Nằm trong 1 con ngõ nhỏ trên đường Hồ Tùng Mậu (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), bên hông trường Đại học Thương Mại, không mái che, không bảng hiệu, chỉ có vài chiếc thúng đựng nguyên liệu với 5 chiếc chảo to đùng dùng để rán đậu, vài bộ bàn ghế nhựa, thế nhưng quán bún đậu của vợ chồng anh Trần Mạnh Thường mỗi ngày đón tới 500 - 700 lượt khách, doanh thu dao động trong khoảng 2 - 4 triệu đồng/ ngày.
Vẻ hài lòng xen lẫn tự hào hiện rõ trên nét mặt anh chủ quán khi chúng tôi hỏi về chặng đường khởi nghiệp kinh doanh. Anh Thường cho biết, quán bún đậu vỉa hè cho lợi nhuận không hề nhỏ này đúng là 1 cái duyên, mà cũng có thể gọi là cơ may trời ban cho vợ chồng anh. 4 năm trước, hai vợ chồng anh nông dân Trần Văn Thường rời quê lên Hà Nội lập nghiệp. Vốn ít, hai vợ chồng xác định chọn con đường kinh doanh đồ ăn vặt vỉa hè.
Ban đầu, vợ chồng anh bán hàng tại khu vực chợ Nghĩa Tân - Cầu Giấy nhưng do thiếu kinh nghiệm buôn bán, đồ ăn không đặc sắc nên khó cạnh tranh được với hàng quán xung quanh, vợ chồng anh sớm lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan vì lời lãi chẳng được bao nhiêu. Nhưng rồi 1 ngày mưa to gió lớn, có đôi vợ chồng già vào quán trú mưa. Thấy hàng vắng khách, bà cụ lân la nói chuyện rồi gợi ý anh chị bán bún đậu mắm tôm. Bà cụ nhận chỉ giúp mối hàng lấy bún, đậu và các gia vị cần thiết nhưng riêng bí quyết pha chế mắm tôm thì cụ sẽ không tiết lộ mà hàng ngày, anh Thường phải đến nhà bà để lấy mắm tôm pha sẵn. Sau một đêm suy tính, hai vợ chồng anh quyết định chuyển địa điểm tới ngõ 100 đường Hồ Tùng Mậu để bắt đầu lại từ đầu với món bún đậu mắm tôm.
Bắt đầu từ 16h chiều, anh chị cùng 8 nhân công phải hoạt động luôn tay để cung ứng đủ bún đậu cho hàng trăm thực khách.Xác định tích tiểu thành đại, mỗi suất bún bán ra, gia đình anh Thành chỉ lấy lãi 2.000 đồng, hướng đến nhóm khách hàng đặc thù là sinh viên các trường đại học – cao đẳng quanh đó, giá cả cũng rất "sinh viên": 10.000 đồng/suất bao gồm những thức truyền thống là bún, đậu rán và rau thơm. Dần dần, việc làm ăn của quán bắt đầu khá lên. Có những thời điểm thuận lợi, anh chị bán ra hơn 1.000 suất bún/ ngày, phải thuê thêm 8 nhân công cùng căng sức mới kịp phục vụ.
Theo bạn Nguyễn Hương - sinh viên trường Cao đẳng múa Việt Nam, mức giá trên là hợp lý với túi tiền sinh viên, 1 suất bún đậu đủ no để thay bữa tối. Còn theo Hùng – Sinh viên Đại học Thương mại, lợi thế lớn nhất của quán là địa điểm ngay cạnh trường, rất thuận tiện để các bạn sinh viên “có thực mới vực được đạo” hoặc tụ tập nhóm bạn vừa ăn vừa tán gẫu sau những giờ học căng thẳng.
Đối tượng khách hàng của quán chủ yếu là sinh viên. Anh Thành bật mí, chỉ khi khách gọi mới bắt đầu rán đậu. Vì vậy, đậu của quán anh rất giòn, không bị rỗng ruột.
Công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió nhưng không phải không có những bài học nhớ đời. Có lần vì quá đông khách, mới 7h tối đã hết nguyên liệu, vợ chồng anh ham lợi nhuận nên đã chạy đi mua bún và đậu ở một quán gần đó mang về bán lại. Thế nhưng, khi vừa mang bún ra, nhiều thực khách quen ăn thấy khác biệt và làm ầm lên, cho rằng quán đã bị chuyển nhượng cho người khác nên chất lượng đi xuống rồi bỏ về. Chỉ một lần nhưng thời gian sau đó, lượng khách quen vãn hẳn, doanh thu của quán giảm đáng kể, anh chị phải cố gắng đảm bảo chất lượng bún đậu trong một thời gian dài mới lấy lại niềm tin của khách hàng.
Thấy anh kinh doanh có vẻ đơn giản mà thu lãi lớn, nhiều người cũng theo mở quán bún đậu ngay gần đó. Tuy nhiên khách đã quen quán, lượng khách ở các quán khác không thể so sánh với quán của anh Thường. Theo anh, cùng là bún và đậu, nhưng mỗi quán có bí quyết riêng để giữ khách. Quán của anh thì bí quyết vẫn là mắm tôm pha theo công thức đặc biệt mà bà cụ cung cấp. Bên cạnh đó, vợ chồng anh luôn chú ý chọn và bảo quản nguyên liệu sạch, rau thơm cũng phải nhặt và rửa sạch sẽ, có thừa bún, đậu hay rau cũng bỏ đi chứ không để sang ngày hôm sau.
Một suất bún bình thường đi kèm rau kinh giới và đậu rán.Lượng khách ra vào liên tục, anh Thành phải huy động thêm người trông xe. Quán đông khách, nhưng vợ chồng anh Thường vẫn chỉ mở hàng từ 16h – 22h hàng ngày. “Tại sao anh không bán thêm vào buổi trưa?” – Anh Thường cười to đáp: “Sinh viên toàn ngủ dậy muộn có bán sáng và trưa cũng không được nhiều đâu”. Lý do mà anh Thường đưa ra có phần khôi hài nhưng cũng đủ để chứng tỏ rằng, anh am hiểu “thượng đế” của mình đến mức nào.