẹ không có biến chứng: theo dõi nhiệt độ hàng ngày; nhỏ mắt, nhỏ mũi bằng dung dịch nước muối để tránh nhiễm khuẩn; tắm rửa sạch bằng nước ấm để tránh nhiễm trùng và lở loét; dinh dưỡng đầy đủ, thức ăn dễ tiêu, giàu dinh dưỡng, đặc biệt là vitamin A; nên nằm phòng riêng thoáng, sáng và tránh gió lùa; chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của thầy thuốc.

Đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh nặng lên như: sốt cao, ho nhiều, tiêu chảy nặng; ban sởi lặn hết mà vẫn sốt; có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt...

Trường học tăng cường phòng chống sởi

Ngày 17/4, Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội đã ra thông báo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học. Cụ thể, Sở Giáo dục - Đào tạo và Sở Y tế yêu cầu các trường học trên địa bàn Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh trong trường học, phối hợp chặt chẽ với các trạm, trung tâm y tế tại các quận, huyện, thị xã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong trường học đặc biệt là dịch sởi.

Vệ sinh cho trẻ là công việc cần được quan tâm tại các trường học để phòng chống các dịch bệnh.

Đặc biệt là các trường mầm non, cần quan tâm tới tình trạng sức khỏe của học sinh khi tiếp nhận học sinh đến lớp (sốt, khóc quấy, mẩn đỏ ngoài da...) nếu có biểu hiện nhiễm bệnh thì thông báo cho gia đình đưa trẻ đi khám, tránh để tiếp xúc với học sinh trong lớp để ngăn chặn lây nhiễm chéo.

Thông tin kịp thời về trường hợp học sinh có biểu hiện nghi mắc bệnh dịch cho lãnh đạo đơn vị và cơ sở y tế trên địa bàn để điều tra dịch tễ, xử lý dịch. Các trường duy trì nề nếp vệ sinh môi trường phòng chống dịch bệnh hàng tuần (vệ sinh ngoại cảnh, vệ sinh lớp học, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập...).

Nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bệnh nặng lên như: sốt cao, ho nhiều, tiêu 
chảy nặng; ban sởi lặn hết mà vẫn sốt; có dấu hiệu biến chứng về tai, phổi, tiêu hóa, mắt...

Nếu trẻ có dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cần kiểm tra kịp thời và có các phương án chữa trị.

Thường xuyên theo dõi sĩ số học sinh đến lớp, nếu học sinh nghỉ phải nắm rõ nguyên nhân; nếu có tình trạng nghỉ ốm nhiều bất thường phải báo cáo ngay cơ quan quản lý cấp trên. Ngoài ra, các trường học phải thông tin đến phụ huynh học sinh các kiến thức cơ bản về công tác phòng chống dịch, phát hiện bệnh sớm. Nhắc nhở phụ huynh học sinh không được chủ quan trước dịch bệnh, lưu ý việc khám chữa bệnh cho trẻ theo đúng tuyến, đúng phác đồ điều trị của cơ quan y tế.