Hàng ngày, họ phải bơm nước ao tù trước đình Ngọc Than về bể lọc thủ công để phục vụ các nhu cầu sinh hoạt bình thường. Để bơm được thứ nước ao tù về nhà, mỗi hộ gia đình phải đầu tư không ít tiền bạc và công sức thay vì được sử dụng thứ nước sạch như ở nội thành.
Dọc bờ ao quanh làng, hệ thống ụ nổi, máy bơm và ống dẫn nước chằng chịt như mạng nhện. Bờ tường bao, cột điện và cây cối là những tụ điểm của hệ thống dây điện và ống dẫn nước về nhà dân.
Chị Vũ Ngọc Quỳnh (43 tuổi), người dân tại địa phương bức xúc: “Toàn bộ người dân làng Ngọc Than chúng tôi phải dùng nước ao tù sinh hoạt suốt nhiều năm nay. Dù nắng nóng hay hạn hán đều phải dùng thứ nước này mà đâu được thoải mái hay tiết kiệm gì. Mỗi hộ phải bỏ ra tiền triệu để góp xây giếng dưới ao để xí chỗ đặt máy bơm và phải đầu tư hệ thống ống dẫn nước, dây điện, kèm theo là bể lọc, bể đựng nước mưa...”.
Theo lời chị Quỳnh, bể nước mưa hộ nào cũng phải xây. Đây là nguồn nước sạch từ trên trời xuống, không phải mua và dự trữ vào mùa khô. Vì thế hộ nào cũng đầu tư xây bể lớn dung tích hàng chục khối để trữ nước nấu ăn. Còn sinh hoạt như tắm giặt, vệ sinh và làm các việc khác thì phải căng dây, lắp máy bơm từ ao về.
Nước từ ao về lọc qua 3 lần. Lần đầu từ giếng ngoài ao. Giếng được xây gần bờ, thiết kế nhiều lỗ nhỏ để nước từ ao vào nhưng hạn chế rác, cặn và bùn. Khi bơm về phải qua bể lọc thủ công bằng cát và than củi.
Nhà nào có điều kiện sẽ lắp thêm một bộ máy lọc nước nữa mới có thể dùng làm nước ăn. Theo giá thị trường, bộ máy lọc nước ô-zôn hay lọc nước điện phân giá khá đắt, không phải hộ nào cũng có điều kiện để mua. Trong khi phải bỏ số tiền lớn để đầu tư thiết bị nhưng hàng trăm hộ dân vẫn khổ sở vì phải dùng thứ nước ao tù không đảm bảo vệ sinh.
Ông Hồ Văn Nam (56 tuổi) chia sẻ: “Bể nước làm thủ công, phía dưới chỉ có cát và than củi chỉ lọc dược cặn, động thực vật phù du và những thứ nhìn bằng mắt thường. Còn tạp chất như chì, sắt hay chất hóa học không thể lọc nổi. Ai cũng bất an nhưng không còn cách nào khác. Dân nghèo chúng tôi không có điều kiện mua bình lọc ô-zôn để phục vụ ăn uống hàng ngày. Chính vì thế mà từ ngày đó, xuất hiện nhiều dịch bệnh, nhất là các bệnh về da, đối tượng chủ yếu là các cháu nhỏ vì da mỏng và dễ dị ứng với nước bẩn".
Anh Nguyễn Bá Hưng, trưởng thôn Ngọc Than cho biết, sở dĩ người dân phải dùng nước ao là vì ở đây nguồn nước rất khan hiếm, có khi đào khoan cả vài chục mét, nước cũng không dùng được, nhiều đường ống nước còn bị tắc. Cả thôn có gần 1.000 hộ dân, khoảng gần 5.000 nhân khẩu. Bình quân mỗi hộ đều có 4-5 người, nhu cầu nước sinh hoạt rất lớn. Hiện nay, cả thôn chỉ có 2 hộ gia đình được sử dụng nước lọc qua thiết bị lọc nước do một công ty về năng lượng và môi trường hỗ trợ. Tuy nhiên, còn hàng trăm hộ khác vẫn hàng ngày vẫn phải bơm, gánh nước về sử dụng, rủi ro về sức khỏe rất lớn.
Từ đầu làng Ngọc Than đã thấy hệ thống dây dẫn nước từ ao qua khắp ngõ ngách tới hộ dân. Dây dẫn nước được mắc vô tội vạ dọc các cột điện.
Ống dẫn nước lắp từ các ụ giếng do các hộ dân tự góp tiền xây. Xung quanh vẫn có rất nhiều chất thải, rác bẩn vây quanh.Một góc có liền nhiều ụ giếng.Máy bơm được đặt ở trên bờ xây kín và khóa cẩn thận.
Một số ụ giếng đang trong quá trinh xây dựng chưa kịp lắp máy và dây dẫn nước. Do lượng ụ giếng quá nhiều, các hộ lắp sau phải xây khá xa ra ngoài ao mới có chỗ đặt giếng.Công trình tài trợ của một công ty với slogan “Nước sạch là cuộc sống – hãy chung tay bảo vệ nguồn nước” nhưng lại bỏ trống không hoạt động khiến người dân mất niềm tin.
Hệ thống máy bơm được khóa cẩn thận trên bờ chống trộm.Trẻ em tắm hàng ngày trước các ụ giếng bơm nước vào những ngày nắng nóng.
Và cảnh giặt giũ, rửa thức ăn ngay thềm đình làng diễn ra rất tấp nập khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng. Chẳng biết bao giờ, người dân nơi đây mới có được nguồn nước sạch sinh hoạt, để bệnh tật từ nguồn nước không còn là nỗi lo của họ?