Chỉ cần sổ hộ khẩu bản chính
Ngày 1.1.2016 tới đây, Luật Căn cước công dân chính thức có hiệu lực. Cũng từ ngày này, 16 tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân (CCCD).
CCCD là loại thẻ sẽ thay thế chứng minh nhân dân (CMND). Tuy nhiên, CMND đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn theo quy định. Khi công dân có yêu cầu sẽ được đổi sang thẻ căn cước công dân.
Mặt trước và mặt sau của thẻ căn cước công dân.
Hà Nội là một trong 16 địa phương sẽ triển khai cấp thẻ CCCD từ ngày 1.1.2016. Thượng tá Nguyễn Danh Quảng, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (PC64 - Công an TP. Hà Nội) cho biết, tính đến ngày 15.12, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ cấp thẻ CCCD của PC64 và công an 30 quận, huyện thị xã của Hà Nội đã hoàn tất và sẵn sàng phục vụ người dân đăng ký làm thẻ CCCD từ ngày 1.1.2016.
Tuy nhiên, thượng tá Quảng cho biết, do năm nay lịch nghỉ Tết dương lịch 2016 kéo dài 3 ngày (từ mùng 1 đến ngày 3.1.2016) nên PC64 và các đơn vị thuộc Công an TP. Hà Nội sẽ bắt đầu nhận hồ sơ làm thẻ CCCD cho người dân từ ngày 4.1.2016.
Thượng tá Quảng cho biết, khi đi đăng ký làm thẻ CCCD, người dân chỉ cần mang theo sổ hộ khẩu bản chính.
“Hiện tại, người dân bắt buộc phải mang theo sổ hộ khẩu bản chính. Tuy nhiên, sau này khi hệ thống dữ liệu quản lý cư dân quốc gia hoàn thiện, người dân có thể sẽ không phải mang theo sổ hộ khẩu nữa”, ông Quảng cho hay.
Miễn phí cho lần đầu tiên
Thượng tá Nguyễn Danh Quảng cho biết, theo Luật Căn cước công dân, công dân đủ 14 tuổi trở lên sẽ được đăng ký làm thẻ CCCD. Mọi công dân khi đăng ký làm thẻ căn cước lần đầu sẽ không phải mất tiền.
“Bộ Tài chính đã ban hành thông tư quy định về mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí thẻ CCCD.
Thượng tá Nguyễn Danh Quảng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH.
Theo đó, công dân sẽ được miễn phí trong các trường hợp sau: Đủ 14 tuổi trở lên làm thủ tục cấp CCCD lần đầu; đổi thẻ CCCD khi đủ 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi; đổi thẻ CCCD khi có sai sót về thông tin trên thẻ CCCD do lỗi của cơ quan quản lý CCCD.
Ngoài ra, những người đã có CMND 9 số, 12 số lần đầu đổi sang CCCD cũng không phải trả phí.
Công dân chỉ trả phí trong trường hợp đổi thẻ mới khi chưa đến hạn đổi, hoặc thay đổi về nội dung trên thẻ. Cụ thể, mức thu lệ phí cấp đổi CCCD là 50 nghìn đồng, cấp lại là 70 nghìn đồng”, thượng tá Quảng nói.
Thượng tá Quảng cho biết thêm, khi đi làm thủ tục cấp thẻ CCCD, người dân mang theo sổ hộ khẩu bản chính sau đó sẽ được cán bộ công an hướng dẫn lấy thông tin, chụp ảnh, lăn tay...
Thượng tá Quảng đánh giá, thẻ CCCD và CMND không có nhiều khác biệt. Chỉ khác nhau ở 3 điểm, đó là tên gọi CMND được thay bằng CCCD; dân tộc được thay bằng quốc tịch; dấu của Bộ Công an được thay bằng Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam.
Một điểm khác nữa là về hạn sử dụng. Trong khi thời hạn này của CMND là 15 năm thì đối với CCCD, sau lần cấp đầu tiên, công dân phải đi đổi vào các năm 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi. Sau 60 tuổi, công dân không cần phải đi đổi CCCD.
Thượng tá Quảng đánh giá, tương lai thẻ CCCD sẽ rất tiện dụng, có thể dùng như hộ chiếu trong trường hợp Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận về điều khoản này.
Theo Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), 14 địa phương đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất, kỹ thuật để cấp CCCD từ ngày 1.1.2016 theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân, cụ thể gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, TP.HCM, Cần Thơ và Tây Ninh.
Bộ Công an đang cố gắng hoàn thiện cơ sở kỹ thuật để tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình cũng cấp CCCD từ đầu 2016.