Khoảnh khắc chọn cái chết để nhường áo phao cho phụ nữ

Đất Việt Online, Theo 16:33 05/08/2013
Chia sẻ

"Thấy người phụ nữ đang ngoi ngóp trong nước, anh Hiệp liền cởi chiếc áo phao trên người mình đưa cho chị ấy mặc rồi một cơn sóng ập tới, đánh văng anh Hiệp ra xa...".

"Trong sự đuối sức, cố gắng lắm anh Hiệp mới có thể tự mình bơi tới ca nô nhưng một cơn sóng khác bất ngờ ập tới, lần này cơn sóng cuốn anh Hiệp đi xa mãi mãi...", anh Đặng Hồng Phương - một trong số những người may mắn thoát khỏi cái chết kể lại câu chuyện về người đồng nghiệp của mình.

Nhận cái chết để đem lại sự sống cho người khác

Thông tin sự việc chìm tàu ở biển Cần Giờ - TP. HCM tràn ngập trên các mặt báo trong những ngày vừa qua.

Hàng triệu người dân từng giờ đợi chờ những thông tin tốt lành từ đoàn cứu hộ cứu nạn, cầu nguyện cho 9 người đang mất tích bình yên trước những cơn sóng dữ của biển khơi. Nhưng những thông tin buồn cứ bất ngờ ập đến khi đến 18h ngày 4/8, 7 thi thể của vụ tai nạn đã được tìm thấy, còn 2 nạn nhân nữa chưa biết sống chết thế nào.

Đứng giữa sự sống và cái chết khi chấp chới ở biển Cần Giờ - TP. HCM, các nạn nhân trong vụ chìm tàu vào tối ngày 2/8 đã không khỏi bất ngờ trước hành động nhường áo phao cho một người phụ nữ của anh Trần Hữu Hiệp (25 tuổi), quê Thanh Hóa.

Anh Phương người chứng kiến toàn bộ giây phút đó kể lại: "Sự việc xảy ra trong đêm tối, lênh đênh giữa biển cả mênh mông chỉ có gió, sóng và nước. Tất cả những người có mặt trên tàu đều đã đuối sức bị sóng đánh dạt ra xa. Để giữ được tính mạng lúc đó chỉ còn cứu cánh duy nhất là một phần ít ca nô nổi trên mặt nước, ít người còn lại thì có áo phao mặc trên người".

Khoảnh khắc chọn cái chết để nhường áo phao cho phụ nữ 1
Một số nạn nhân của vụ chìm tàu được tìm thấy vào sáng ngày 4/8.

“Tất cả những người đu bám trên phần ca nô nổi bị đánh dạt ra xa rồi chúng tôi lại bơi vào, nhiều người không còn sức đành buông tay bị sóng nhấn chìm. Lúc đó, chúng tôi nói mọi người hãy bình tĩnh cố gắng giữ phần ca nô còn nổi lên mặt nước. Những người có sức khỏe thì dồn xuống phía đuôi để cho mũi chổng lên cho những người yếu sức đu bám…" - anh Phương kể lại.

"Lúc này, anh Trần Hữu Hiệp trên người mặc áo phao, thấy người phụ nữ đi cùng đang ngoi ngóp trong nước nên anh liền cởi áo phao trên người mình đưa cho người phụ nữ mặc. Tuy nhiên, vừa đưa chiếc áo phao xong thì anh Hiệp bị một con sóng dữ đánh văng. Vừa bơi chưa tới ca nô thì anh lại bị sóng đánh tiếp.

Do uống quá nhiều nước lại đuối sức nên anh Hiệp gục hẳn. Trong tiếng gọi vang vọng kèm theo tiếng khóc thét vì sợ hãi của mọi người trong đêm tối, anh Hiệp trút hơi thở cuối cùng vì kiệt sức trên tay tôi.

Lúc này tôi cố gắng giữ xác anh Hiệp nhưng không được vì những đợt sóng lớn ập tới kéo chúng tôi ra. Tôi cũng hết sức không thể giữ được xác của anh ấy bên mình...”, anh Phương nghẹn ngào nhớ lại.

"Sáng 4/8, tôi nghe thấy tin lực lượng cứu hộ đã tìm được thi thể anh ấy...".

Có người báo tin "giấu giếm"?

Trong khi công tác cứu hộ, tìm kiếm nạn nhân đang diễn ra, người ta cũng không quên tranh luận tìm ra nguyên nhân gây ra hậu quả đau lòng của sự việc.

Hành động chở quá số người quy định của chủ tàu đã rõ ràng, công tác cứu hộ của cơ quan chức năng một lần nữa lại bị đánh giá quá chậm chạp.

Trong khi đó, phía cơ quan chức năng thì cho rằng có người "giấu giếm" nên mới dẫn đến hậu quả đau thương.

Khoảnh khắc chọn cái chết để nhường áo phao cho phụ nữ 2
Người nhà nạn nhân đau đớn trước sự việc xảy ra.

Ông Lê Văn Chiến, GĐ Cảng vụ hàng hải Vũng Tàu cho rằng việc công tác cứu hộ chậm chễ để hậu quả nghiêm trọng như vậy là do người báo tin chậm và “giấu giếm”...

Theo ông Chiến, vụ việc xảy ra vào lúc 19h ngày 2/8, nhưng mãi đến tận 21h cùng ngày cảng vụ mới nhận được tin báo từ Công ty CP bến tàu Du lịch Marina với nội dung có một phương tiện thủy mất khả năng kiểm soát, bị chết máy, cần hỗ trợ.

Sau 3 tiếng 45 phút thì phía lãnh đạo Công ty CP bến tàu Du lịch Marina mới có bản tường trình cụ thể sự việc.

Không những thế, ông Chiến còn cho biết, Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 3 (TP.Vũng Tàu) báo ca nô H.29-BP chìm nhưng chỉ nói có từ 12 – 15 người.

“Nếu báo đúng tình hình và báo sớm thì lực lượng cứu nạn chỉ mất 1,5 – 2 giờ ra đến hiện trường để cứu các nạn nhân và hậu quả sẽ không nghiêm trọng như hiện nay” – ông Chiến cho biết.

Trong khi đó, theo lời kể của anh Nguyễn Văn Cương (một trong 21 nạn nhân được cứu sống), ngay khi tai nạn xảy ra, chính anh Cương đã gọi điện thoại khẩn về cho người của Công ty cổ phần sản xuất ống thép dầu khí VN.

Tuy vậy, phải đến hơn 1h ngày 3/8 (5 tiếng sau vụ tai nạn xảy ra), lực lượng cứu nạn mới có mặt.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày