Mại dâm là nhu cầu có thật, không thể cấm tuyệt đối

Tuổi trẻ, Theo 18:17 27/10/2015

"Ai cũng sợ định kiến về tư tưởng đạo đức, luân thường đạo lý, nhạy cảm chính trị nhưng nếu không có một cái nhìn thẳng thắn, cầu thị thì làm sao tìm ra giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề này".

1-6038d
Các cô gái được cho là bán dâm ở Macau bị bắt đến đồn cảnh sát để thẩm vấn - Ảnh: SCMP​

​Phó Chi cục trưởng chi cục phòng chống tệ nạn xã hội TP.HCM Lê Văn Quý nói như vậy về đề xuất của ông trong việc lập khu “nhạy cảm” mới đây tạo làn sóng phản ứng đa chiều.

Khi có đề án sẽ có giải pháp đầy đủ

Trước đề xuất lập khu "nhạy cảm" tạo sự quan tâm của dư luận, trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 27-10, ông Lê Văn Quý cho biết đây mới chỉ là ý tưởng của ông - một người làm quản lý chuyên môn và một số anh em đưa ra chứ chưa phải quan điểm chính thức của TP.HCM.

Ý tưởng ban đầu cũng chỉ là sự đúc rút từ thực tế, nhận thấy những khó khăn, vướng mắc mà đưa ra để “gỡ rối” chứ không phải “vẽ đường cho hươu chạy”.

Tôi cho rằng, thực trạng về vấn nạn mại dâm, hiện nay là không thể cấm tuyệt đối, nó là một nhu cầu có thật. Cho dù có cấm đoán, kiểm soát chặt thế nào cũng không thể khẳng định dẹp được mại dâm.

Nói thẳng ra thì rất khó, ai cũng sợ định kiến về tư tưởng đạo đức, luân thường đạo lý, nhạy cảm chính trị nhưng nếu không có một cái nhìn thẳng thắn, cầu thị thì làm sao tìm ra giải pháp căn cơ để xử lý vấn đề này.

Hầu như ai cũng thấy được những nguy cơ tiềm ẩn từ các dịch vụ kinh doanh nhạy cảm, mại dâm trá hình, nhưng ai cũng coi như không thấy, không biết thì ngày càng nguy hiểm.

Tôi đề xuất là tập trung lại, kiểm tra giám sát cho kỹ, mô hình này nếu được Quốc hội cho phép, chính phủ cho phép thì các vấn đề về pháp lý cũng đồng thời được sửa đổi.

2-7eb4d
Ông Lê Văn Quý: Đề xuất lập khu "nhạy cảm" là gỡ rối chứ không phải "vẽ đường cho hươu chạy" - Ảnh: Tự Trung

Nên làm nhưng cần cân nhắc

Một số chuyên gia luật, tâm lý và người dân cho rằng việc lập khu "nhạy cảm" là nên làm, nhưng làm thế nào, khi nào làm phải có sự tính toán kỹ.

Theo luật sư Hà Hải, đoàn luật sư TP.HCM, vấn đề là cần cân nhắc, dù là việc nên làm, nhưng phải làm như thế nào và khi nào làm.

Mại dâm là một hiện tượng mang tính chất lịch sử lâu đời, nó xuất hiện và lan tràn như một tất yếu của xã hội. Mặc dù bị dư luận lên án, pháp luật ngăn cấm với những chế tài hết sức ngặt nghèo nhưng mại dâm vẫn tồn tại và phát triển.

Ở nước ta, mại dâm là tệ nạn xã hội và là bất hợp pháp, người mua dâm, bán dâm, người môi giới mại dâm và những người có liên quan đến hoạt động mại dâm tùy theo tính chất và mức độ vi phạm có thể bị cảnh cáo, phạt tiền hoặc chịu trách nhiệm hình sự.

Những năm qua mặc dù đã tích cực phòng chống, tuy nhiên tệ nạn mại dâm vẫn phổ biến và rất khó quản lý. Do đó, nếu có thể vì lý do dễ quản lý, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bán dâm về tiền lương, bảo hiểm, sức khỏe, y tế và nhiều vấn đề khác thì việc thành lập “khu dịch vụ nhạy cảm” là nên làm.

Trong tình hình hiện nay theo tôi vẫn chưa phải là thời điểm phù hợp để sửa luật và thành lập “khu dịch vụ nhạy cảm” vì vấn đề mại dâm chưa phải là vấn đề bức xúc nhất của xã hội. Đương nhiên, việc sửa đổi luật để thành lập “khu dịch vụ nhạy cảm” cũng sẽ được giải quyết, nhưng phải trong một tương lai xa.

Trong khi đó, theo PGS. TS Huỳnh Văn Sơn, thì phải xác định tính cần thiết hay không của việc cho phép mại dâm chứ không thể chỉ là vấn đề giải quyết tình huống.

Nếu Quốc hội, Chính phủ có sửa đổi các quy phạm pháp luật, cho phép thành lập khu nhạy cảm tập trung, thậm chí là cho phép mại dâm thì cũng đừng đưa kinh nghiệm nước ngoài hay một mô hình nào vào áp dụng. Chúng ta cũng cần có cái nhìn khác, cách nghĩ khác chứ đừng chỉ nhìn từ góc độ luân lý, đạo đức thuộc về kinh nghiệm cũ để phán xét.

"Cá nhân tôi cho rằng nếu chấp nhận đó là công việc để đáp ứng nhu cầu của một số người thì cần có một quan điểm tích cực. Tôi cho rằng cần có cách thức giải quyết vấn đề đột phá và nên có việc thử nghiệm với một số khu nhất định để tránh sự thiếu cẩn trọng và thiếu kiểm soát" - TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Mại dâm vẫn đang tồn tại

Về quan điểm nên hay không nên tồn tại khu vực nhạy cảm, ông Nguyễn Tuấn Trình (41 tuổi, ngụ đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh) cho rằng ở các nước, vấn đề mại dâm đã được pháp luật cho phép hoạt động, có quy định cụ thể để bảo vệ người hành nghề và người sử dụng dịch vụ. Mại dâm ở Việt Nam hiện nay, không thể nói nó không tồn tại, cấm đoán, bắt bớ cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, bắt xong đâu lại vào đó.

Việc cấm đoán, bắt bớ chỉ khiến những tiêu cực có cơ hội phát sinh, bệnh tật dễ dàng lây lan do không có cơ chế quản lý chặt chẽ và nạn bảo kê, xã hội đen hoạt động mạnh hơn. Chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá lại nhận thức của chính chúng ta và xã hội để tìm ra một giải pháp tốt hơn.

Vấn đề là làm như thế nào, quy định có rõ ràng hay không. Nếu cho phép mà các quy định vẫn mập mờ, theo cơ chế xin cho thì tất cả các giải pháp đưa ra, ban đầu có hay ho tới đâu cũng chỉ khiến tình hình xấu hơn.

Trong khi đó, bà Đặng Thị Nghĩa (69 tuổi, ngụ đường Bình Quới, P.28, Q.Bình Thạnh) cho biết bà ủng hộ cho mại dâm hoạt động theo pháp luật, cứ quy định cho rõ ràng, chặt chẽ là được.

Thực tế mại dâm vẫn tồn tại, không cho thì họ lén lút, hoạt động phải “chạy chọt”, nộp tiền “bảo kê”, bệnh tật lây nhiễm cho cả người bán lẫn người mua.

"Chúng ta phải nhìn vào thực tế, đừng giả tạo với nhau. Cứ quy định cho rõ ràng mọi chuyện, người dân như tôi sẽ ủng hộ" - bà Nghĩa nói.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày