Kỳ lạ phố có hơn 50 "quốc gia" giữa Sài Gòn

Tiền phong, Theo 23:54 19/10/2012
Chia sẻ

Phường Tân Phong, quận 7, TPHCM là nơi định cư của người dân từ hơn 50 quốc gia thuộc 5 châu lục. Họ sinh sống lâu dài, xây dựng nên những “khu làng” thu nhỏ của họ.

Kỳ lạ phố có hơn 50 "quốc gia" giữa Sài Gòn 1

Một tiệm Spa ở khu phố 3.

Gia đình ba thế hệ

Anh Thái, nhân viên bảo vệ ở khu nhà Hưng Vượng 3, thuộc khu phố 3, phường Tân Phong, nói: “Khu nhà có 300 hộ nhưng người Việt Nam chỉ khoảng 40 hộ thôi”.

Người Việt và Philippines trở thành thiểu số. Chủ yếu dân ở đây là người Hàn Quốc. Họ sống cả gia đình, gồm ba thế hệ ông bà, con, cháu. Người Việt Nam, số ít, làm công chức. Người Phillipines, chừng hơn chục hộ, làm đủ thứ việc. Anh Thái kể: “Có gia đình Philippines vợ dạy tiếng Anh, chồng chạy xe ôm”.

Những người Việt Nam ở khu này nói với tôi: “Người Hàn Quốc đủ loại, kinh doanh cũng có, mở công ty cũng có. Nhưng không ít người cho thuê nhà bên Hàn Quốc rồi lấy tiền đó sang Việt Nam thuê nhà ở cho đỡ chi phí”.

Giá thuê nhà tại khu Hưng Vượng 3 khoảng 400-500 USD/tháng cho căn hộ hơn 70m2. Cái giá khá mềm với người nước ngoài, đặc biệt khi trật tự, an ninh vệ sinh cực tốt, do đội ngũ nhân viên nước sở tại làm việc không kể ngày đêm.Người dân Việt ở đây nhận xét: “Cứ thấy có lốc nhà mới xây là họ tới để thuê, sống ở nhà mới cho sướng. Nhà cũ thì họ để lại cho những người mới sang”.Cán bộ ở tổ dân phố đưa tôi gặp vài cò đất chuyên nghiệp. Đó là một người phụ nữ Hàn Quốc chừng 50 tuổi, giỏi tiếng Việt; một người đàn ông khác thậm chí mở cả văn phòng nhà đất. Ông kết nối với người từ Hàn Quốc qua. “Giá hoa hồng môi giới bằng tiền thuê nhà một tháng, chủ nhà Việt Nam phải trả”.

Bác Đinh Văn Cải trước là trưởng khu phố 3 giờ là trưởng khu phố 4 của phường Tân Phong. Ông thông thạo cả hai khu vực dân cư mình quản lý: “Khu phố 3 của phường Tân Phong có 5.800 nhân khẩu nước ngoài. Người Việt chỉ hơn 3.000 nhân khẩu. Khu phố 4 có 5.100 khẩu nước ngoài. Người Việt Nam cũng chỉ chừng 3.000 người”.

Theo bác Cải, trong số hơn 1 vạn khẩu nước ngoài ở hai khu phố mà bác quản lý thì “80% là người Hàn Quốc”.

Cuộc sống muôn màu

Mới đây họp bầu ban quản lý khu phố, một người châu Âu lấy vợ Việt Nam đã ứng cử xin làm công tác tổ dân phố.

Kết quả mọi người đã không bầu cho ông vì ông … thừa nhiệt tình nhưng lại thiếu tiếng Việt thậm chí cả tiếng Hàn.

“Chẳng nhẽ ông đi xuống tổ dân phố lại phải kèm thêm phiên dịch” - người ta bình luận trong cuộc họp.

Người nhiệt tình như chú rể Tây không phải ít. Một người lao công với mức lương khoảng 2 triệu đồng/tháng nói: “Có người Hàn Quốc tốt bụng, lúc chuyển nhà kêu chị em chúng tôi lên cho tủ cũ, bàn ghế cũ. 10 người nước ngoài thì cũng 8 người tốt”.

Hôm Trung thu vừa rồi có mấy người châu Âu tặng tiền cho anh chị em lao động trong khu, làm quà dành cho trẻ con ở nhà.

Tuy vậy, theo anh Thái, công việc bảo vệ an ninh trật tự khu phố cũng phức tạp. Bác Cải kể, cảnh sát đã phá băng nhóm lừa đảo qua mạng tại khu phố 3, chúng gồm 38 tên người Trung Quốc, thuê ngôi nhà 3 tầng, không ra ngoài, chỉ cho một tên ra mua các loại thực phẩm. Lúc phá án trong nhà vẫn còn trữ mấy tạ gạo.

Một tụ điểm mát xa do chủ người Hàn Quốc tổ chức, khi phá án, tiếp viên vứt cả quần lót xuống đất mà chạy.

Thái nói với tôi: “Khách lừa lái xe taxi, không trả tiền, chui vào khu chung cư và lên phòng ngủ mất dạng. Lái xe taxi đội mưa, đợi nửa tiếng không thấy họ đâu”.

Cảnh sát thường giải quyết những việc như chồng đóng cửa, đánh vợ dã man, phải giải cứu. Ẩu đả vì xích mích thì xảy ra thường nhật.

“Người Việt Nam mình có tính nhẫn nhịn, nếu không cũng rất dễ xảy ra đánh nhau, do nhiều người nước ngoài hay nổi nóng” - mọi người nói với tôi.

Đi vào khu phố 3, khu phố 4, phần lớn biển quảng cáo đều bằng tiếng nước ngoài. Hiếm hoi lắm mới thấy tấm biển chữ Việt mà không phải là song ngữ.

Chúng tôi ghé vào một lớp dạy nhạc bên ngoài đề chữ Hàn. Hai vợ chồng người Hàn đang dạy 5 học sinh. Mỗi em ngồi một phòng riêng, ngăn bằng kính trong. Người giáo viên Hàn gần 60 tuổi nói với tôi: “Chúng tôi ở Việt Nam 4 năm, dạy cho trẻ em Hàn Quốc mỗi ngày vài giờ”.

Bác Cải bảo:“Người nước ngoài tranh giành nhau mặt bằng gửi xe, để hàng, bị phạt hoài. Hôm nọ có hai ông chủ quán người nước ngoài cãi nhau, một ông lấy vợt tennis đánh ông kia, ông bị đánh lập tức vào nhà lấy hai con dao ra đâm con ông kia”.

Khác biệt văn hóa

Một trung tâm Tây y Hàn Quốc, một phòng khám đông y Hàn Quốc, rất nhiều lớp học Hàn mọc lên.

Bác Cải nói với tôi: “Hai khu phố này hoàn toàn không có đình chùa đền miếu nên người Việt muốn thực hiện các nghi thức tôn giáo tín ngưỡng truyền thống thì phải đi đến các nơi khác”. Người Việt trở thành thiểu số nên có những nét văn hóa cũng bị phai nhạt.

Thái nói với tôi, một số người nước ngoài rất hiếm khi giao tiếp với người Việt Nam. Họ ra vẻ không biết tiếng Việt, nhưng “lúc mua bán thì thấy nói ào ào”.

Bác Cải rất nhiều tâm sự: “Tôi đi vận động gây quỹ thì một ông ngoại quốc mở tiệm bán thịt lợn ở khu phố 4 hua dao đuổi, ý nói rằngviệc đó của các ông, không phải của chúng tôi”.

Bác thấy ông đồ tể cầm dao, cũng sợ, không dám vào.


TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày