Mưa 9 ngày, kỷ lục 1.500mm tại Quảng Ninh là bất thường

Tuổi trẻ, Theo 11:40 04/08/2015
Chia sẻ

Theo GS.TS Phan Văn Tân - chủ nhiệm bộ môn khí tượng, khoa khí tượng thủy văn và hải dương học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), mưa lớn gây lũ lụt trầm trọng như trên là bất thường.

mua--812a1
Mưa lớn bất thường trong mấy ngày vừa qua gây nhiều thiệt hại cho người dân ở Quảng Ninh - Ảnh: TIẾN THẮNG

Ông Tân phân tích về đợt mưa trong 9 ngày qua ở khu vực Cửa Ông, Quảng Ninh:

- Mùa mưa ở miền Bắc nói chung, vùng Đông Bắc bộ nói riêng rơi vào khoảng tháng 5 đến tháng 10 hằng năm. Mưa nhiều, thậm chí mưa lớn xảy ra trong những tháng này có thể là bình thường. Nhưng đợt mưa lớn gây lũ lụt trầm trọng tại Quảng Ninh mấy ngày gần đây thì quả là bất thường.

Thông thường vào khoảng thời gian này mưa thường gây nên do dải hội tụ nhiệt đới hoặc bão, áp thấp nhiệt đới. Nhưng hình thế gây mưa của đợt mưa này dường như khó có thể quy cho loại hình nào, vì không có bão hay áp thấp nhiệt đới hoạt động, dải hội tụ nhiệt đới cũng không thấy thể hiện.

Có chăng nó khá giống với một “rãnh khí áp thấp” mà người ta thường nói là rãnh gió mùa với một tâm thấp khá sâu ở khoảng giữa Ấn Độ - Myanmar và một tâm nhỏ hơn nằm tại vùng mưa Quảng Ninh.

Sự bất thường cũng được thể hiện ở chỗ tâm thấp này dường như không di chuyển, đó là nguyên nhân gây mưa lớn.

Thứ hai, đây là đợt mưa có thể xem là kỷ lục ở khu vực này. Theo số liệu quan trắc được từ các trạm khí tượng, lượng mưa của cả đợt tính từ ngày 26-7 đến 3-8 tại Cửa Ông vào khoảng trên dưới 1.500mm, lớn nhất từ trước đến giờ.

* Mưa lớn không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn có các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar...

- Mưa thường là hiện tượng mang tính địa phương. Hai địa điểm cách nhau không xa nhưng có thể nơi này đang mưa rất to trong khi nơi kia lại đang nắng, nhưng đợt mưa này lại có sự trùng hợp về thời gian giữa hai vùng địa lý cách nhau hàng ngàn kilômet.

Sự trùng hợp này cũng là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, mưa lũ xảy ra tại Ấn Độ, Myanmar có thể cùng nằm trong một hình thế quy mô lớn - quy mô khu vực, trong đó vùng thấp trông như một xoáy thuận ít di chuyển có thể là nguyên nhân gây mưa chính ở các khu vực này.

Về tác động của biến đổi khí hậu, có thể nói Việt Nam đang có dấu hiệu gia tăng. Điều này được thể hiện ở chỗ các hiện tượng băng giá, tuyết rơi, mưa đá... xuất hiện ngày càng nhiều. Mặc dù số ngày rét đậm, rét hại có xu hướng giảm đi nhưng các đợt rét sâu, kéo dài hơn có vẻ gia tăng.

Nắng nóng cũng ngày càng khắc nghiệt hơn, bão di chuyển rất khó dự báo quỹ đạo, lốc xoáy cũng có vẻ nhiều hơn. Do đó sự bất thường của đợt mưa lớn ở Quảng Ninh có lẽ cũng không nằm ngoài những hiện tượng cực đoan ngày càng khó lường được khả năng xảy ra.

* Vậy người dân, cơ quan phòng chống thiên tai cần làm gì để phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thời tiết gây ra?

- Có rất nhiều việc phải làm đối với cả người dân và chính quyền. Theo tôi, cần phải có thông tin cảnh báo sớm, kịp thời. Điều này đòi hỏi phải nâng cao chất lượng dự báo thời tiết và khí hậu.

Thứ hai là cần nâng cao năng lực, sức chống chịu của cộng đồng. Muốn vậy, người dân nói chung cần phải được trang bị những kiến thức cần thiết để phòng ngừa (chứ không chống được), giảm thiểu thiệt hại.

Họ phải hiểu được hệ lụy của việc phá rừng đầu nguồn, bạt taluy làm nhà bên cạnh núi, ngay sát đường...

Vấn đề quy hoạch phát triển cũng là một trong những mấu chốt để phòng tránh thiên tai, giảm thiểu thiệt hại. Có lẽ sẽ ngạc nhiên khi một nơi gần biển như các thành phố, thị xã, thị trấn ở Quảng Ninh lại bị ngập nước lâu do mưa đến như vậy.

Đây chỉ là câu hỏi trong đầu, nhưng nếu đây là hậu quả do quy hoạch thì không thể đổ lỗi của thiên nhiên.

Mưa hợp quy luật nhưng nhiều đột biến trong phạm vi hẹp

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 3-8, ông Lê Thanh Hải - phó giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia - cho biết đợt mưa lớn xảy ra ở miền Bắc trong những ngày vừa qua diễn biến phù hợp theo quy luật thời tiết hằng năm.

Tuy nhiên, hiện tượng mưa lớn cục bộ xảy ra tại những phạm vi hẹp là điều khá bất thường trong đợt mưa này.

“Thời điểm này hằng năm, các rãnh gió mùa xảy ra và gây mưa lớn khi di chuyển đến từng nơi. Hiện tượng này thường xảy ra vào tháng 7, tháng 8 hằng năm còn gọi là mưa gió mùa.

Tuy nhiên, trong đợt mưa này có một số vấn đề cần phải tìm hiểu như khu vực mưa tập trung rất nhỏ, chủ yếu tập trung khu vực Cửa Ông, Hạ Long, Cô Tô của Quảng Ninh, trong khi khu vực Hòn Dấu, Bạch Long Vỹ ở Hải Phòng mưa không to.

Dù đợt mưa này có mối liên hệ với hệ thống gây mưa tại Ấn Độ, Myanmar... nhưng tâm mưa ở miền Bắc chập chờn, lúc thì Hạ Long, Cẩm Phả lúc lan sang Cửa Ông, Uông Bí, lúc lan xuống phía nam đồng bằng Bắc bộ rồi có lúc lại tập trung ở Điện Biên, Sơn La.

Đợt này mưa xảy ra trên diện rộng nhưng lượng mưa tập trung không phân bố đều, có những điểm xảy ra mưa rất to” - ông Hải cho biết thêm.

Theo ông Hải, Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia sẽ phối hợp với Đại học Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) nghiên cứu, đánh giá đợt mưa này.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày