Hà Nội: Cây xanh ở các tuyến đường nào bị chặt hạ, thay thế đầu tiên?

Infonet, Theo 09:07 20/03/2015

Sẽ có 6 tuyến phố ở Hà Nội thí điểm thay thế cây xanh hai bên đường: Tràng Thi – Điện Biên Phủ, Phố Huế – Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Thái Hà – Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh.


6 tuyến phố đầu tiên sẽ được thực hiện thí điểm chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội (Ảnh: 24h)

Cây xanh ở Hà Nội được trồng trên 500 tuyến phố với hơn 100 loài. Số lượng cây trồng khoảng 50.000 cây, chủ yếu là xà cừ 5.000 cây, muồng 5.500 cây, bằng lăng 5.500 cây, phượng 3.800 cây, Sữa 3.800 cây... Các loài cây trên được coi là “cây xanh truyền thống” của Hà Nội.

Tại khu phố cổ, cây xanh đô thị trồng trên các tuyến Hàng Ngang, Hàng Đào, Lãn Ông, Hàng Buồm... Nhược điểm được chỉ ra khi trồng cây xanh tại đây là các khu phố này chủ yếu là kinh doanh bán hàng do vậy không trồng được những cây có đường kính thân và tán lớn, chủ yếu là các loại cây bàng, đa, si, dâu da, trứng cá... Tuy nhiên đây được xem là những loại cây có sâu, dễ gây ô nhiễm do có quả rụng, cây dễ bị đổ gẫy khi gặp mưa bão.

Ở các khu phố cũ, cây xanh đường phố được hình thành từ thời Pháp thuộc, được thiết kế đi kèm các đường phố dài, rộng, chủ yếu trồng các loài cây như: cây sấu, cây thàn mát ở phố Phan Đình Phùng, cây xà cừ ở phố Hoàng Diệu, cây sao đen ở phố Lò Đúc, cây sữa ở phố Nguyễn Du và phố Quang Trung, cây cơm nguội ở phố Phan Chu Trinh...  Hệ thống cây xanh này đã bị mục thân, gốc, bị chặt rễ, bị xâm hại...

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, khảo sát trên 190 tuyến phố của 10 quận có khoảng 29.638 cây xanh đường phố, trong đó còn nhiều loài cây không thuộc chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng) như dâu da, vông, dướng, trứng cá, bông gòn... Một số cây đô thị trong quá trình sinh trưởng phát triển bị các tác động khách quan làm cho cây cong, xấu, nghiêng gây cản trở giao thông, không đảm bảo cảnh quan đô thị...

Cụ thể, số lượng cây không đúng chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng) cần thay thế là 4.500 cây, số lượng cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cây cong xấu, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cần thay thế 2.200 cây trên 190 tuyến phố.

Trên cơ sở đó, Sở Xây dựng đã lên phương án thực hiện cải tạo, thay thế theo loài cây chủ đạo trên địa bàn 10 quận giai đoạn 2014-2015 gồm: quận Ba Đình với 46 tuyến phố, quận Hoàn Kiếm với 60 tuyến phố, quận Hai Bà Trưng với 25 tuyến phố, quận Đống Đa với 16 tuyến phố, quận Tây Hồ với 7 tuyến phố, quận Thanh Xuân với 5 tuyến phố, quận Cầu Giấy với 16 tuyến phố, quận Long Biên với 9 tuyến phố, quận Hoàng Mai với 6 tuyến, quận Hà Đông với 6 tuyến phố. Tổng số cây được chặt hạ, trồng thay thế là 6.700 cây với kinh phí hơn 60 tỷ đồng và được thực hiện trong 3 năm.

Theo kế hoạch trong năm 2015 này Hà Nội sẽ chặt hạ, thay thế 3.200 cây các loại. Trong đó hai quận Thanh Xuân và Cầu Giấy sẽ chặt hạ với số lượng nhiều nhất với hơn 800 cây ở mỗi quận. Đặc biệt, sẽ có 6 trục đường, tuyến phố thực hiện thí điểm cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường: Tràng Thi – Điện Biên Phủ, Phố Huế  – Hàng Bài – Đinh Tiên Hoàng, Ngô Quyền, Phan Chu Trinh, Thái Hà – Chùa Bộc, Nguyễn Chí Thanh.

Riêng tuyến đường đẹp nhất thủ đô – đường Nguyễn Chí Thanh hiện có 381 cây bóng mát thuộc 15 loài, chủ yếu là cây sữa (228 cây), keo (81 cây). Một số cây được đánh giá là không thuộc loại cây đô thị như bàng, roi, sung, xoài... Các loại cây này được Sở Xây dựng thay thế toàn bộ bằng 381 cây vàng tâm – một loại cây được xem là rất quý và khó trồng.

Mặc dù dư luận và báo chí lên tiếng phản ứng rất gay gắt, song công tác chặt hạ cây xanh trên tuyến phố Nguyễn Chí Thanh vẫn đang được diễn ra trong những ngày qua. Trước đó Hà Nội cũng thí điểm chặt hạ hàng trăm cây xanh trên tuyến Phố Huế - Hàng Bài.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày