Lo mưa lụt kéo dài, người Hà Nội tranh thủ đi mua thực phẩm tích trữ

Thu Hường - Ảnh: Trí Kiên, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 02/08/2015
Chia sẻ

Từ trưa ngày 1/8, mưa lớn đã đổ xuống Hà Nội, gây ngập úng nhẹ trên nhiều tuyến phố trong khi đó, theo dự báo, toàn miền Bắc vẫn sẽ có mưa đến hết ngày 4/8. Lo sợ cảnh mưa ngập năm 2008 sẽ tái diễn, nhiều người dân Thủ đô lo lắng đi mua lương thực, thực phẩm về phòng bị.

Lo cảnh mưa ngập năm 2008 lặp lại

Từ trưa và chiều ngày 1/8, tại Hà Nội xuất hiện trận mưa kéo dài với cường độ khá lớn trải rộng khắp Thủ đô đã khiến một số tuyến phố bắt đầu rơi vào tình trạng ngập úng. Tổng lượng mưa đến 13h cùng ngày đo được ở Vân Hồ là 35 mm; Xuân Đỉnh 43 mm; Cầu Giấy 29 mm; Long Biên 35 mm; Yên Sở 50 mm...

Một số tuyến phố như: Định Công, Hoàng Mai…bị ngập úng tương đối nghiêm trọng, nước ở đây bị ngập từ 30-50 cm. Nhiều phương tiện di chuyển qua đây bị chết máy, các cửa hàng trên khu phố phải dùng đồ đạc để che chắn ngăn dòng nước chảy vào trong nhà. 

Nhiều người dân trên tuyến phố Định Công cho biết, tại đây thường xuyên xảy ra ngập úng mỗi khi trời mưa lớn, nhưng hiếm khi nào ngập lớn như hôm nay. Mưa lớn cùng với lời cảnh báo mưa lũ, sạt lở đất sẽ có nguy cơ bao trùm toàn miền Bắc khiến nhiều người dân Hà Nội lo sợ trận lụt lịch sử năm 2008 có khả năng sẽ tái diễn.

hn1-60b30

hn-60b30
Mưa lớn lúc trưa nay khiến nhiều tuyến phố tại Hà Nội bị ngập úng.

"Tôi đọc báo thấy các tỉnh trên thượng nguồn như Điện Biên, Lạng Sơn đều đang bị lũ lụt nghiêm trọng. Quảng Ninh gần biển như vậy cũng bị lụt nên tôi rất lo, mai hoặc ngày kia, Hà Nội cũng có thể sẽ bị lụt tương tự", ông Lê Công Thanh (một người dân trên phố Định Công) nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Hạnh (sống tại Lĩnh Nam - Hoàng Mai, Hà Nội) lo sợ: "Hoàng Mai là vùng trũng nên hay xảy ra ngập úng, chỉ mưa có một lúc mà đã ngập rất nặng. Có lẽ các đường thoát nước, sông hồ trong và ngoài TP đều đang bị đầy nước. Nếu mưa còn kéo dài, rất có thể Hà Nội sẽ lại ngập úng như năm 2008".

Sau mưa lớn, lượng khách mua ở chợ tăng gấp 2-3 lần 

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại một số chợ như chợ Hôm, Phùng Khoang, Mai Động…, hiện giá cả các loại rau, củ, quả và thực phẩm tươi sống như thịt, cá… vẫn khá ổn định, chưa có biến động đáng kể. Riêng rau xanh các loại có tăng nhẹ từ 1.000 đến 2.000 đồng/kg. Các loại thực phẩm khô như gạo, muối... vẫn chưa tăng giá.

Tuy nhiên, chiều 1/8, lượng khách tập trung mua tại các khu chợ đầu mối lại tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Nhiều người dân cho biết, họ tranh thủ lúc tan sở chạy ra chợ lớn mua nhiều hàng hóa tích trữ khi giá ổn định để đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt nếu xảy ra ngập lụt.

