Người dân hoang mang vì bị bọ xít hút máu "tấn công"

Người đưa tin, Theo 11:23 29/05/2015

Nhiều người dân bị bọ xít hút máu tấn công đã truy ra nguồn gốc xuất phát của chúng. Tuy nhiên, sự việc đã trễ khi chúng đã thâm nhập vào nhà dân, chui vào mọi ngóc ngách trong nhà.


Những con bọ xít bắt được tại Ninh Thuận được giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu.

Phát hiện muộn, bọ xít ẩn nấp trong nhà dân

Ngày 27/5, trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Ninh Thuận cho biết, đơn vị này đã xác định được loài của bọ xít mà người dân cung cấp. Đó là loài bọ xít thuộc giống Panstrongylus và thường được người dân gọi là bọ xít hút máu người.

Trước đó, nhiều hộ ngụ trên đường Lê Quý Đôn (khu phố 7, phường Phước Mỹ, TP. Phan Rang – Tháp Chàm) phát hiện có nhiều con bọ nghi là bọ xít hút máu người tấn công vào nhà dân. Sau đó, nhiều người đã bắt những con bọ xít này giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu.

Trước sự việc trên, trung tâm Phòng chống sốt rét tỉnh Ninh Thuận khuyến cáo, người dân nên lau dọn vệ sinh nhà cửa, gầm tủ, gầm giường để kịp thời phát hiện, tiêu diệt loài bọ xít nguy hiểm này.

Đồng thời người dân cần phát quang xung quanh khu vực sinh sống cũng như phun các hoạt chất dùng trong y tế, diệt côn trùng trong và xung quanh nhà để ngăn chặn chúng đẻ trứng, sinh sôi nảy nở.

Theo người dân địa phương, những ngày gần đây, bọ xít thường tấn công vào nhà dân khiến họ hoang mang lo sợ. Anh Nguyễn Trường Sinh (ngụ phường Phước Mỹ) cho biết: “Chúng tôi phát hiện có nhiều con bọ xít tấn công vào nhà dân.

Sau đó, một vài người đã tra thông tin, hình ảnh trên mạng và thấy những con bọ xít ấy giống với loại bọ xít hút máu người. Nhìn bề ngoài, chúng có kích thước dài khoảng 2-3cm, có mùi hôi nồng. Nhiều gây sưng, ngứa khiến họ rất hoang mang, nhất là những gia đình có con nhỏ”.

Theo PGS.TS Trương Xuân Lam - Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam): Khi bọ xít hút máu tấn công, chích hút máu người và để lại vết thương sưng to thậm chí còn gây sốt sau khi hút máu. Các vết đốt thông thường có màu đỏ dễ phát hiện và to hơn vết muỗi đốt hoặc màu sẫm nối liền nhau.

Vị trí các vết đốt thường ở sau gáy, cổ, bả vai, sau lưng, cánh tay và chân. Các vết đốt có biểu hiện đau, rát, sưng và rất dễ lan rộng ra xung quanh khi tác động vào vết đốt. Có trường hợp vết đốt gây sưng to, phù nề diện rộng, mưng mủ và bị sốt (nhất là trẻ em). Vết đốt sưng to và phù nề có thể làm chân tay không cử động được.


Tùy theo cơ địa mỗi người mà thương tích khi bị loại bọ xít này đốt khác nhau.

Theo ghi nhận, bọ xít hút máu người từng xuất hiện ở nhiều địa phương trên cả nước và thường ở những nơi ẩm thấp. Còn những nơi nắng nóng như này rất hiếm, chính vì thế nhiều người rất lo lắng và hoang mang.

Có thể sống hàng tháng không cần ăn

Theo nghiên cứu của các chuyên gia về côn trùng học tại Việt Nam, loại bọ xít hút máu người thuộc chi Triatoma trong họ bọ xít bắt mồi Reduviidae, thuộc bộ cánh nửa (Hemiptera hoặc Heteroptera) của lớp côn trùng (Insecta). Mỗi lần hút máu người xong, loại bọ xít này sẽ đẻ trứng sau 1-2 ngày, mỗi lần đẻ khoảng 150-200 quả trứng, khoảng 16-18 ngày sau sẽ nở thành cá thể bọ xít non. Cá thể này lập tức hút máu người để sinh tồn.

Theo GS-TS. Vũ Quang Côn, Chủ tịch hội Côn trùng học Việt Nam, mỗi năm loài này chỉ cần hút máu từ 1-3 lần là có thể sống sót suốt vòng đời. Loại côn trùng này phát triển vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa.

Trao đổi với PV, PGS-TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết tin tức: Bọ xít hút máu người được ghi nhận tại nước ta đã từ lâu.

Chúng thường sinh sản trong mùa nóng và hàng năm thường xuất hiện vào khoảng tháng Bảy. Để có thức ăn, thông thường chúng phát tán vào nhà dân, chúng có tập tính sống trong các khe hở ở giường, trần nhà, bàn ghế, quần áo... ở gần người dân. Đặc điểm hoạt động của chúng là ban ngày lẩn trốn, đến đêm chúng mới ra hút máu người hoặc động vật.

Để phòng chống loại côn trùng này, hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Vì vậy, người dân phát hiện vài con bọ xít hút máu người thì nên tìm và giết chúng bằng phương pháp thủ công. Trong trường hợp phát hiện ra một ổ lớn thì cần báo ngay cho cơ quan chức năng tìm cách tiêu diệt chúng.

Tránh phun thuốc hóa học không đúng cách ở khu vực sinh hoạt của người dân vì nó sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Nếu người dân bị đốt nên rửa sạch vết đốt dưới vòi nước. Nếu vết thương sưng tấy, đau, ngứa thì nên đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày