Căn nhà trọ ọp ẹp, cũ kỹ với giá thuê 1,5 triệu/ tháng ở địa chỉ 257/28 Đoàn Văn Bơ, Quận 4 (TP. HCM), là chốn ăn ngủ của bà Nguyễn Thị Nở (SN 1958) cùng 5 đứa cháu ngoại. Căn nhà luôn văng vẳng tiếng ê a tập đọc, tiếng các anh em đùa giỡn bên người bà gầy gò, ốm yếu. Thỉnh thoảng trong đêm, khi khu phố đã yên giấc, người ta lại nghe giọng đứa bé khẽ cất lên: "Ngoại ơi, đừng khóc...!".
.
Nơi đây, bà Nở và vợ chồng người con gái út đã sống cùng nhau từ hơn chục năm trước, 4 đứa trẻ được sinh ra trong sự yêu thương của bố mẹ và bà ngoại nhưng sau một thời gian, con rể của bà đã bỏ gia đình đi theo người phụ nữ khác rồi biệt tăm đến giờ. Khi người con gái giữa đột ngột qua đời, bà đón đứa cháu gái về ở cùng, 4 đứa trẻ có thêm một người chị họ trong nhà. Bà Nở cùng cô con gái út vừa buôn bán làm lụng vất vả vừa thay phiên chăm sóc cho những đứa trẻ khi ấy chỉ mới chập chững tập đi, tập nói. Nhưng tai họa lại ập đến khi 4 năm trước, con gái của bà bỗng lên cơn xuất huyết não và đột tử ngay trong đêm, để lại bà Nở cùng 5 đứa cháu thơ dại. Những đứa trẻ nhỏ tuổi nhất khi ấy còn chưa nhớ rõ mặt mẹ mình thì đã trở thành những đứa trẻ mồ côi mãi mãi. Trong số 4 anh em, Tần Minh Tấn, 14 tuổi là đã đủ lớn để cảm nhận được nỗi đau trước sự ra đi bất ngờ của mẹ mình. Cũng như người chị họ Thu Mai (17 tuổi), Tấn ý thức được hoàn cảnh của gia đình nên luôn động viên các em mình cố gắng học, ngoan ngoãn và sống tốt để không phụ lòng mẹ. Từ ngày dì mất, Thu Mai đã nghỉ học để phụ bà ra chợ bán kiếm thêm tiền lo cho các em.Cùng với anh trai, Tần Minh Tú (12 tuổi) cũng được theo học tại một lớp học tình thương ở Quận 4. Em ngoan ngoãn, lễ phép và rất thương hai cô em gái nhỏ của mình. Mỗi buổi tối, Tú đều chỉ cho các em tập đọc, tập viết.Em Võ Thị Tuyết Trinh (9 tuổi), chỉ học đến mẫu giáo thì mẹ mất, em phải nghỉ học đến tận bây giờ nhưng em chưa bao giờ thôi khao khát được đến trường mỗi ngày. Đứa bé nhỏ nhất là Võ Thị Tuyết Như, chỉ mới 5 tuổi. Như là đứa trẻ được bà Nở quan tâm chăm sóc nhất vì khi con gái bà mất, Như chưa tròn 1 tuổi đã phải thiếu thốn đủ thứ, không có sữa, không có thức ăn và quần áo, bà Nở khi ấy một mình vừa nuôi cháu, vừa tình nguyện đi làm thuê làm mướn đủ nghề để có tiền mua sữa cho bé.Khi bà Nở và người chị cả trong nhà lỉnh kỉnh đồ đạc ra chợ bán, những đứa trẻ thay phiên chăm sóc lẫn nhau. Đứa lớn bảo ban đứa nhỏ. Có hôm bà ngoại không bán được tiền, buổi tối không có gì ăn, bọn trẻ rủ nhau ra xe hủ tiếu gõ đợi người ta ăn xong rồi húp tô nước lèo thừa để cầm chừng đến sáng mai. Lâu ngày thành quen, người trong phố cứ thấy lũ trẻ nhà bà Nở phải lang thang trong đêm thì biết chúng đói bụng mà nhà không còn gì ăn, nên bà con khu phố mỗi người góp một ít bánh, gạo cho các anh em.Nhiều đêm, bà lang thang xin làm thêm, rửa bát, phụ việc cho người ta để mua quà bánh về cho các cháu nhỏ. Bà nói: "Tôi chịu kham khổ lâu nay, cũng quen rồi, chỉ tội mấy đứa cháu còn nhỏ quá, mà mình thì không biết còn sống được với tụi nhỏ trong bao lâu. Sau này tôi chết đi, tương lai bọn trẻ không biết thế nào, nghĩ đến việc đó, nhiều đêm buồn quá không giấu nổi nước mắt, mấy đứa cháu thay nhau an ủi ngoại rồi hứa sẽ chăm ngoan, nghe lời để ngoại vui lòng. Thương lắm..."Trong căn nhà trọ với bức tường cũ kỹ, tờ lịch từ năm 2013 có in hình của bé Tuyết Trinh vẫn được treo ở đấy. Bà Nở kể: "Hồi mẹ tụi nhỏ còn sống đã đưa bé Trinh đi chụp ảnh làm lịch, lúc đó Trinh còn đi học ở trường Mầm non, không lâu sau đó thì mẹ mất, nó phải nghỉ học nhưng nhất quyết không cho tôi gỡ tờ lịch này xuống vì đó là món quà kỷ niệm cuối cùng mà mẹ dành cho nó".Tuyết Trinh là cô bé ham học nhất nhà, em thích đọc báo, đọc sách của anh trai và cũng thường tâm sự với ngoại chuyện ngày hôm nay mình và các anh em phải lang thang xin ăn thế nào để chống lại cơn đói. Tuyết Như lanh lẹ, hoạt bát nhất nhà...Em cũng là người gần gũi với ngoại nhất. Bà nói: "Nhiều lúc thấy tôi ngồi buồn, bọn trẻ lại ôm cổ rồi kể đủ thứ chuyện trẻ con, nhiều lúc tụi nó ồn ào nhức đầu thật, nhưng mà thiếu vắng tụi nhỏ thì đời tôi chẳng còn gì nữa".
Tết
đến, bạn bè, trẻ em trong xóm ai cũng đều có áo mới nhưng với những đứa
cháu của bà Nở, được người ta tặng cho bộ quần áo cũ cũng là may mắn
lắm rồi. Bà cho biết, tiền học của hai đứa lớn một năm khoảng hơn 1
triệu đồng bởi dù không phải đóng học phí nhưng vẫn phải mua sách vở, đồ dùng học tập. Nhưng bà chỉ có thể lo cho 2 đứa, còn 2 bé gái sau này, bà cũng
mong chúng được đến trường nhưng không biết sức mình có thể cầm cự để lo
cho bọn nhỏ nổi không.