Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm?

Thu Hường, Theo Trí Thức Trẻ 00:01 24/02/2016
Chia sẻ

"Cứu người đuối nước rất nguy hiểm và trong nhiều trường hợp, chúng ta không nên liều mình lao xuống nước giống họ", ông Điền Đức Nghĩa, hướng dẫn viên bơi lội, chia sẻ.

Chuyện nam thanh niên chết đuối vì tưởng là... ngáo đá

Mới đây, trên mạng xã hội đang lan truyền nhanh chóng một đoạn clip ngắn, ghi lại cảnh nam thanh niên nhảy hồ Hàm Nghi (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) tự tử và chết đuối trước sự chứng kiến của hàng chục người.

Do người dân đứng xem hiểu lầm là anh này bị ngáo đá nên trong 3 phút nạn nhân ra sức vùng vẫy, đã không ai dám liều mình nhảy xuống ứng cứu.

Theo điều tra của cơ quan chức năng, nạn nhân là anh Nguyễn Trường G. (SN 1992, trú quận Hải Châu, Đà Nẵng). Nguyên nhân ban đầu được cho là do anh G. buồn chuyện gia đình nên đã nhảy hồ tự tử dẫn đến đuối nước tử vong.

Câu chuyện này ngay khi được chia sẻ trên các diễn đàn đã gây ra làn sóng phẫn nộ. Đại đa số cư dân mạng đều cho rằng, những người giương mắt đứng xem người khác chết đuối là vô cảm.

Tuy nhiên, một số người khác lại lên tiếng bênh vực, cho rằng, cứu người đuối nước là rất nguy hiểm mà nếu không có đủ kiến thức, kinh nghiệm sẽ rất dễ dẫn đến việc người cần cứu không cứu được còn tự đẩy bản thân đến chỗ phải vong mạng.

Làm gì khi thấy người khác mắc thủy nạn?

Từ câu chuyện nam thanh niên Đà Nẵng mất mạng vì bị đuối nước trước sự chứng kiến của nhiều người, một số cư dân mạng bắt đầu đặt ra câu hỏi, vậy thì khi thấy người mắc thủy nạn, chúng ta phải làm gì?

Nhân vấn đề này, mới đây, nickname C.N đã đưa ra một số quan điểm về cách cứu người đuối nước cũng như phân tích kỹ về trường hợp của nạn nhân G. nêu trên.

Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm? - Ảnh 1.

Những dòng trạng thái của C.N ngay sau đó đã nhận được sự hưởng ứng và chia sẻ của rất nhiều người.

Nickname này viết trên trang cá nhân: "Anh thanh niên ở Đà Nẵng vừa nhảy xuống hồ Hàm Nghi, người trên bờ chìa cành cây để kéo lên, anh không chịu. Nghe đồn anh bị ngáo nên bà con lối xóm phần không ưng, phần trời lạnh và tưởng anh đùa. Nhiều bạn gào lên rằng người Đà Nẵng vô cảm, mãi gần cuối mới có mấy thanh niên 6 múi cao 1m80 ôm phao bơi sải đến cứu thì anh đã tử vong".

Từ câu chuyện thực tế, C.N phân tích: "Các bạn nên nhớ, biết bơi và cứu người chết đuối là 2 kĩ năng khác nhau hoàn toàn". Theo C.N, nguyên tắc trong cứu người chết đuối, đó là phải để họ đuối hay chìm hẳn mới được cứu, nếu không, bản năng sống còn trong giây phút sinh tử kết hợp với lực đẩy Acsimet "thần thánh", sẽ khiến họ khỏe như một con thú và kéo bạn chìm cùng.

Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm? - Ảnh 2.

C.N cũng đưa ra một ví dụ tương tự để so sánh. "Mới đây ở Thanh Hóa, một chị chán đời nhảy cầu tự tử đã kéo theo 2 thanh niên khỏe mạnh khi họ nhảy xuống giúp.

Từ đó, C.N cũng đưa ra những nguyên tắc cứu người khi gặp nạn như sau:

Khi thấy có người chết đuối đang kêu cứu, hãy tri hô mọi người và gọi sẵn 115 nếu được, bình tĩnh, tranh thủ tập vài động tác aerobic cho dẻo gân giãn cốt.

