Muôn kiểu tránh tắc đường của người Hà Nội

Thục Linh, D.Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 11/04/2014

Các phương tiện lại đua nhau trèo lên vỉa hè, rẽ ngang, rẽ dọc để "né" tắc đường gây mất trật tự an toàn giao thông.<br/>

"Tắc đường" đang là căn bệnh khó chữa của giao thông Hà Nội và cũng là nỗi khổ của hàng triệu người khi tham gia giao thông. Chính vì vậy, vào giờ cao điểm, các phương tiện lại đua nhau trèo lên vỉa hè, rẽ ngang, rẽ dọc để "né" các điểm ùn tắc, gây mất trật tự an toàn giao thông, mất mỹ quan đô thị.

Vỉa hè cũng là... đường.

Khi đường đang ùn tắc nghiêm trọng..., nhiều phương tiện tìm "lối thoát" trên vỉa hè.

Đứng chờ đèn đỏ trên vỉa hè để qua ngã tư... nhanh nhất.

Đầu tiên, phải nhắc đến kế sách leo xe lên vỉa hè khi tắc đường. Hàng loạt tuyến phố trên địa bàn Hà Nội khi rơi vào cảnh ùn tắc thì lòng đường cũng như vỉa hè, đều là nơi lưu thông của các dòng phương tiện. Xe máy là loại phương tiện gặp nhiều thuận lợi nhất khi đi trên vỉa hè. Với những tuyến phố phải nhích từng centimet, thì cách leo lên vỉa hè để đi nhanh hơn dường như được người dân Hà Nội sử dụng triệt để.

Có mặt trên đường Trần Duy Hưng vào 8 giờ 30 phút, chúng tôi ghi nhận cảnh hàng loạt xe máy leo lên vỉa hè để vượt qua ngã tư giao cắt giữa đường Trần Duy Hưng với đường Hoàng Minh Giám. Trong khi dòng phương tiện đang bị chôn chân giữa đường thì nhiều người điều khiển xe máy đã kịp "phóng" lên vỉa hè để tìm cách thoát ùn tắc rất nhanh chóng.

Đi ngược chiều để tránh tắc đường.

Xe đạp cũng đi ngược chiều, "né" tắc đường vào giờ cao điểm.

Theo quy định tại Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe đi trên hè phố là vi phạm Luật Giao thông đường bộ. 

Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 200.000- 400.000 đồng. Tuy nhiên, nếu vi phạm trong khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương như Hà Nội, TP HCM... thì mức phạt tiền được áp dụng sẽ từ 400.000 - 800.000 đồng.


Len lỏi ngược chiều giữa dòng xe cộ đông đúc.

Ngoài cách lấy vỉa hè làm đường để lưu thông, nhiều người dân còn ngang nhiên điều khiển xe đi ngược chiều để thoát khỏi những tuyến phố tắc nghẽn. "Tôi chứng kiến cảnh nhiều người tham gia giao thông phóng nhanh đi ngược chiều trong khi hướng ngược lại đang rất ùn tắc. Lưu thông như vậy là rất nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông" - chị Hòa (ở Đống Đa, Hà Nội) bức xúc.

Vào giờ cao điểm, việc chờ đèn tín hiệu giao thông là một việc cần độ kiên nhẫn cao với những người tham gia giao thông. Đối với những tuyến phố là điểm nóng về ùn tắc, để vượt qua được các ngã tư thì người dân phải đợi ít nhất từ 2 đến 3 nhịp đèn đỏ. Vì vậy, nhiều phương tiện cố gắng "luồn lách" để có một vị trí chờ đèn đỏ thuận lợi. 

Tại điểm chờ đèn tín hiệu giao thông ngã tư Giải Phóng - Trường Chinh (Cầu vượt Ngã tư Vọng), khi có tín hiệu đèn đỏ, hàng loạt phương tiện đã dồn lên phía đường sắt để đứng chờ. Khi dứt tín hiệu đèn đỏ, họ lao nhanh về phía trước để vượt qua hàng trăm phương tiện đang bị dồn ứ lại phía sau.Việc tham gia giao thông thiếu ý thức như thế này gây cản trở và nguy hiểm cho nhiều người.

Đi đường vòng để vượt qua các điểm nóng ùn tắc.

Hay tìm cho mình một vị trí chờ đèn đỏ thuận lợi nhưng... không giống ai.

Nóng ruột khi phải chôn chân hàng chục phút trên một tuyến đường chỉ chưa đầy 1km, nhiều người đã bê hẳn xe qua dải phân cách để đi về hướng ngược lại. 


Ô tô băng qua dải phân cách vì không đủ kiên nhẫn để chờ đợi khi tắc đường - (Ảnh: Internet).


Băng qua dải phân cách để né tắc đường - (Ảnh: Internet).

Xe máy cũng được dắt qua dải phân cách thật nhanh chóng.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày