Mới
đây, vụ một chú chó Pit bull cắn vào cổ một chú chó to, đen tại ngã tư
Bạch Mai và Lê Thanh Nghị, Hà Nội đang gây bức xúc cho nhiều người. Theo một số người chứng kiến vụ việc, thời điểm đó một thanh niên đang dắt
con Pit bull đi qua thì con chó đen chạy ra gầm gừ, thế là
chú ta nhận ngay quả đớp của Pit bull ở cổ sau một hồi giằng co. Mọi
người đứng gần đó phải dội nước vào người con Pit bull, ông chủ quán
phở ra sức lấy gậy để cậy miệng con Pit bull
nhưng chú ta vẫn... kiên trì cắn. Sau một hồi, con chó đen bị cắn ở tai rồi lưng,
mãi mới thoát được.
Hình ảnh chó Pit bull cắn ngấu nghiến một con chó khác đang được lan truyền trên mạng.Dù chú chó đen chỉ bị thương nhưng sự việc trên cũng làm nhiều người đang nuôi giống chó dữ này phải thận trọng khi dắt chó của mình đi dạo ngoài phố. Rất nhiều ý kiến cho rằng người nuôi chó hiện đang thiếu kiến thức về việc huấn luyện giống chó dữ, cũng như không có kỹ năng xử lý khi chó cắn nhau hoặc cắn người. Mặc
dù yêu thích chó mèo và có đam mê nuôi dòng chó chiến đấu, nhưng không
ít chủ nhân cũng tỏ ra lúng túng trong việc giữ an toàn cho mọi người và
cho cả những con vật xung quanh.
Sau khi hình ảnh chú chó Pit bull cắn vào cổ chú chó kia được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều người đặc biệt là những người có sở thích nuôi chó dữ đã thể hiện sự lo ngại và bày tỏ quan điểm về việc giữ an toàn đối với những loại chó này. Bạn có tên G.B chia sẻ: "Nhìn hình ảnh này sợ quá, tại sao chủ nuôi biết giống chó của mình là chó hiếu chiến mà lại không rọ mõm khi dắt đi dạo, nếu không may nó cắn người thì sao, nhất là trẻ nhỏ hiếu động chưa ý thức được sự nguy hiểm với những chú chó thế này".
Một độc giả chỉ cách: "
Xách dây đai cổ chó lên cao hơn mặt đất, chó trong tư thế bị treo cổ ngạt thở, không đến 5 phút nó bắt buộc phải nhả ngay nếu không nó sẽ bị ngạt thở mà chết, chứ không phải chủ kéo như thế, nó sẽ kéo ngược lại được mà hãy cầm đai chỗ cổ, xách cao lên cho chân chó Pit nổi khỏi mặt đất trong tư thế treo cổ, nó nhả ra ngay".
Mọi người cho rằng việc huấn luyện chó, rọ mõm khi dắt những chú chó dữ đi dạo phố là việc làm cần thiết.Việc
sở hữu những loại chó "độc",
một phần vì sở thích, phần khác để thể hiện đẳng cấp của mình. Thế nhưng, bên
cạnh việc làm bạn, giữ nhà cho chủ nhân, loại chó dữ có thể mang lại những nguy hiểm
chết người.
Những vụ chó tấn công người lớn và trẻ nhỏ đáng sợ
Ông
Nguyễn Hùng Phong (60 tuổi, TP. HCM) là một nạn nhân bị thương tích
nghiêm trọng do chó cưng của mình tấn công vào năm ngoái. Ông nhớ lại: “Lúc đó khoảng 7h
tối, tôi mang thức ăn ra cho con Becgie. Khi vừa mở cửa chuồng thì nó lao ra và
đớp đồ ăn trên tay tôi. Quá hoảng hốt, tôi vội vứt đĩa thức ăn thì nó liền nhào
lại cắn xé cánh tay tôi. Tôi đã lớn tuổi, không thể thoát khỏi con Becgie nặng
80kg nên bàn tay bị nó cắn nát. Lúc đó, con trai tôi nghe tiếng kêu cứu nên đã
chạy ra, rất vất vả mới xích nó lại được”.
Ông
Phong cho biết, con Becgie là giống thuần chủng của Đức, ông phải bỏ công ra tận
Hà Nội mới mua được. Hằng ngày, con chó rất hiền, thích chơi đùa với cháu gái của
ông. Nhưng tối hôm đó, không hiểu sao con chó bỗng nhiên dữ tợn một cách bất thường. Ông Phong nhập viện với bàn tay trái đầy vết răng. May mắn khi
trong quá trình nuôi dưỡng, ông đã cho chích ngừa, tiêm phòng đầy đủ nhưng cũng
phải mất 2 tháng cùng hơn 5 triệu đồng tiền thuốc men, bàn tay ông mới lành lại được.
Ông
bảo, nuôi Becgie cực kỳ tốn kém, chế độ dinh dưỡng của nó còn hơn cả người
bình thường. Ông chăm nó còn hơn cả chăm cháu. Thế nhưng sau sự cố đáng tiếc,
ông thấy sợ hãi và đã đem bán cho người khác mặc dù mọi người trong gia đình đều không nỡ.
Những chú chó dữ là mối hiểm họa tiềm tàng với người nuôi, đặc biệt là trẻ em. Bình thường, chúng rất hiền hòa nhưng khi "nổi điên" thì bất chấp tất cả mà lao vào cắn xé. Ngày 26/11/2014, Khoa Răng Hàm Mặt (RHM) bệnh viện Nhi Đồng 1, TP. HCM đã tiếp nhận bé gái 8 tuổi (ngụ tại Tây
Ninh) và bé trai 2 tuổi (ngụ tại quận Tân Phú, TP. HCM) được chuyển đến
trong tình trạng mặt có nhiều vết thương do bị
chó cắn.
Theo người thân của bé
gái 8 tuổi, trưa cùng ngày người nhà cho chó ăn thì bé đi tới gần. Bất
ngờ con chó gầm gừ rồi lao vào tấn công. Sau khi quật bé gái ngã xuống
đất, con chó hung dữ nhằm vào vùng đầu mặt của cháu tấn công như điên dại.
Mặc dù có người lớn can thiệp nhanh nhưng bé gái vẫn bị chó cắn nát vùng
mặt, gần đứt tai phải, mặt và cằm nhiều vết cắn sâu.
Còn
trường hợp của bé 2 tuổi, người nhà cho hay, trước đó, cháu đang chạy
vui đùa thì bị vấp ngã vào bầy chó đang cắn nhau. Ngay lập tức cả bầy
lao vào cắn xé khiến bé bị thương khắp cơ thể, riêng vùng mặt bị nhiều
vết cắn sâu, phải dùng đến 9 cuộn chỉ y khoa và khâu đến 200 mũi ngang
dọc trên khuôn mặt bé, trong đó nghiêm trọng nhất là vết cắn suýt trúng
mắt và 2 vết ở vùng cằm.
Khuôn mặt bé gái 8 tuổi chằng chịt vết khâu - (Ảnh do bác sĩ cung cấp).
Đừng xem thường công tác huấn luyện khi nuôi chó dữ
Bạn Nguyễn Anh Quân (SN 1994), một thành viên trong câu lạc bộ yêu chó Sài Gòn,
cho biết nếu như con gái thích nuôi những giống chó nhỏ nhắn như Pug, Phốc Sóc, Chihuahua thì những
loại chó có ngoại hình to lớn, hung dữ, bản tính hiếu chiến như Ngao, Rot,
Pit bull… là sở thích của các bạn nam.
Quân
còn cho biết thêm, chó là loài động vật hoang dã, được dần thuần hóa để thân
thiện với con người. Thế nhưng, bản tính của chúng vẫn rất hung hăng và khó sai
khiến. Mỗi con chó dữ phải qua quá trình huấn luyện đầy đủ, thuần hóa trước khi
cho gần gũi với chủ nhân. Nhiều người coi nhẹ việc huấn luyện, chỉ chú trọng đẳng
cấp khi nuôi được những con chó lạ mà bất chấp hậu quả, dẫn đến những tai nạn
đáng tiếc.
