Hà Nội đang cạn kiệt quỹ tên đường, tên phố

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 07:00 18/11/2015

Dù ngân hàng tên đường, tên phố đã được xây dựng từ năm 2010 nhưng do nhu cầu mở rộng hạ tầng giao thông, các địa điểm công cộng quá lớn cộng thêm công tác dự báo còn hạn chế khiến quỹ tên đường, tên phố ở Hà Nội hiện đang lâm vào khủng hoảng cạn kiệt.

Gần đây, dư luận đang dấy lên mối quan ngại lớn trước việc Hà Nội đang cạn kiệt quỹ tên đường, tên phố trong khi nhu cầu đặt tên mới đang rất lớn. Nhiều tuyến đường mới xây dựng đang trong giai đoạn hoàn thành cũng như việc mở rộng, phân tách địa giới hai quận Nam - Bắc Từ Liêm đang làm nảy sinh chuyện đường thì đã có nhưng tên gọi thì chưa dám đặt.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Trương Minh Tiến, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội để tìm hiểu về kế hoạch xây dựng ngân hàng tên đường, tên phố trong thời gian sắp tới.

Theo ông Tiến, tên danh nhân nổi tiếng trong lịch sử đang cạn dần, danh nhân ở thời kỳ cận, hiện đại đang phải sưu tầm tiếp. Vì vậy, sắp tới quỹ tên đường, tên phố ở Hà Nội sẽ mở rộng theo hướng vừa đẩy mạnh tên danh nhân, vừa tập trung vào tên các sự kiện lịch sử, tên các địa danh nổi tiếng.

"Về địa danh, có thể sẽ là các địa danh trong cả nước có tính chất phù hợp với những cung đường nhất định ở Thủ đô. Ví dụ một số cái tên giàu ý nghĩa như Hoàng Sa, Trường Sa tới đây có thể cân nhắc đưa vào ngân hàng tên đường, tên phố ở Hà Nội", ông Tiến giải thích.

IMG_20151027_41533-35bd2
Tên danh nhân xứng tầm nằm trong quỹ tên đường, tên phố do TP Hà Nội xây dựng từ năm 2010 hiện đang cạn kiệt.

Ông Tiến phân tích, năm 2010, TP đã có kế hoạch xây dựng ngân hàng tên đường, tên phố nhưng hiện nay, nhu cầu đặt tên rất lớn trong khi đó, các tên cũ đã sử dụng gần cạn. Vì vậy, nhu cầu xây dựng quỹ tên dự trù là vô cùng cần thiết. Lý giải về nguyên nhân xảy ra sự thiếu hụt này, ông Tiến cho rằng phần lớn là do tốc độ xây dựng, quy hoạch đô thị diễn ra nhanh chóng trong khi công tác dự báo còn vấp phải nhiều hạn chế. 

Theo ông, hiện nay quỹ tên vẫn còn khá nhiều các vị danh nhân khác nhưng đó là những người chưa thực sự tiêu biểu và xứng đáng được gắn tên đường, tên phố ở Hà Nội. "Chúng tôi cần cân nhắc kỹ hơn để tránh lặp lại các trường hợp có những tuyến đường mang tên các vị danh nhân mà người Thủ đô lại không biết đó là ai".

"Quy trình đặt tên đường, tên phố vốn khá phức tạp và trải qua nhiều bước. Việc xây dựng ngân hàng tên đường, tên phố bước đầu chỉ đưa ra các ứng cử để thành phố có sự lựa chọn thông minh. Quá trình này diễn ra độc lập chứ không hề liên quan đến vấn đề quy hoạch, kiến trúc đô thị", ông Tiến nói.

Vị Phó giám đốc sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành phố cho rằng, việc nghiên cứu tên đường, tên phố sẽ do Sở đảm trách. Sau khi lập thành danh sách sẽ nhờ các nhà khoa học tư vấn và cho ý kiến bổ sung. Tiếp theo đó, đơn vị này sẽ tiến hành các cuộc hội thảo, tọa đàm để lấy thêm ý kiến của người dân. "Cuối cùng thì Sở sẽ có thể thực hiện thêm công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ công trạng của các vị danh nhân, tránh gây ra những tranh cãi gay gắt như lần đặt tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông", ông Tiến nhấn mạnh.


Theo ông Tiến, việc xây dựng tên đường phố theo tên các danh nhân quốc tế hay sản vật nội đô vẫn chưa được tính đến một cách chính thức. Trong khi đó, công tác quy hoạch tên đường, phố theo quy luật từng cụm cũng đang vấp phải nhiều khó khăn.

Trước những ý kiến cho rằng Hà Nội nên có những tên phố đặt theo tên các danh nhân tầm cỡ quốc tế hoặc tên các sản vật nổi tiếng kinh kỳ như Cốm Vòng, Sen Hồ Tây..., ông Tiến khẳng định, hiện tại, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch làm điều đó. "Những cái tên dạng đó trong Nghị định Chính phủ chưa cho phép nên chưa làm được. Nếu muốn làm thì cần có sự bổ sung các văn bản pháp quy".

Trả lời xung quanh việc xây dựng ngân hàng tên đường, tên phố chú trọng vào quy luật tuân thủ theo từng cụm, mỗi cụm ứng với một thời kỳ, giai đoạn lịch sử nhất định, ông Tiến cho rằng đây là một yêu cầu quá khó mà Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội hiện chưa đáp ứng được. "Nếu làm được như vậy thì quá lý tưởng nhưng thực sự là rất khó. Trừ khi chúng ta thay mới lại toàn bộ các tên đường đã có hoặc nếu không sẽ phải trông chờ vào công tác quy hoạch những quận mới hình thành ngay từ lúc mới xây dựng hạ tầng, may ra thì việc tuân thủ quy luật nêu trên mới có thể áp dụng được".
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày