Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) vừa bị phát hiện nhập salbutamol vượt giấy phép khoảng 200kg - Ảnh: Trần Mạnh
Ông Phạm Tiến Dũng, trưởng phòng thanh tra chuyên ngành thanh tra Bộ NN&PTNT, cho biết từ nguồn tin của người chăn nuôi ở Hoài Đức (Hà Nội), thanh tra bộ và cơ quan công an đã phối hợp kiểm tra và phát hiện một mánh lới mới của các công ty thức ăn chăn nuôi, đó là gửi kèm những gói bột màu trắng và khuyên người chăn nuôi tự trộn vào thức ăn chăn nuôi để heo lớn nhanh hơn, chất lượng thịt ngon hơn.
Khi kiểm tra, phát hiện chất bột trắng này là salbutamol với hàm lượng gấp gần 100 lần so với giới hạn cho phép.
Công ty dược tham gia bán chất cấm
Cũng theo ông Dũng, qua kiểm tra 89 mẫu thức ăn chăn nuôi từ cuối tháng 10 đến nay, cơ quan chức năng phát hiện 23 mẫu dương tính với chất tạo nạc salbutamol, 16/23 mẫu vượt ngưỡng. Quá trình điều tra nguồn cung cấp salbutamol, các cơ quan này đã làm rõ một công ty dược buôn bán 500kg salbutamol sai mục đích, hiện cơ quan công an đang thực hiện điều tra.
Đặc biệt, ngày 6-12, Cục Quản lý dược Bộ Y tế hậu kiểm tại Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) phát hiện công ty này có giấy phép nhập 1.000kg salbutamol nhưng thực tế nhập 1.200kg và đã bán salbutamol cho các công ty không có giấy phép sử dụng chất này.
Trước đó, sau khi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khẳng định tại cuộc họp trực tuyến khởi động Tháng cao điểm phát hiện chất cấm trong thức ăn chăn nuôi và thực phẩm vào cuối tháng 10, đã có 68 tấn clenbuterol (cũng là chất có tác dụng tạo nạc) được nhập khẩu vào VN, Bộ Y tế “phản pháo” rằng chỉ cho nhập 3,5 tấn salbutamol trong cả năm 2015 và không có đơn hàng clenbuterol nào được xét.
Đường đi của chất tạo nạc được hé lộ
Tại buổi làm việc với báo chí để “phản pháo” lại Bộ NN&PTNT, một quan chức ngành y tế cho rằng nguyên liệu làm thuốc cho người rất đắt đỏ, khó có chuyện đem nguyên liệu thuốc cho người sử dụng cho vật nuôi.
Và từ vụ việc tại Công ty Phương Đông, lần đầu tiên đường đi nước bước của chất tạo nạc được hé lộ phần nào. Và theo thông tin của Tuổi Trẻ, Cục Quản lý dược sẽ tiếp tục hậu kiểm một công ty dược ở phía Nam cũng nhập 1.400kg chất này.
Tuy nhiên, hiện còn hơn 10 công ty cùng có giấy phép nhập khẩu salbutamol, liệu những chất này có bị tuồn ra thị trường nhưng chưa được Cục Quản lý dược kiểm tra phát hiện? Ngoài ra, có hay không clenbuterol đã nhập vào VN như con số của ông Phát công bố?
Tại cuộc gặp với báo chí chiều 7-12, thanh tra Bộ NN&PTNT khẳng định trong hai năm 2014-2015, hơn 10 công ty đã được cấp phép nhập hơn 9,1 tấn salbutamol, trong đó một lượng lớn đã tuồn sang sử dụng trong chăn nuôi để tạo nạc.
Trong khi trước đó, Bộ Y tế cho biết chỉ cho nhập 3,5 tấn salbutamol trong năm 2015 và năm 2014 cũng không nhiều hơn con số này.
Siết chặt việc sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi
Ông Trần Văn Quang, chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, cho biết trong hai tháng cuối năm, cơ quan này đã và sẽ kiểm tra 88 trang trại trên địa bàn, đến nay đã phát hiện 4 trang trại có mẫu chứa chất tạo nạc vượt mức cho phép. Kết quả của toàn đợt kiểm tra này sẽ được công bố trong tháng 12 này.
Theo ông Quang, so với những lần vi phạm bị phát hiện trước đó, hàm lượng chất cấm bị phát hiện lần này ở mức thấp hơn nhiều, có thể do các đối tượng vi phạm giảm liều lượng dùng xuống để lách luật. Bởi theo thông tư 55, các chất cấm thuộc nhóm beta-agonist trong chăn nuôi được giới hạn phát hiện thử nhanh phải nhỏ hơn 0,2ppb, nếu kết quả âm tính phải kết thúc quá trình kiểm tra.
“Đó cũng là kẽ hở để các công ty thức ăn chăn nuôi có thể tính toán hàm lượng pha trộn bao nhiêu chất tạo nạc trong 1 tấn thức ăn để không bị cơ quan chức năng phát hiện hoặc phát hiện dưới ngưỡng nên không thể xử phạt” - ông Quang cảnh báo.
Có tin thực phẩm bẩn, hãy báo thongtinvipham@mard.gov.vn
Bộ NN&PTNT vừa quyết định trao phần thưởng trị giá 2 triệu đồng cho ông Nguyễn Quyền Anh (chủ hộ chăn nuôi ở Hoài Đức, Hà Nội), người đã báo thông tin một công ty thức ăn chăn nuôi bán cám kèm gói bột trắng chứa salbutamol hàm lượng cao cho một số trang trại nuôi tập trung trên địa bàn. Sau khi nhận được thông tin, ngày 2-12 bộ này đã kiểm tra và phát hiện vụ việc.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết người dân và các chủ trại, hộ chăn nuôi phát hiện về thực phẩm bẩn có thể gửi về địa chỉ thongtinvipham@mard.gov.vn.