Ở dãy chợ đầu mối Long Biên (ngay chân cầu Long Biên, thuộc khu dân cư số 2, phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội) nhiều năm nay, không ai không biết đến vợ chồng ông Dương Đức Hùng (70 tuổi) và bà Phạm Thị Bích (58 tuổi).
Túp lều cũ nát ông bà thuê với giá 600 nghìn đồng/tháng được nhiều người mệnh danh là “đệ nhất” xập xệ ở khu chợ Long Biên này. Mỗi khi mưa thì đồ đạc trong nhà đều ướt sũng, ngày nắng thì oi bức, ngột ngạt.
Dù túp lều dột nát, chật chội nhưng ông bà vẫn không ngại cưu mang hàng chục con chó. Ngồi trong căn nhà chỉ cao hơn 1 mét, vừa vuốt ve chú chó nhỏ, ông Hùng kể về cuộc sống của hai vợ chồng. Vốn là người quê ở huyện Khoái Châu, Hưng Yên nhưng vì cuộc sống ở quê khó khăn nên vợ chồng ông ra Hà Nội sinh sống. Họ chọn địa điểm mưu sinh quanh khu chợ Long Biên và một số chợ trên địa bàn Hà Nội, với nghề nhặt rác, phế thải. Không con cái, hai ông bà chỉ biết dựa vào nhau sống qua ngày.
“Lấy nhau gần 40 năm, hai vợ chồng tôi tuy nghèo khó nhưng luôn chăm lo cho nhau. Cả hai mong muốn có được mụn con cho vui cửa vui nhà nhưng năm tháng cứ trôi mà ước muốn vẫn không thành. Cuộc sống ở quê đói khổ nên hai vợ chồng kéo nhau lên Hà Nội sinh sống ở góc chợ này và làm bạn với những con chó cho đến tận bây giờ”, ông Hùng kể lại.
Túp lều nhỏ chưa đầy 10m2 được chia làm 2 phần, 1/3 diện tích được dùng để đựng phế liệu ông bà đi nhặt về, một lối đi nhỏ là nơi sinh hoạt chung, ăn uống, ngủ nghỉ của ông bà cùng gần 20 con chó.
Tiếp chúng tôi, ông Hùng rất xởi lởi, còn bà Vân lại tỏ ra ái ngại về tình cảnh của gia đình mình. Thuyết phục mãi, bà mới đồng ý cho chúng tôi chụp một kiểu ảnh nhưng góc chụp cũng rất "khiêm tốn".“Vợ chồng tôi không con cái, chỉ biết nuôi lũ chó làm bạn. Nhiều khi thấy gia đình hàng xóm sum vầy bên mâm cơm tối, vợ chồng tôi mong được thế lắm, nhưng số trời không cho cũng đành chịu” - bà Bích nói với giọng trầm buồn.
Theo ông Hùng, cơ duyên nuôi chó của ông bà bắt nguồn từ lần nhặt được một con chó bị bỏ rơi cách đây hơn 10 năm. "Hồi đó, đang đi làm, thấy con chó bị người ta bỏ rơi, tôi liền xin về nuôi. Chăm sóc một thời gian khá dài, nó mới khỏe mạnh rồi lớn nhanh. Vợ chồng tôi có gì thì cho chúng ăn nấy nên cứ thế hơn 10 năm nay, đàn chó sinh sôi. Nhiều khi có chúng bầu bạn, hai vợ chồng cũng thấy vui. Nhiều người hỏi xin, có người hỏi mua nhưng chúng tôi nhất định không cho cũng không bán”, ông Hùng quả quyết.
Mỗi lần bước vào túp lều của ông bà, cảm giác khó thở, ngột ngạt vì mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc.
Cạnh chiếc giường mà ông bà nằm ngủ là không gian nô đùa duy nhất của đàn chó. Ông Hùng cho biết, không chỉ chó mà có thời gian, nhiều chú mèo hoang cũng tự chui vào túp lều của ông bà rồi ở mãi không đi, ông bà thương nên giữ lại nuôi. Thế nhưng, dần dần, lũ mèo bị bắt trộm hết, hiện tại, chỉ còn 1 con mèo sống cùng 18 con chó. Tuy nhiên, trong túp lều dột nát này, thật khó để nhìn thấy hết đàn chó của ông bà. 2 con chó mẹ và mỗi đàn 6 con chó con chui hết xuống gầm giường, chỉ có 3 con chó nhỡ và 1 chú chó to là khá dễ dàng tiếp cận.
Bế trên tay chú chó con vừa mở mắt, ông Hùng nói vui: "Nhà nghèo, ăn còn chẳng đủ mà không hiểu sao bầy chó lại có thể đẻ nhiều như vậy".
Cứ như thế, hiện giờ đàn chó, mèo của ông bà, mỗi ngày ăn hết hơn 1,5kg gạo và khoảng 10.000 đồng để mua thức ăn cho chúng.
Ông Hùng thật thà kể: “Vợ chồng tôi cứ chiều lại là đi nhặt phế liệu đến gần sáng mới về. Mỗi bữa cũng kiếm được 30.000 – 40.000 đồng, đủ trang trải cho cuộc sống, hôm nào mưa gió thì nghỉ làm nhưng từ trước đến nay, không lúc nào để chúng chịu đói”.
“Nuôi lâu rồi nên nhiều người hỏi mua nhưng vợ chồng tôi không bán, mà bán đi cũng tội lắm, người ta mua về làm thịt chứ có nuôi gì đâu, có chúng lại vui hơn. Giờ vợ chồng tôi già rồi, không còn sống được bao lâu nữa nên nuôi được đến chừng nào hay chừng đó”, ông Hùng cho biết thêm.