Là người ở miền Nam, nhân dịp ra Hà Nội chơi, anh Vũ đưa bạn gái tới ăn ở một hàng cơm nổi tiếng trên phố LV... Bữa cơm rất ngon, vừa miệng, phong cách phục vụ cũng nhẹ nhàng. Mọi chuyện không có gì đáng nói nếu anh Vũ không rơi vào cảnh “mắt chữ A, mồm chữ O” khi nhìn tờ hóa đơn ghi giá trà đá là 10.000 đồng, còn trà đá thêm 1 ít đường vọt hẳn thành 15.000 đồng. Hai cốc trà đá của anh Vũ và bạn gái gần bằng tiền hai niêu cơm ở đây.
Không tiếc tiền trả hóa đơn nhưng anh Vũ không khỏi bức xúc vì nghĩ tới 25.000 đồng cho 2 ly trà đá ở hàng cơm này:
“Trong Sài Gòn, khách uống trà đá miễn phí, cứ hết là phục vụ lại rót tới khi nào no bụng thì thôi. Ra ngoài này tôi biết trà đá phải trả tiền, nhưng không nghĩ rằng giá cả đã đội lên một cách khó hiểu như thế! Cốc trà đá đường của tôi chỉ là trà đá thường, thêm 1 nhúm đường vào thôi mà?”. Mất tới 5 phút xem xét, anh Vũ vẫn không tìm ra điểm khác biệt nổi bật giữa cốc trà đá ở nhà hàng này và trà đá mà anh vẫn uống hàng ngày trong miền Nam.
2 ly trà đá có giá 25.000 đồng khiến anh Vũ không khỏi giật mình Thử tưởng tượng, cửa hàng này một ngày bán được 200 - 300 cốc trà đá, đã thu về 3 - 4 triệu đồng chỉ riêng tiền trà. Trong khi trà ngon ngoài hàng bây giờ khoảng 150.000 đồng/cân, chưa kể các hàng còn sử dụng trà vụn chỉ mấy chục nghìn đồng 1 cân, hoặc lá trà xanh 10 - 20.000 đồng thì dùng cả ngày chưa hết. Nói chung, bán trà đá với cái giá 10 - 15.000 đồng/cốc kiểu này, lãi thật “khó để đâu cho hết”.
Thật buồn cười là trà đá, món đồ uống bình dân nhất của những thức uống bán ngoài vỉa hè, bây giờ lại sở hữu giá cả trên trời khi vào tới quán ăn, nhà hàng. Hàng nào cũng nhận mình bán những cốc trà xịn, từ trà Thái Nguyên tới trà sen, trà Nhật… thơm nức, thế nhưng chỉ có chủ hàng mới biết “trà xịn” của họ thực chất là gì, còn với khách, ít ai quan tâm mình đang uống loại trà xịn tới mức nào. Khách chỉ ngã ngửa khi nhìn hóa đơn và biết giá của những cốc trà đá không hề “tầm thường”.
Chị Thu Trang vẫn chưa quên câu chuyện từng bị "chém" tới 20.000 đồng/cốc trà đá ở một hàng ăn trên phố Triệu Việt Vương. Hàng ăn này có không gian bình thường, không sang trọng lắm nhưng các món được đánh giá là dễ ăn, chế biến hợp khẩu vị người Hà Nội. Chỉ có điều, khi thanh toán, chị Trang giật mình thấy ghi 4 cốc trà đá có giá… 80.000 đồng. Gần 100.000 đồng cho 4 cốc nước trà nhạt thếch, mà hầu hết là nước đá chảy ra. Trong khi với số tiền đó là đã có một đĩa thịt xá xíu thơm ngon cũng ở chính nhà hàng này. Chị hỏi nhân viên
"Sao trà đá nhà em đắt thế, 20.000 đồng 1 cốc quá bằng cốc chanh leo à?”, thì cô nhân viên nhẹ nhàng lý giải kèm quảng cáo
“Chị ơi, trà nhà em là trà sen của Nhật. Uống rất thanh và không bị chát ạ”. Trong khi đó, chị Trang khẳng định vị trà này chẳng khác gì trà xanh, nước thì nhạt nhẽo bởi ít trà, nhiều đá.
Thực khách ở Hà Nội đã quen với những bát phở 100 - 150.000 đồng nổi tiếng. Có người bảo
“Tôi có tiền thì tôi ăn phở đắt, đắt nhưng ngon là được”, có người lại bảo
“Chẳng bao giờ bước chân vào lần nữa”. Tranh cãi xung quanh những bát phở này vẫn còn dài dài, nhưng thực sự với nhiều người, kể cả hào phóng bao nhiêu cũng khó mà chấp nhận nổi những cốc trà đá có giá lên tới cả chục nghìn đồng như ở trên. Bởi vì đơn giản, đó chỉ là cốc trà mà đá đã chiếm tới 1/3 cốc.
Cũng có nhiều thực khách tỏ ra quen với giá trà đá “vọt xà”, họ cho rằng giá đồ ăn uống ở Thủ đô vốn đắt đỏ hơn tất cả các vùng khác, thế thì cốc trà đá bình thường đương nhiên cũng phải cao hơn. Nguyên Hà, nhân viên một công ty truyền thông cho biết:
“Mình đi ăn hàng, 50.000 đồng/bát phở, thêm 10.000 đồng/cốc trà đá là bình thường. Hầu như bây giờ toàn 7 - 10.000 đồng ở những hàng phở, hàng bún trên Phố Cổ. Còn trong nhà hàng thì giá đắt hơn là cái chắc. Sống ở Thủ đô nên phải chấp nhận thôi, muốn ăn hàng thì phải chăm chỉ cày tiền. Còn muốn rẻ thì về nhà ăn, tự pha trà uống!”.