Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng

Tuổi Trẻ - Tri thức, Theo 11:18 26/11/2013
Chia sẻ

Cơ trưởng chuyến bay phát hiện máy bay không thể bung càng khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, nên đã quyết định hạ cánh bằng bụng.

Ông Lê Trường Giang, người phát ngôn Hãng Hàng không Vietnam Airlines (VNA), cho biết chiều 25/11, máy bay King Air 200 (9 chỗ ngồi) của Công ty Bay dịch vụ hàng không (VASCO), công ty con của VNA, đã phải hạ cánh bằng bụng xuống sân bay Buôn Ma Thuột vì máy bay không thể bung càng.

Lúc 16h15, cơ trưởng chuyến bay phát hiện máy bay không thể bung càng khi chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Buôn Ma Thuột, nên đã quyết định hạ cánh bằng bụng. Nhận được tín hiệu xin phép hạ cánh bằng bụng, đài kiểm soát không lưu, Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột và các đơn vị liên quan triển khai phương án, lực lượng khẩn nguy, đưa xe cứu hỏa ra sát đường băng đảm bảo cho máy bay hạ cánh an toàn.

Theo đại diện VASCO, đây là chuyến bay chuyển trường (làm nhiệm vụ bay hiệu chuẩn), xuất phát từ Đà Lạt, hạ cánh tại Buôn Ma Thuột. Sân bay Buôn Ma Thuột đã phải đóng cửa từ 16h20 đến 19h cùng ngày để các chuyên viên triển khai phương án ứng cứu, đưa máy bay ra khỏi đường băng và xịt rửa vệ sinh đường hạ cất cánh. Nhiều chuyến bay đến Buôn Ma Thuột đang chuẩn bị hạ cánh đã phải quay về TP.HCM và Hà Nội.

Báo cáo kết quả điều tra giai đoạn 1 sự cố máy bay ATR 72 của VNA bị rơi bánh ngày 21/10 vừa được Cục Hàng không gửi Bộ GTVT cho biết tiếp theo sẽ điều tra về chất lượng phụ tùng. Cục Hàng không VN đã chuyển toàn bộ phần càng mũi cùng với trục bánh xe bị gãy còn lại trên trục, phần trục bánh xe bị gãy rời, bánh xe bị văng ra và các mảnh vỡ của vòng bi đã thu thập được tới Cơ quan điều tra và phân tích an toàn của Pháp để phân tích vật liệu nhằm xác định rõ tính hợp quy và chất lượng vật liệu.

Cận cảnh máy bay đáp bằng bụng của Vietnam Airlines

Chiếc máy bay thuộc dòng King Air 200 vừa đáp xuống sân bay Buôn Mê Thuột bằng bụng cùng loại với máy bay của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 1
  Đây là chiếc máy bay mang số hiệu VN-B594 vừa xảy ra sự cố tiếp đất bằng bụng của Vasco. Chiếc máy bay này nằm trong nhóm xuất xưởng năm 1989, và mới được bảo dưỡng lần cuối theo kế hoạch vào ngày 29/8/2013.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 2
Khác với chiếc ATR bị rơi bánh không lâu trước đó, càng trước của loại máy bay King Air chỉ có một bánh duy nhất.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 3
  Chiếc King Air được VASCO sử dụng để cung cấp dịch vụ thuê máy bay trong và ngoài nước theo yêu cầu của khách hàng . Máy bay King Air B200 do Mỹ sản xuất có 9 chỗ, phục vụ khách thương gia trong nước và quốc tế, bay cấp cứu y tế, chụp ảnh, khảo sát, hiệu chuẩn thiết bị dẫn đường hàng không.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 4
 
Giá thuê cho mỗi hành trình bay từ 55 phút đến 190 phút là từ 82 đến 280 triệu đồng, chưa kể VAT và phí chờ qua ngày hoặc đêm từ 7 đến 16 triệu đồng.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 5
Mặt cắt của một chiếc King B200 tiêu chuẩn.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 6
  Theo thông tin trên trang web của Vasco, chiếc King Air mang số hiệu VN-B594 đang cùng với Công ty TNHH Kỹ thuật Quản lý bay (ATTECH) thực hiện đợt 2 của kế hoạch bay hiệu chuẩn, kiểm tra thiết bị thông tin, dẫn đường, giám sát hàng không năm 2013 tại khu vực phía Nam (từ khu vực Cảng hàng không Buôn Ma Thuột trở vào) sau khi thực hiện xong đợt 1 tại miến Bắc và Trung vào tháng 7 vừa qua.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 7
Theo trang web Controller.com, giá cho một chiếc King Air B200 sản xuất năm 1989 khoảng hơn 1 triệu USD.

Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh bằng bụng 8
  Một trong những chiếc King Air nổi tiếng nhất tại Việt Nam là chiếc mang số hiệu VN-B444, thuộc sở hữu của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày