“Cần chỗ ở, cứ gọi cho tôi”
Kỳ thi Đại học, Cao đẳng năm 2013 sắp diễn ra. Đối nghịch lại với những kẻ cơ hội tranh thủ chặt chém, lừa gạt những thí sinh và phụ huynh lần đầu đến Thủ đô là rất nhiều tấm lòng thơm thảo, sẵn sàng chia sẻ không gian sống của gia đình, bao ăn, bao ở miễn phí để giúp các gia đình ở xa đưa con lên thi.
Mấy năm trở lại đây, người dân sống gần ngôi nhà số 57A, phố Cửa Đông, phường Hàng Mã (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã quen với hình ảnh mẹ con cô Nguyễn Thị Bích tất bật chuẩn bị “đón khách” mỗi mùa thi đại học. Xuất phát từ ý tưởng của cô con gái đang là sinh viên Học viện Ngoại giao, bắt đầu từ năm 2010, cô Bích bắt đầu cho gia đình các sĩ tử ở xa lên thi đại học đến ở miễn phí.
Cô Bích tâm sự: “Chúng tôi dành cả tầng 4 hơn 40m2 đầy đủ tiện nghi để cho các cháu lên thi ở. Giúp đỡ mọi người cũng là một việc tốt và là cách giáo dục cho các con. Đã cho các bác, các cháu ấy ở nhờ thì phải để họ cảm thấy thoải mái như nhà mình, có thế các cháu mới yên tâm thi cử. Mong cho con mình ra sao, thì tôi cũng mong cho các cháu được như vậy. Các cháu xa quê, nhớ nhà, lại phải lo thi cử nên tôi cũng chỉ biết giúp chút ít cho các cháu có chỗ ăn ở ổn định để an tâm thi cử. Cháu nào có nhu cầu về chỗ có thể gọi cho tôi theo số: 0985.791.961".
Ông Hải đang dọn dẹp căn gác để đón các sĩ tử đến ở cùng.
Rời nhà cô Bích, chúng tôi tìm đến Trung tâm nuôi dạy trẻ em tàn tật (số 25, ngách 48, ngõ Linh Quang, phường Văn Chương, Đống Đa). Khi chúng tôi đến, ông Trần Duyên Hải, Giám đốc trung tâm, đang dọn dẹp lại mấy căn gác để đón các sĩ tử đến ở. Số điện thoại 0912.378.689 của ông đổ chuông liên tục, phía đầu dây bên kia là giọng nói mừng vui của các gia đình liên hệ xin đến ở nhờ.
Ông Hải tươi cười nói: “Ai ở quê lên thành phố cũng lạ lẫm đủ thứ. Cách đây gần chục năm, trên đường đi làm về, tình cờ tôi gặp một nhóm học sinh ở Cầu Diễn (Hà Nội). Thấy mấy em đang ngồi khóc, tôi đến hỏi thăm thì được biết cách em lên thi đại học mà lại bị kẻ gian lừa trộm hết tiền. Từ đó tôi nảy ra ý định giúp đỡ về chỗ ăn ở cho các gia đình mỗi kỳ thi đại học”.
.
Giá thuê phòng ở ngoài vẫn cao ngất ngưởng.
Hiện nay, Trung tâm nuôi dạy trẻ em tàn tật là nơi sinh sống và học nghề của rất nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn từ khắp các vùng miền. Những ngày này, ông sắp xếp lại chỗ ở, sửa lại gác xép để có thêm chỗ ở cho các sĩ tử. Năm 2012, có 30 sĩ tử đến ở tại trung tâm. Năm nay, sau khi sửa sang, trung tâm của ông dự định đảm bảo chỗ ăn ở cho 50 thí sinh. Việc làm ý nghĩa này của ông Hải đã kéo dài hơn 10 năm, mọi người yêu mến gọi ông là “ông lão tốt bụng”.
Thêm nhiều “người nhà” sau mỗi kỳ thi
Vốn là người thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, cô Đào Thị Thanh Lâm (số 61, khu tập thể Cầu 1 thôn Đống 1, Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) sẵn sàng chia sẻ không gian sống của gia đình để giúp đỡ các thí sinh lên Hà Nội thi đại học. Kể từ năm 2008, khi gia đình xây dựng lại nhà, cô Lâm mới có điều kiện tham gia tiếp sức mùa thi. Những ngày đầu chưa đăng ký với Thành đoàn Hà Nội để cung cấp thông tin về chỗ ở miễn phí, cô Lâm bắt xe buýt đến các điểm trường đại học để nhờ sinh viên tình nguyện “quảng cáo” giúp. Mấy năm gần đây, thông qua Thành đoàn Hà Nội, nhiều gia đình đã biết đến và may mắn được cô giúp đỡ.
"Càng nhiều người đến ở nhà càng đông vui", ông Hải cho hay.
Cô Lâm vui vẻ chia sẻ: "Sau mỗi lần thi, tôi có thêm nhiều “người nhà” hơn. Các cháu vẫn thường xuyên đến thăm và trò chuyện. Khi nào còn sức khoẻ và còn có điều kiện thì tôi vẫn sẽ làm việc này. Năm nay hoặc các năm về sau, cháu nào có người nhà lên thi thì cứ gọi cho tôi theo số 0169.992.1780, tôi sẽ sẵn sàng giúp đỡ”.
Gia đình cô Hợi sống tại số nhà 48 đường Chiến Thắng (Hà Đông, Hà Nội) cũng thường xuyên tham gia giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn từ tỉnh xa lên thi. Nhà ít người, chỉ có cô và vợ chồng cô con gái. Một mình nuôi con, sớm thấm thía nỗi vất vả và cực nhọc nên cô luôn tâm niệm phải biết giúp đỡ những người nghèo khó, những người gặp bước cơ nhỡ gian nan. Hàng năm, gia đình cô có khoảng 6 suất ở để giúp đỡ các gia đình đưa con lên thi.
Giữa bao lo toan, vất vả của kỳ thi đầy cam go, mong rằng, sự sẻ chia, giúp đỡ của những tấm lòng thơm thảo trên sẽ góp phần động viên các sĩ tử an tâm vượt vũ môn. Mong rằng những hành động ấy sẽ được nhân rộng trong những năm sau để có thêm nhiều bạn trẻ được giúp đỡ.