Pit bull
là một trong những loại chó dữ và nguy hiểm nhất thế giới. Chúng có cấu
tạo bộ khung xương rất vững chắc, hàm răng cực kỳ sắc bén, mỗi khi
chúng cắn thì rất khó để nhả đổi thủ. Nhiệm vụ suốt đời của chúng là
chiến đấu với những con chó khác. Còn theo Khánh (SN 1990), một bạn trẻ có kinh nghiệm lâu năm trong việc nuôi và huấn
luyện chó, trước đây, cậu không hiểu được tầm quan trọng của
việc huấn luyện và gần gũi với những con chó dữ nên đã xảy ra một số sai
lầm đáng tiếc.
Khánh chia sẻ: “Nuôi chó cũng giống như nuôi một em bé
vậy. Chó cũng có tình cảm, yêu, thương, ghét, hận. Lúc đầu, mình có nuôi
một con Pit bull thuộc loại chó dữ. Mình đã nghĩ chỉ cần cho nó ăn no
là đủ nhưng suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm. Một lần mình dắt nó đi dạo thì nó
nổi điên và lao vào tấn công những con chó khác. Mình phải rất vất vả
mới có thể xích nó lại. Nhiều lần nó còn tấn công luôn cả mình”.
Khánh với chú chó Husky 2 tháng tuổi trong tay. Cậu cho rằng, muốn nuôi được một chú chó, phải đối xử với nó như một người bạn thật sự. Theo
nhiều người có kinh nghiệm lâu năm, muốn nuôi một con chó dữ phải đảm bảo yêu cầu
về tính an toàn. Phải tạo môi trường đủ rộng để tâm lý chúng luôn thoải
mái. Khi dắt chúng đi dạo phải rọ mõm, xích thật cẩn thận và luôn canh chừng
chúng, tránh cho chó dữ tiếp xúc với trẻ em.
Ngoài ra, phải có giấy chứng nhận
kiểm dịch từ khi chó còn nhỏ. Trong quá trình nuôi dưỡng, người nuôi phải tiêm
phòng định kỳ cho chó để tránh các loại bệnh dịch. Đặc biệt, phải đảm bảo các
điều kiện về nuôi nhốt và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho chúng.
Chó là một người bạn trung thành của con người. Thế nhưng, mỗi người cũng cần phải đề phòng để tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra.
Qua các trường hợp trẻ nhỏ
bị chó cắn trọng thương, bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu khuyên các bậc phụ huynh
cần hết sức lưu ý bởi chó tuy
là động vật rất gần gũi với đời sống con người, nhưng bản năng hoang dã
khiến chúng có những phản ứng rất quyết liệt khi đang ăn, đang ngủ, đang
nuôi con...
Do chó thường có chiều cao ngang
với tầm mặt trẻ em nên vết thương chó cắn ở trẻ đa số gây tổn thương ở
vùng mặt. Bộ răng chó cấu tạo thích hợp với việc ăn thịt nên vết cắn sẽ
xé rách và gây thiếu hổng nhiều da cơ, khó khăn cho việc phẫu thuật,
khó làm lành vết thương để trở lại vẻ ban đầu.
Hơn
nữa, động tác đi đôi với cắn là cào, móng vuốt của chó rất bẩn nên khả
năng nhiễm trùng cao, đặc biệt là vi khuẩn uốn ván. Do vậy, khi bị chó
cắn, ngoài chích ngừa dại phụ huynh nên chích ngừa thêm cho bé huyết
thanh chống vi khuẩn uốn ván (SAT).
Để tránh
tai nạn do chó cắn, người nuôi chó nên nhốt hoặc xích chó lại, không thả
chạy rông trong nhà hoặc phải đeo mõm cho chó. Đặc biệt cần lưu ý là
phải đưa chó đi chích ngừa dại định kỳ để đảm bảo an toàn cho người xung
quanh. Đối với trẻ nhỏ, do các bé rất hiếu động nên tránh tiếp xúc với
chó trong phạm vi quá gần, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.