Ngày 28/11 là lễ cưới của con trai ông Trương Vĩnh ở khu vực 6, thôn Đại Lộc B, xã Triệu Thuận, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Vì vậy, đêm trước đám cưới gia đình chú rể thuê nhạc sống, tổ chức buổi tiệc rượu gọi là khao bà con lối xóm. Thanh niên xóm trên làng dưới kéo nhau đến chung vui. Nói là thanh niên hai khu vực, nhưng thực chất chỉ cách nhau có mấy bước chân, ranh giới chính là cái cổng chào ở đầu làng.
Khoảng 9h tối, sau khi nốc cạn mấy chục lít rượu thì mặt ai nấy đều đỏ gay, máu văn nghệ nổi lên ai cũng muốn lên sân khấu nhảy nhót xả hơi men. Cũng từ đây nảy sinh mâu thuẫn giữa đám trai làng khu vực 6 với thanh niên khu vực 5.
Không thể hòa giải bằng lời, hai bên dùng nắm đấm để giải quyết. Đám trai tráng khu vực 5 đông hơn, nhưng tay không một tấc sắt, lại “đá sân khách” nên nhanh chóng bị thanh niên khu vực 6 đánh cho chạy tan tác.
Về phía đám trai tráng khu vực 6, dù thắng nhưng hơi men trong người vẫn chưa dịu xuống, hò nhau cầm theo rựa, mã tấu, tuýp sắt, gậy gộc rượt theo đối thủ. Thấy trai làng bên bỏ chạy mỗi người một ngả nên đám trai làng khu vực 6 chia thành hai hướng tiếp tục truy sát. Nhóm thanh niên hung hãn tay lăm lăm hung khí kéo nhau chạy rầm rập qua tận đường làng lùng sục khắp các ngõ hẻm, với “khẩu hiệu” gặp ai thì chém nấy.
Đến đoạn đường liên thôn Đại Lộc B thì một nhóm thanh niên khu vực 6 gặp được anh Nguyễn Sĩ (21 tuổi, trú khu vực 5, xã Triệu Thuận) đang trên đường chạy về nhà. Không một phút chậm trễ, một tên trong nhóm truy sát lao vào chém anh Sĩ.
Mặc dù bị chém một nhát vào đỉnh đầu, mất máu khiến người choáng váng nhưng bản năng sinh tồn trỗi dậy, anh Sĩ vùng lên xô ngã đám thanh niên đang bao vây bỏ chạy phía bờ sông trốn thoát. Tiếp đó cả nhóm trai làng khu vực 6 tiếp tục kéo nhau lên cầu Đại Lộc khuếch trương thanh thế, vang cả xóm.
Cũng trong khoảng thời gian này, nhóm truy sát thứ hai của thanh niên khu vực 6 đi theo hướng cổng chào của thôn 5 thì bắt được anh Nguyễn Văn Ánh (27 tuổi, trú khu vực 5, xã Triệu Thuận). Anh Ánh chưa kịp thanh minh gì đã bị cả nhóm trai làng bên xông vào đánh túi bụi. Anh Ánh chỉ còn biết cuộn tròn người, ôm đầu chịu đòn, rồi ngất đi.
Bà con gần đó, nghe tiếng hò hét đánh nhau chạy ra thì thấy người thanh niên tội nghiệp đang nằm dưới đất chính là anh con trai thứ hai của vợ chồng ông Quỳ, kêu cứu và chạy về báo tin cho hai ông bà. Bà Trần Thị Tuyết (48 tuổi, mẹ anh Ánh) chạy ra thấy vậy, liền lao vào ôm con, xin đám thanh niên kia tha cho con bà. Nhưng chúng không mảy may mủi lòng, đánh luôn cả người mẹ tội nghiệp một gậy vào đầu khiến bà bất tỉnh.
Trước đó khoảng 15 phút, ông Nguyễn Văn Duy (53 tuổi, cha anh Ánh) nghe tin thanh niên hai làng đi chơi đám cưới đánh nhau to, ông lo lắng cho hai đứa con trai nên liền bật đèn pin đi tìm con. Đến khoảng gần 10h, ông về tới dưới chân cầu Đại Lộc thì thấy con trai và vợ bị đánh nên chạy tới cứu hai mẹ con. Nhưng chưa đến nơi thì đã bị đám thanh niên chém xối xả vào người. Trong đó có một nhát chí mạng vào cổ, làm đứt xương cổ, gần đứt lìa cuống họng khiến ông chết ngay tại chỗ.
Thấy nạn nhân nằm sõng soài trên đường làng, máu tuôn ra lênh láng, đám thanh niên hung hãn mới chịu bỏ đi. Lúc này, bà Tuyết tỉnh dậy thấy chồng nằm bất động liền chạy tới kêu con trai đưa cha tới bệnh viện. Nhưng khi hai mẹ con đến chỗ ông Duy đang nằm thì ông đã tắt thở từ lúc nào.
Ngôi nhà ven sông Hiếu của gia đình ông Duy nhỏ bé và liêu xiêu trong gió lạnh. Ngôi nhà trống hoác chỉ vừa kịp kê chiếc bàn thờ. Di ảnh của người đàn ông trên bàn thờ gầy gò với nước da bánh mật đậm màu sông nước, làm cho những người đến viếng không khỏi đau lòng. Người nhà cho biết, ông vừa chỉ mới vượt qua cơn bạo bệnh trước đó mấy ngày.
Ông Duy và bà Tuyết lấy nhau đến nay đã gần 30 năm, có với nhau năm mặt con gồm 4 trai, một gái. Trong đó, đứa con gái duy nhất của ông bà bị câm, điếc bẩm sinh. Quanh năm, ông bà neo vào con sông trước nhà để kiếm kế sinh nhai. Suốt bao năm qua, đôi vợ chồng nghèo vẫn tảo tần sớm hôm để nuôi con. Nhà tuy nghèo, cơm ăn bữa đói bữa no, nhưng trong làng ai cũng quý cặp vợ chồng nghèo bởi ông bà rất thương con. Những đứa con của ông bà nhờ con tôm, cái tép mà lớn lên từng ngày.
Người con trai đầu của họ năm nay đã gần 30 tuổi, mặc dù vẫn phải chạy ăn từng bữa nhưng nhất quyết không cho ông bà đi biển sớm hôm như trước nữa. Nhưng phần thương con, phần muốn cải thiện cuộc sống gia đình, ông bà hằng ngày vẫn đi đánh cá. Vào những ngày này, trời trở gió, mưa nặng hạt hơn nên bà Tuyết khuyên ông Duy ở nhà cho an toàn. Ông đành bấm bụng ở nhà với con cháu và phụ vợ buôn bán qua ngày.
Nằm lặng lẽ một mình trong bệnh viện, đôi mắt của người vợ, người mẹ ấy đã sưng húp đến mức không thể mở ra nổi. Vết thương trên đầu của bà Tuyết chưa lành, nên bà vẫn còn phải ở lại bệnh viện để theo dõi và rất có thể phải mổ trong nay mai. Trong giọng nói thều thào, yếu ớt, bà đau đớn nhớ lại: “Đêm đó hai thằng con trai thì đi chơi đám cưới ở xóm trên, tui với ổng ở nhà. Đang coi tivi thì nghe hàng xóm kêu la đám trai làng đánh nhau loạn xạ, tui thấy lo nên kêu ổng đi tìm, ai ngờ...”.
Trong đám tang ông Duy, nỗi đau quá lớn và quá đột ngột đã làm cho những người trong gia đình không thể khóc thành tiếng. Người con gái câm điếc muốn khóc thương cho người cha tội nghiệp cũng chỉ biết ú ớ trong vô vọng, hai đứa cháu đích tôn của ông cũng còn quá nhỏ. Những người con trai của ông Duy thì bần thần trước sự ra đi đột ngột của cha.
Riêng anh Ánh chỉ đứng lặng lẽ ở một góc nhà, đôi mắt mệt mỏi và đờ đẫn. Anh Ánh chỉ biết cúi đầu, thỉnh thoảng lại nhìn về hướng con sông trước hiên nhà, anh nghẹn ngào: “Nếu đêm đó tôi không đi chơi ở cái đám cưới đó thì chắc ba tôi đã không ra đi như thế này...”.
* Tên nhân vật đã được thay đổi