Niềm vui cứu được toàn bộ 12 công nhân trong vụ sập hầm thủy điện vẫn in đậm tại vùng đất thủy điện Lâm Đồng, song chi tiết cuộc giải cứu diễn ra như thế nào và khoảnh khắc đáng nhớ đó được.
Niềm vui vỡ òa
Gần 16h30’ chiều 19/12, khu vực trước cửa đường hầm dẫn nước, nơi xảy ra vụ sập hầm khiến 12 công nhân bị mắc kẹt mấy ngày qua nhốn nháo hẳn lên. Chỉ trước đó ít phút, thượng tá Trần Xuân Việt – Trưởng Phòng Cảnh sát Cơ động Công an tỉnh Lâm Đồng nhận được một cuộc gọi từ chỉ huy trong hầm báo ra với nội dung ngắn ngủi nhưng là điều hàng trăm người tại hiện trường mong mỏi: “Đã thông tới sập hầm rồi…!”.
Ngay tức khắc, thượng tá Việt chạy ngay tới lán trại Ban chỉ huy cứu nạn thông báo. Các chiến sĩ thuộc các đơn vị phối hợp trực ngoài cửa hầm được lệnh lập tức tới khu vực miệng hầm đón các nạn nhân. Người được đưa ra khỏi hầm đầu tiên bằng cáng là nam công nhân Phạm Viết Nam (quê Nghệ An). Anh trong tình trạng khá yếu nhưng vẫn trò chuyện được.
Niềm vui đến quá bất ngờ với tất cả mọi người vì theo nhận định trước đó của các vị chuyên gia, chỉ huy công tác cứu hộ, trong đó có Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, sớm nhất cũng phải đến đêm 19 rạng sáng 20 mới có thể tiếp cận được các nạn nhân.
Lần lượt từng người được đưa ra khỏi cửa hầm bằng cáng, số ít còn lại được dìu đi từng bước trong tiếng vỗ tay, hoan hô của những người chứng kiến. Người sau cùng ra khỏi hầm sập là ông Phan Xuân Đăng (quê Vĩnh Phúc, là công nhân lớn tuổi nhất trong nhóm mắc kẹt).
Người phụ nữ duy nhất là chị Ngọc được dìu đi một quãng đường ra khỏi hầm, vì quá đỗi vui mừng đã ngất xỉu đi. Tất cả 12 nạn nhân được đưa vào lán trại y tế sơ cứu và sau đó được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng (TP. Đà Lạt) tiếp tục cứu chữa.
Ở bên ngoài các lán trại, thân nhân các công nhân gặp nạn ôm nhau khóc vì xúc động.
Những chiến sĩ công binh quả cảm
Trong niềm vui mừng không thể tả hết, các chuyên gia, chỉ huy các đơn vị cứu hộ bắt tay, ôm chầm lấy nhau chúc mừng. Nhờ có lực lượng công binh mà 12 công nhân được cứu thoát sớm hơn nửa ngày so với dự kiến, điều đó làm tất cả phải bất ngờ.
Kể lại giây phút đầu tiên tiếp cận với nhóm công nhân bị mắc kẹt với phóng viên, binh nhất Hoàng Văn Thảo (chiến sĩ Lữ đoàn Công binh 293, Bộ Tư lệnh Công binh) không giấu được niềm xúc động. Chiến sĩ trẻ này thuật lại, khi tổ của anh đang hì hục đào hầm thì nghe thấy tiếng động phía trước.
Anh trườn người ghé sát tai vào thì tiếng động càng rõ ràng hơn. Đoán đã tiếp cận khu vực hầm sập, binh nhất Thảo đào tiếp thì mảng đất đá vỡ ra, bên trong là 12 người bị nạn.
Quá bất ngờ, như phản ứng tự nhiên binh nhất Thảo quay ra gọi đồng đội vào hỗ trợ đưa các công nhân ra. Đồng thời thông báo tin vui cho Ban chỉ huy bên ngoài.
Sở dĩ việc giải cứu nhóm công nhân bị mắc kẹt được sớm hơn so với dự kiến là vì có phương án đào thêm hầm bên trái cửa đường hầm được duyệt vào chiều 18/12. Đơn vị được giao nhiệm vụ đào hầm này là lực lượng Công binh của Lữ đoàn 293, Bộ Tư lệnh Công binh được điều động từ Cam Ranh, Khánh Hòa.
Không giấu được cảm xúc vui mừng, đại tá Nguyễn Hữu Hùng – Phó tham mưu trưởng Binh chủng Công binh Bộ quốc phòng, chỉ huy cao nhất của các lực lượng thực hiện công tác cứu hộ - cứu nạn trong hầm thuật lại quyết định mang tính bước ngoặt này.
Đó là trong cuộc họp bàn với Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào chiều 18/12 với Ban chỉ huy cứu nạn tại hiện trường, các các chuyên gia đề xuất ý kiến nên đưa lực lượng công binh đào thêm đường hầm giải cứu bên trái song song với đường mà công nhân Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam đang tiến hành. Hướng hầm bên trái theo hướng mở ra vì địa chất ngọn đồi khá phức tạp, đề phòng sập hầm.
Tuy nhiên với phương án này sẽ kéo dài thêm nửa ngày gây ảnh hưởng đến sức khỏe của các nạn nhân. Chính vì vậy, đại tá Hùng đã đưa phương án đào theo đường thẳng và dùng các biện pháp gia cố, chống đỡ. Cuối cùng ý kiến này đã được duyệt.
Trong ngày 19/12 thêm 50 chiến sĩ công binh có nhiều kinh nghiệm trong việc đào hầm đã được tăng cường. Tất cả đều xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phải làm sao trong thời gian ngắn nhất tiếp cận khu vực hầm bị sập cứu người.
Tiến độ của lực lượng công binh vào khoảng 1 mét/giờ. Đây được coi là kỷ lục của lực lượng với hiện trạng địa chất như công trình này. Khi lực lượng công binh tiếp cận được khu vực nhóm công nhân bị mắc kẹt thì tín hiệu mừng là sức khỏe của mọi người đều ổn, dù một số có dấu hiệu kiệt sức. Trong đó có trường hợp nạn nhân nữ duy nhất khi được cứu ra khỏi hầm đi được quãng đường đã ngất xỉu vì quá vui mừng.
Việc giải cứu an toàn cho tất cả 12 nạn nhân là chiến công chung của toàn thể các đơn vị phối hợp cứu hộ cứu nạn, trong đó có chiến công của lực lượng công binh. Nói như đại tá Hùng, đây là chiến công mà lực lượng lập được nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cùng nhìn lại những hình ảnh giây phút 12 công nhân được giải cứu:
Cả công trường nhốn nháo khi nghe tin thông hầm.
Khẩn trương đưa người bị nạn lên lán trại y tế.
Người thân nạn nhân xúc động.
Sau khi được sơ cứu tại chỗ.
Tất cả 12 người được chuyển về Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Các vị lãnh đạo, chỉ huy cứu hộ mừng rỡ vì tất cả nạn nhân đều an toàn.