Thời gian gần đây, chỉ cần bước chân ra đường là thấy ngay những tấm bảng quảng cáo bảo hiểm xe máy (BHXM) với giá rất rẻ, từ 10.000 - 20.000 đồng/2 năm. Nhiều người vì ham rẻ hoặc vì tiện đường đã mua loại bảo hiểm này như một “lá bùa” lận lưng mỗi khi bị CSGT tuýt còi.
Người bán lập lờ
Chị Lan Hương ở quận Bình Tân, TP HCM kể sau một lần bị CSGT thổi phạt vì vượt đèn đỏ và thiếu giấy chứng nhận BHXM, chị tấp ngay vào lề đường để mua BHXM với giá chỉ 20.000 đồng cho 2 năm sử dụng. Không chỉ mua cho mình, chị còn mua 4 phiếu nữa cho người thân trong gia đình nhưng lại không đọc kỹ các điều khoản ghi trên phiếu. Khi về nhà, chị Hương mới biết đây chỉ là bảo hiểm tự nguyện cho người ngồi sau, không liên quan đến loại giấy mà CSGT yêu cầu. Chưa hết, người bán còn đề nghị chị đem phiếu về tự điền các thông tin cần thiết thay vì viết tại chỗ để bên bán lưu vào hồ sơ.
Không riêng gì chị Hương mà rất nhiều người tham gia giao thông khác cũng lầm tưởng phiếu bảo hiểm tự nguyện do người bán trên lề đường đưa ra là sản phẩm BHXM bắt buộc. Đến khi người mua hỏi kỹ, họ mới giới thiệu chi tiết về từng loại bảo hiểm. Kiểu “đánh lận con đen” khiến rất nhiều người mua bảo hiểm tự nguyện nhưng cứ nghĩ đó là BHXM bắt buộc, đến khi bị CSGT thổi phạt thì đã muộn.
Theo quy định, BHXM có 2 phần. Trong đó, phần 1 thuộc trách nhiệm dân sự (bắt buộc phải mua) với giá quy định là 66.000 đồng/năm. Phần trách nhiệm dân sự bắt buộc phải mua để đền bù thiệt hại cho người mà chủ xe gây ra. Phần 2 là bảo hiểm tự nguyện dành cho người thứ 3, tức là người ngồi trên xe, tương tự các loại bảo hiểm khác như: bảo hiểm vật chất xe, cháy nổ… có giá bán 10.000 đồng/năm và chỉ đền bù thiệt hại cho chủ xe và người đi cùng khi xảy ra tai nạn. Pháp luật quy định chủ xe phải mua bảo hiểm bắt buộc rồi mới được mua tiếp bảo hiểm tự nguyện.
Người mua phải đọc kỹ
Việc bán rong BHXM trên đường phố đã được báo chí phản ánh nhiều lần, đồng thời cơ quan chức năng cũng đã lên tiếng nhưng các doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm vẫn một mực phủ nhận đó không phải là chủ trương của họ và đổ hết cho các đại lý cấp dưới. Song, họ lại không có biện pháp nào khắc phục, trong khi các điểm bán mọc lên ngày một nhiều làm cho không ít người đi đường lầm tưởng mà mua nhầm.
Một chuyên gia trong ngành khuyên người mua bảo hiểm phải nghiên cứu kỹ các điều khoản ghi trong giấy chứng nhận. Người bán cũng phải ghi rõ thông tin trên phiếu bảo hiểm lẫn biên lai để người mua đối chiếu với công ty bảo hiểm một khi có tai nạn xảy ra. Nếu người mua tự ý ghi các thông tin trên phiếu, không trùng khớp với nội dung người bán đã ghi trong hồ sơ lưu, khách hàng sẽ là người thiệt thòi đầu tiên vì công ty bảo hiểm sẽ từ chối thực hiện nghĩa vụ. “Tốt nhất người mua bảo hiểm phải đến những điểm bán được ủy quyền trực tiếp của các công ty bảo hiểm để giao dịch và điền đầy đủ thông tin yêu cầu thay vì mua dọc đường vì tiện lợi hoặc để đối phó với CSGT sẽ rất dễ tiền mất tật mang” - chuyên gia này lưu ý.
Phớt lờ quy định
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm ở TP HCM cho biết bảo hiểm ô tô chỉ được bán theo từng năm. Nếu đơn vị bán bảo hiểm cho khách hàng nhiều hơn 1 năm, kể cả tách ra thành nhiều giấy chứng nhận hay ưu đãi mua 1 năm tặng 1 năm đều không đúng.
Tuy nhiên, theo ghi nhận, vẫn có nhiều công ty bảo hiểm phớt lờ quy định và công khai rao bán 2 năm cho khách hàng nhưng đến nay vẫn chưa đơn vị nào bị “thổi còi”.