Anh Trần Văn Kiên, một tiểu thương chuyên bán rau tại chợ Mai Động cho biết: “Khác với mọi hôm, chiều 1/8 tôi bán hết hàng nhanh quá. Lượng khách khá đông. Ban đầu tôi cũng không nghĩ ra lý do, mãi sau mới hiểu ra là họ đi mua để tích trữ sợ mưa to, gió lớn”. Theo lời anh Kiên, nếu lượng khách tiếp tục đông như vậy thì có thể trong khoảng vài ngày tới, giá rau xanh, nhất là các loại để được lâu như bầu, bí, khoai tây cà chua... có thể tăng giá mạnh hơn.

IMG_2461-f0a84

IMG_0074-f0a84
Lo sợ cảnh mưa lũ sẽ tiếp tục tái diễn, nhiều người dân tranh thủ đi mua thực phẩm dự trữ, nhất là rau xanh, loại thực phẩm thường tăng giá đầu tiên mỗi khi có mưa bão.

"Mình rất lo sợ cảnh mua phải mớ rau muống với giá 30.000 đồng như đợt lũ lụt năm nào ở Hà Nội nên bây giờ, hễ có tin mưa gió là mình lo đi mua trước. Nếu không lụt thì để ăn dần vì nhà sẵn tủ lạnh. Nếu lụt thật thì tiết kiệm được không biết bao nhiêu tiền" - chị Hoàng Thị Thái, một khách hàng tại chợ Mai Động nói.

Bên cạnh tâm lý đi chợ mua thực phẩm vì lo lắng mọi thứ tăng giá, nhiều người dân lại cho biết, họ đi mua sớm để tránh lúc mưa gió cũng phải mò ra chợ nhếch nhác, bẩn thỉu.

"Mưa gió nên mình ngại đi lại lắm. Cứ mua về tích ở đấy đã, trời mưa cũng yên tâm có cái để nấu, phục vụ cả gia đình", chị Lê Thị Nga (trú tại đường Bưởi - Hà Nội) chia sẻ.

Nắm bắt tâm lý lo sợ của người dân, nhiều tiểu thương ra sức chèo kéo khách. Họ “dọa” người dân nếu không tích trữ thực phẩm (nhất là rau xanh) sẽ không còn hàng hoặc giá cả tăng mạnh khi mưa lũ. 

Bà Trần Thị Ngọc (Thụy Khuê - Hà Nội) chia sẻ: “Hôm nay đi chợ Bưởi, tôi thấy nhiều tiểu thương cứ nài ép mua hàng rồi kêu là giá rau xanh tăng vì mưa, nếu không mua ngay, sợ là mai, ngày kia còn tăng gấp đôi, gấp ba. Tôi thấy hơi buồn cười vì trời đã mưa mấy đâu, chưa chắc Hà Nội đã lụt lội như năm nào”.

Theo dự báo Trung tâm khí tượng Thủy văn Trung Ương, từ đêm 31/7, mưa lớn ở Quảng Ninh sẽ lan rộng ra cả khu vực Đông Bắc Bộ, sau đó sẽ chuyển dần sang vùng núi phía Tây và lan xuống các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tình trạng này sẽ kéo dài đến ngày 4/8. 

Dự báo từ 01- 04/8, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 3 đến 5 mét, ở hạ lưu từ 2 đến 3 mét. Mực nước sông Thao (tại Yên Bái) đạt mức báo động 1; sông Thương (tại Phủ Lạng Thương): báo động 2; sông Cầu (tại Đáp Cầu) và sông Lục Nam (tại Lục Nam): báo động 1; sông Đà (tại Mường Tè): báo động 2; dòng chảy lớn nhất đến hồ Sơn La đạt mức 8000 m3/s.

Đi kèm với mưa dông mạnh, nguy cơ cao sẽ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc, đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang, Bắc Cạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La. Ngoài ra, có thể xảy ra ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối, ngập lụt đô thị ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định. Cấp độ rủi ro thiên tai được cảnh báo ở cấp 2-3.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày