Ngày cuối cùng ở đường hoa Nguyễn Huệ trước khi bế mạc, hòa trong dòng người đông đúc tham quan đường hoa ấy vẫn có những người đang âm thầm lặng lẽ mưu sinh vì cuộc sống này.
Chúng tôi gặp cụ Trần Vĩnh Hồng, người thợ chụp ảnh dạo tại đường hoa lúc cụ nhích từng bước chân khập khiễng và chậm rãi theo chào mời khách. Tại đường hoa Nguyễn Huệ hiện có khoảng hơn trăm người thợ chụp ảnh dạo trong Hợp tác xã chụp ảnh lưu động quận 1 và cụ Hồng được coi là "cây đại thụ" tại đây vì cụ đã bước sang 78 tuổi.
Đôi chân đau nhức, cụ Hồng vẫn cố bước đi chậm rãi để mưu sinh vì cuộc sống khốn khó.
Cụ Hồng chụp ảnh kỉ niệm cùng đồng nghiệp.
Đứng nhìn các bạn trẻ thích thú chụp hình bằng những chiếc smartphone, máy chụp ảnh hiện đại nhất hiện nay, cụ Hồng cười mỉm nhưng nụ cười ấy có chút gì đó thoáng buồn. Cụ bảo: "Giới trẻ thời nay có điều kiện đầu tư máy móc xịn chẳng thua gì mình nên tụi nó không cần mình nữa rồi".
Đứng giữa nắng để chào mời khách chụp hình.
Nghề chụp ảnh dạo trong những năm gần đây đã trở nên khó khăn hơn.
Cụ là người lạc quan hay cười nên ai cũng quý mến mỗi khi tiếp xúc trò chuyện. Đôi mắt cụ đã đầy vết chân chim và đôi lúc mệt mỏi vì tuổi già nhưng cụ cho biết vẫn còn nhìn thấy rất rõ khi chụp hình. "Mặc dù già rồi nhưng may mắn được ông trời thương đôi mắt sáng rõ để tiếp tục gắn bó với nghề chụp ảnh", cụ cười nói.
Chia sẻ về nghề, cụ Hồng cho biết mình bắt đầu gắn bó với nghề chụp ảnh từ hơn 40 năm trước và đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm. Đến nay cụ xem nó như cái nghiệp của mình nên không thể bỏ được, dù đang ở cái tuổi cần được nghỉ ngơi, nhường lại cho lớp trẻ năng động, nhưng cụ vẫn không đành.
Cụ Hồng nheo đôi mắt, nhìn xa xăm: "Nghề chụp ảnh dạo được xem là một trong những nghề danh giá và "hái" ra tiền vào khoảng 20 năm trước. Với cuộc sống bề bộn lo toan, một chiếc máy ảnh lúc bấy giờ có thể là cả gia tài của người thợ chụp ảnh. Vì vậy một người chụp ảnh dạo ở các công viên hay đường hoa ngày Tết cũng có thể nuôi sống cả gia đình mà không cần làm thêm những công việc khác".
Chiếc máy ảnh đời cũ là công cụ kiếm sống mỗi ngày của cụ Hồng trong những năm qua.
Được biết, trước đây cụ Hồng nhờ nghề chụp ảnh này mà cụ tậu được cho mỗi đứa con một căn nhà. Nhưng rồi những cạm bẫy của cuộc sống khiến 4 người con của cụ sa ngã vào cái xấu dẫn đến tán gia bại sản. Hiện tại các con đã bỏ đi, chỉ còn một mình cụ ở căn gác nhỏ được thuê ở quận 4 (TP. HCM).
Ở cái tuổi ai cũng muốn được nghỉ ngơi để quây quần cùng con cháu trong những ngày Tết đến xuân về, nhưng đối với cụ đó chỉ là ước mơ thật xa vời. "Bây giờ còn gì nữa đâu, phải tự mình lao động kiếm sống qua ngày thôi", cụ tâm sự.
Từ khi đường phố đi bộ hình thành cho đến đường hoa Tết, hàng ngày với chiếc xe đạp cũ vẫn miệt mài từ 7h sáng đạp xe qua quận 1 để mời chào khách tham quan chụp ảnh đến khoảng 23h mới về.
Sau khi chụp hình cho khách cụ đem tới tiệm để rửa ảnh.
Đôi chân đau nhức triền miên khiến cụ không đi bộ được nhiều chỉ đứng một chỗ chào mời nên chẳng có khách chịu chụp vì ai cũng nghĩ cụ già rồi, tay run, mắt mờ, chụp ảnh sẽ không còn đẹp nữa.
"Vả lại, trong nhiều năm trở lại đây điện thoại di động được trang bị các chức năng chụp ảnh hiện đại thì những người chụp hình trẻ tuổi còn mất dần chỗ đứng, huống hồ người già yếu như tôi", cụ nói trong xót xa.
"Sau khi chụp hình xong, nhiều khách thương nên chỉ lì xì chứ không lấy hình nên tôi áy náy lắm. Đối với người thợ chụp hình, nhìn thấy vị khách cầm trên tay sản phẩm do mình tạo ra thì mới mãn nguyện", cụ Hồng chia sẻ.
Nụ cười hiền và lạc quan trước cuộc đời nhiều thăng trầm của "cây đại thủ" trong làng chụp ảnh dạo.
Theo cụ Hồng, dịp Tết mỗi kiểu ảnh trung bình có giá từ 25.000 - 35.000 đồng. Nếu ép nhựa, in lụa… giá sẽ dao động từ khoảng 55.000 - 70.000 đồng.
Có thể một vài năm nữa theo dòng chảy của thời gian, những chiếc smartphone sẽ "đánh bật" nghề chụp ảnh dạo nhưng vì lòng yêu nghề suốt hơn 40 năm qua cụ Hồng vẫn sẽ cố gắng bám trụ dù dòng đời khắc nghiệt.