Tuyệt đối không được nhảy xuống, hãy đề nghị những người có mặt ở hiện trường cởi lấy thắt lưng nối lại làm dây quăng xuống rồi tất cả cùng kéo nạn nhân lên như kéo co, tất nhiên, trong trường hợp người chết đuối mấp mé ở gần bờ.

Nếu nạn nhân ở xa quá thì sau khi tri hô cứu hộ, hãy cố gắng nói chuyện với nạn nhân, giữ họ bình tĩnh, không được cuống.

Cuối cùng, C.N nhấn mạnh: "Còn những bạn muốn làm anh hùng, tôi không cản, cũng không lên án, nhưng hãy học kĩ năng cứu hộ đàng hoàng và bài bản, chứ đừng kiểu anh hùng rơm".

Nhảy xuống nước cứu người chỉ là giải pháp bất đắc dĩ

Trao đổi với chúng tôi về cách cứu người khi bị đuối nước, ông Điền Đức Nghĩa, huấn luyện viên dạy bơi tại Trung tâm dạy bơi, học bơi Hà Nội, cho biết, thực tế, cứu người đuối nước là một việc làm vô cùng nguy hiểm, rất dễ dẫn đến nguy cơ mất mạng cho người có lòng tốt.

Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm? - Ảnh 3.

Theo ông Nghĩa, khi gặp người bị đuối nước, dù biết bơi hay không biết bơi, việc đầu tiên chúng ta nên làm là tri hô cho nhiều người cùng biết và chạy đến giúp sức.

"Chúng ta không nên vội vàng nhảy xuống. Chúng ta nên quan sát, khi thấy họ yếu hẳn rồi mới lao xuống cứu. Đừng nôn nóng vì thời gian để một người chìm xuống nước khá lâu".

Mặt khác, khi nhảy xuống cứu, tuyệt đối không để tay, chân nạn nhân bấu víu vào người mình. Chúng ta cũng không nên đối mặt với họ mà nên bơi vòng ra sau lưng người bị nạn. Nếu là con gái thì nên túm tóc rồi lôi vào, nếu là con trai thì có thể túm lấy quần áo.

Nếu lúc đó chúng ta đang mặc quần áo trên người thì phải cởi bỏ, tránh trở thành vật để nạn nhân bám vào đó, lôi kéo chúng ta chìm nghỉm. Bên cạnh đó, quần áo cởi ra nên kết lại, đưa cho nạn nhân làm dây kéo, lôi họ vào bờ.

Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm? - Ảnh 4.

Ông Nghĩa cũng phân tích, trong trường hợp nạn nhân đuối nước gần bờ thì nên dùng dây thừng, cành cây cho họ bám vào kéo họ lên.

Đứng xem nam thanh niên chết đuối, người dân Đà Nẵng có thực sự vô cảm? - Ảnh 5.

Nếu bơi ra xa cứu thì tốt nhất nên có phao cứu sinh.

Vị huấn luyện bơi này cũng cho rằng, nếu nạn nhân gặp thủy nạn giữa dông, nước chảy xiết hoặc lúc lũ ống cuốn quá mạnh thì không nên mạo hiểm lao xuống nước cứu. "Những trường hợp đó quá nguy hiểm. Tôi nghĩ cứu người là việc nên làm nhưng điều nên làm hơn là phải đảm bảo an toàn cho mình trước đã. Những trường hợp biết là có lao xuống cũng khó cứu được, thậm chí còn liên lụy đến bản thân thì tốt nhất không nên liều lĩnh".

Quay trở lại câu chuyện nam thanh niên mất mạng vì bị nghi ngáo đá. Ông Nghĩa cũng đưa ra lời khuyên: "Khi bị đuối nước, chúng ta nên kêu cứu hoặc cố ngoi đầu lên mặt nước, giơ thẳng một cánh tay để ra hiệu là bị bất lực. Nếu không, người khác sẽ rất dễ hiểu lầm là bạn chỉ đùa cợt chứ không hề bị đuối nước và sẽ chẳng ai đến giúp bạn cả".

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày