Ở cái kênh Tân Hóa - Lò Gốm, quận Bình Tân này, xưa nay nổi tiếng là khu kênh chết vì bị ô nhiễm nặng. Dọc hai bên bờ kênh, đâu đâu cũng thấy rác, dưới sông thì nước quệnh đen kịt, nổi lềnh bềnh trên mặt là cái thứ gì đó sềnh sệch, bốc mùi hôi thối với chất thải, xác động vật chết, khiến cuộc sống của bà con quanh vùng này trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Ấy thế mà có ai ngờ được, tại chính con kênh chết đang trong quá trình được nhà nước cải tạo này, lại chính là nơi kiếm miếng cơm hằng ngày của người đàn ông tên Nguyễn Văn Hoàng, sinh năm 1964 suốt 30 mấy năm nay.
Hiện ông Hoàng đang sống tại khu nhà mồ, 295/2/6 Tân Hòa Đông, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân. Cứ tờ mờ sáng, ông Hoàng bắt đầu lên đường với chiếc xe ba gác đạp, cùng cặp thau nhôm ra dọc bờ kênh để bắt đầu một ngày làm việc. Không cố định địa điểm, cứ chỗ nào nhiều rác là ông lại mừng rỡ nhào liền xuống kênh. Ông lội dọc từ bờ bên này rồi sang bờ bên kia, hai tay mò mẫm dưới dòng nước đen thối, cố tìm xem có thứ gì là lôi lên bỏ thẳng vào hai chiếc thau nhôm to của mình. Dù nắng hay mưa, ông Hoàng cũng có mặt ở con kênh này cho đến 2 giờ trưa mới trở về nhà.
Ở cả cái kênh này dường như duy nhất chỉ có mỗi ông Hoàng là lội dưới kênh để nhặt rác
Mỗi lần nhặt được cái gì đó dưới sông, ông Hoàng cũng cẩn thận chà sình đất cho thật sạch rồi mới mang vào bờ.
Cực nhọc là thế, nhưng ông Hoàng chưa bao giờ dám nghĩ chuyện từ bỏ nghề. Ông bảo: "Thấy vậy chứ tôi cũng chỉ là người nối nghiệp từ cha, cả ông anh trai và mấy đứa nhỏ ở nhà cũng làm nghề này, nên tính ra tới bây giờ đã được 3 đời rồi. Tôi mà bỏ làm thì vợ con không biết lấy gì mà ăn".
Dưới kênh có nào là rác, sắt, miểng chai,... thậm chí là kim tiêm quăng bừa ra đấy. Ấy thế mà dụng cụ bảo hộ của ông Hoàng chỉ có mỗi đôi giày vải màu xanh quân đội, đã lấm lem bùn đất và cũ mèm sau nhiều năm cùng ông lăn lội dưới dòng nước đen. Hỏi ông "chứ ông không sợ mình giẫm phải kim chích sao", ông liền bình thản trả lời: "Sợ thì lấy gì mà ăn hả cô? Tôi làm cái nghề này từ hồi còn nhỏ, giờ gần nửa đời người rồi nên cái gì mà chưa từng thấy, thỉnh thoảng xui lắm mới bị đứt tay, đứt chân". Hồi 3 - 4 năm trước, ông từng bị miểng chai cứa ống chân, phải đi may mấy mũi kim rồi nằm nhà liền 4 hôm không được đi làm. Còn chuyện trầy xước, đứt tay nhẹ thì đã là chuyện như ăn cơm bữa.
Ông Hoàng nói với vẻ tâm đắc cái câu: "Trời sinh trời nuôi, lo chi cho mệt".
Đôi giày vải là thứ duy nhất bảo vệ ông mỗi khi làm việc
Mỗi ngày thu nhập của ông trung bình được từ 80 đến 100 nghìn đồng, hôm nào may mắn nhặt được nhiều sắt thì được 120 đến 140 nghìn. Nhưng số tiền ít ỏi này lại chính là nguồn thu nhập chính nuôi 6 cái miệng ăn trong gia đình. Hiện tại, vợ của ông Hoàng đang mang thai được hơn 8 tháng, nên không thể đi làm kiếm tiền phụ ông. Hai đứa con gái của ông Hoàng, một người 25 tuổi thì đi làm keo ở xí nghiệp để nuôi đứa con gái 3 tuổi. Còn một đứa 12 tuổi thì bỏ học để phụ bán cà phê, mỗi tháng đồng lương chẳng được bao nhiêu "chủ yếu cho nó đi làm để không hư hỏng" - ông Hoàng nói.
Thậm chí đứa cháu gái chỉ mới được 3 tuổi, mà hễ đi đâu chơi thấy sắt vụn hay vỏ chai cũng nhặt lên, mừng rỡ mang về nhà cho ông Hoàng bán lấy tiền. Ông Hoàng bảo: "Thấy nó mà tôi xót lòng".
Mỗi lần mò mẫm xong, người ông lại bốc lên một cái mùi hôi nồng nặc, sình đất bám đầy quanh người rồi cặm cụi ngồi lọc lại số phế liệu ra thành từng bao để mang ra vựa bán. Ngày xưa ông còn cảm thấy e dè, sợ đến gần người khác vì cái mùi hôi khó chịu của mình. "Nhưng giờ đây tôi mặc người ta nói gì. Tôi cũng chẳng trách họ vì miễn sao mình làm việc có tiền, từ chính sức lao động của bản thân. Dơ dáy kệ nó, chứ thời buổi này không làm thì ai cho mình tiền, ai cho mình ăn"?
Giờ đây, con kênh Tân Hóa - Lò Gốm này đang được lấp lại để cải tạo thành đất mới, khiến cuộc sống tương lai của ông Hoàng cùng cả gia đình ông Hoàng chẳng biết trông đợi vào đâu. Ông cố gắng làm được ngày nào hay ngày đó, và chỉ mong có một chút vốn để chuyển sang công việc khác.
Thành quả sau một ngày làm việc của ông Hoàng
Chiếc xe ba bánh cùng cặp thau nhôm quen thuộc của người đàn ông này
Ông cẩn thận chọn lọc từng món để mang ra vựa bán.
Hiện dòng kênh đang được cải tạo, ông Hoàng lo lắng vì không biết sau này mình sẽ làm gì để kiếm sống.
Ảnh: Giày Bata