PGS.TS Lê Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 là một trong số ít người chuyên trị các ca "đứt rời" do tai nạn.
Gặp anh rất khó nhưng khi gặp được rồi thì được chia sẻ rất cởi mở: Từ tay, chân, tai cho đến "cậu nhỏ" của các quý ông, tóm lại cứ bộ phận nào đứt rời là anh nối, có những ca mất toàn bộ phần mềm còn phải "xẻo má vá mông" cho hoàn chỉnh.
Những tập hồ sơ "x, y, z"
Sau nhiều lần hẹn gặp, chúng tôi tiếp cận được PGS.TS Lê Văn Đoàn khi anh vừa rời một ca phẫu thuật. Anh cho biết, đây là một ca phức tạp, bệnh nhân bị một vết chém vào vai phải từ trước đây 3 tháng. Khi đó, bệnh nhân được đưa vào cấp cứu phẫu thuật ghép tay tại một bệnh viện khác nhưng vết thương đã liền từ lâu mà cánh tay vẫn liệt hoàn toàn, mất cảm giác, không thể cử động.
Bệnh nhân đến Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 đề nghị được phẫu thuật lại. PGS.TS Lê Văn Đoàn nói, khi anh tiến hành phẫu thuật mở lại vết thương, các mạch máu và thần kinh dính bết vào nhau, rất khó tìm ra chỗ tổn thương để xử lý nhưng sau 5 giờ làm việc căng thẳng, ca mổ đã kết thúc khá thành công. Nhiều năm trong nghề, PGS.TS Lê Văn Đoàn không nhớ hết mình đã thực hiện bao nhiêu ca phẫu thuật nối chi thể, chỉ biết các "ngăn" hồ sơ mà anh lưu trữ trong máy tính với tên, tuổi, địa chỉ bệnh nhân cụ thể từ lâu đã được chuyển sang thành "x, y, z" cho nhanh, giản, tiện.
Khi tiếp cận những hồ sơ bệnh án này chúng tôi không khỏi gai người vì các phần thi thể đứt rời của bệnh nhân được chụp lại quá rõ nét. Những bàn tay, ngón tay, cánh tay, thậm chí cả "cậu nhỏ" của các quý ông... bị cắt rời nằm la liệt trong các bản ảnh, trắng nhợt vì không được nuôi dưỡng. PGS.TS Lê Văn Đoàn cho biết, các nguyên nhân gây đứt rời chủ yếu là do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, va chạm mâu thuẫn dẫn đến "xử lý" nhau bằng dao, kiếm. Bệnh nhân của anh cũng đủ loại, từ những người nông dân hiền lành, tri thức, "cậu ấm cô chiêu" cho đến "xã hội đen"..., họ chỉ giống nhau ở một điểm là nhập viện trong tình trạng nguy cấp. Và trách nhiệm của người thầy thuốc như anh không gì khác là cứu giúp họ qua cơn hiểm nghèo.
Các loại máy móc phục vụ sản xuất ngày càng đa dạng thì lại càng có thêm nhiều những ca tai nạn lao động - PGS.TS Lê Văn Đoàn chia sẻ. Với một cái máy cắt giấy, cắt sắt, cưa gỗ trong lúc sơ ý người lao động có thể bị "ngốn" luôn cả hai bàn tay. Có trường hợp, người thò tay, người bấm nút, phối hợp không ăn ý, chỉ "xoẹt" cái trong tích tắc là cả bàn tay đứt rời. Có người đóng gạch, nhảy luôn vào giẫm giẫm mấy cái, ai dè máy cuốn đi cả đôi chân.
Hai bàn tay đứt rời của bệnh nhân Nguyễn Văn Cát.
Chôn rồi lại đào lên
Bệnh nhân Nguyễn Văn Cát (24 tuổi, ở Thanh Hóa) nhập viện năm 2005, trong tình trạng hai bàn tay bị cắt rời, là một trường hợp khó quên đối với PGS.TS Lê Văn Đoàn. Cát là con một, lại sắp cưới vợ, chẳng may trong lúc lao động bị máy cắt sắt cắt rời hai bàn tay.
Gia đình hoảng loạn đưa Cát đi bệnh viện huyện cấp cứu mà không mảy may quan tâm đến phần chi thể bị đứt rời. Ra đến nơi,bác sĩở huyện hỏi đến hai bàn tay thì mọi người mới ngã ngửa nhìn nhau. Điện thoại về nhà hỏi thì ông chú bảo trong lúc mọi người đưa Cát đi cấp cứu, ông đã cẩn thận đem hai bàn tay của cháu ra vườn chôn. Khi biết thông tin Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 có thể nối tay được cho Cát, ông chú đã lọ mọ đào hai bàn tay lên, chùi qua cho sạch đất cát, cho vào túi nilon, hối hả phi xe máy lên bệnh viện huyện rồi "áp tải" cả cháu và hai bàn tay đã đứt rời lên thẳng Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Không một phút chần chừ, kíp trực hôm đó đã cho các làm xét nghiệm cần thiết, vệ sinh, rửa sạch phần chi thể đứt rời, sát trùng và tiến hành nối lại cả hai bàn tay cho nam thanh niên này. PGS.TS Lê Văn Đoàn nhớ lại, lúc ở cửa phòng mổ, mẹ bệnh nhân khóc khóc mếu mếu lo lắng nhà chỉ có mỗi thằng con trai, lại sắp làm đám cưới, người ta bảo "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay", giờ tai họa thế này ai người ta lấy mà cưới.
Cho đến khi nhìn thấy hai bàn tay của cậu con trai liền lại như cũ, nhất là sau thời gian tập luyện có thể cử động, gia đình Cát mừng rơi nước mắt, vội vàng thu dọn về quê tổ chức đám cưới cho kịp ngày đã định.