Những ngày này, cả nước đang cùng chung nỗi đau trước sự ra đi mãi mãi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng tài ba, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người Anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Sáng 12/10, lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp theo nghi thức Quốc tang được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Hàng vạn người dân đã tập trung về nhà tang lễ với mong muốn được vào viếng Đại tướng lần cuối cùng.
Có những người khuyết tật nhưng vẫn bám vai nhau đến viếng Đại tướng.
Trong đoàn người kiên nhẫn xếp hàng vào viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không hiếm những người tàn tật, thương binh…Và trong số đó, chúng tôi được gặp 3 người là thành viên của Hội người mù quận Cầu Giấy - Hà Nội. Những bước đi khó khăn, luống cuống giữa dòng người đông đúc, cầm trên tay bài thơ viết về Đại tướng, ông Nguyễn Phong (70 tuổi, thành viên hội người mù quận Cầu Giấy) vẫn cố gắng để được vào viếng Đại tướng lần cuối. Mặc dù trước đó, ông đã đến viếng Đại tướng ở nhà riêng 30 Hoàng Diệu hai lần. Ông Phong cho biết, từ năm 1981, mắt ông bắt đầu bị kém dần, sau đó chỉ nhìn được mờ mờ. Và hiện tại, ông chỉ nhìn được ở cự ly rất gần, nên đi lại rất khó khăn.
Dù không nhìn thấy gì nhưng cả 3 thành viên trong hội người mù vẫn cố gắng đến viếng vị anh hùng dân tộc.
Cùng đi với ông Phong, có hai thành viên trong hội người mù là chị Trần Thị Thu Trang (35 tuổi) và Long Văn Vũ (30 tuổi). Là người khiếm thị nên mỗi bước di chuyển của ông Phong và hai cháu cùng đoàn rất khó khăn. Các thanh niên tình nguyện đã hết lòng giúp đỡ ông trong suốt chặng đường xếp hàng vào nhà tang lễ.
Hình ảnh của 3 người khiếm thị khiến nhiều người thực sự xúc động.
Hình ảnh ba người khiếm thị bám vào vai nhau đi theo dòng người vào viếng Đại tướng khiến nhiều người cảm phục.
Cách đây hai ngày, ông Phong cũng đã lặn lội đi xe buýt đến 30 Hoàng Diệu viếng Đại tướng hai lần. Nay, với mong muốn được nhìn Đại tướng lần cuối, ông tiếp tục tìm về nhà tang lễ Quốc gia để thỏa ước nguyện.
Ông với hai người cùng đoàn đến xếp hàng từ 13h30 phút, sau gần 4 tiếng xếp hàng, ông được vào viếng Đại tướng. “Điều tiếc nuối nhất với tôi là không được nhìn Đại tướng lần cuối cùng. Trước lúc vào viếng, tôi cứ nghĩ rằng sẽ được đi vòng quanh linh cữu Đại tướng để nhìn lần cuối. Dù rất luyến tiếc, nhưng cảm giác khi bước vào nhà tang lễ cũng khiến tôi không cầm được nước mắt. Được vào viếng Đại tướng, tôi đã thỏa tâm nguyện rồi", ông Phong nói.
3 người ngồi nghỉ vì cũng đã thấm mệt.
Chưa có may mắn được gặp trực tiếp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng con người Đại tướng đã khiến ông Phong nể phục, kính trọng từ lâu. Bất cứ ở đâu trong những ngày này, đều bắt gặp những hình ảnh người dân òa khóc tưởng nhớ vị tướng tài ba của dân tộc. Với lòng tiếc thương vô hạn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhiều người đã không quản ngại khó khăn, vất vả để được vào viếng Đại tướng một lần.
Chia tay chúng tôi ra về, ông Phong nói rằng: “Sau đám tang của Bác Hồ, thì đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là nhiều nước mắt nhất. Tình cảm người dân Việt Nam dành cho Đại tướng quá lớn lao”.