Hoảng hồn phố vẫy ven hồ
Bất chấp mọi nguy hiểm, những gã trai đang tuổi mới lớn, hừng hực khí thế sẵn sàng “vồ” lấy bất cứ người đi đường đang di chuyển ngang qua quán. Lắm lúc, hàng chục thanh niên đua nhau săn đón, hò hét từ đầu phố tới cuối phố, khiến không ít người phải hoảng hồn. Mời chào không được, các thanh niên buông lời trêu ghẹo, tán tỉnh, rồi cười ầm ào, vui nhộn.
Cảnh tượng chèo kéo khách diễn ra như là chuyện quá bình thường ở những hãy phố café. Đội quân đông đảo này đa phần đều là những thanh niên trẻ từ quê ra mưu sinh. Công việc chính là kéo khách qua đường vào quán mình.
Phố Đặng Văn Ngữ lúc nào cũng có đội ngũ trai trẻ mời chào khách vào quán cafe
Nếu khách có nhu cầu vào quán café thực sự cũng sẽ đau đầu bởi gã trai nào cũng lôi kéo vào quán mình, thậm chí vừa dừng xe đã có hai ba thanh niên tranh nhau dắt hộ. Quán nào được khách chọn thì họ hỉ hả, đám còn lại chưa tìm được khách lại lao ra đường.
Phố Đặng Văn Ngữ từ khi hình thành dãy café cũng là lúc xuất hiện hoạt động của đội ngũ nhân viên trông xe hùng hậu xuống đường chèo kéo khách hàng. Đoạn đường chưa được 1km nhưng có tới hàng chục thanh niên tràn ra cả lòng đường vẫy khách từ sáng tới tận tối. Để có được khách hàng vào quán mình, họ tìm đủ kiểu hết chào mời, chặn xe, lôi kéo,… chỉ trực chờ thấy mấy chị em đi xe máy tà tà, là các thanh niên ùa ra, xúm đông xúm đỏ mời chào.
Không riêng gì phố café Đặng Văn Ngữ mà trên khu vực hồ Tây, hồ Văn Quán, đội quân vẫy khách cũng khá hùng hậu. Đặc điểm thường các đôi tình nhân hay tới nên hễ thấy bóng dáng các đôi chở nhau đi qua, đội quân này nhảy xô chặn xe mời chào.
Miệng nói, họ nhanh tay tắt máy xe của khách, kéo về phía mình, chỉ trong nháy mắt đã dắt xe lên vỉa hè, không đủ để khách lựa chọn quán nào.
Xe sang, áo đẹp luôn là đối tượng dễ bị làm phiền
Anh Long (SV ĐH Hà Nội) lần đầu tiên đưa bạn gái đi chơi tại hồ Tây khiếp vía khi vừa dừng xe có tới năm sáu thanh niên kéo tới người dắt xe, người lôi xềnh xệch vào quán dù không biết khách có nhu cầu hay không. Bất đắc dĩ, Long và bạn phải vào vì sự nhiệt tình quá mức của nhân viên. Cũng từ đó, khi đi ngang qua các khu phố vẫy ven hồ, anh cứ phải lao xe nhanh, bỏ ngoài tai những lời chào thân mật.
"Bán" đời trai trên phố
Do phải làm việc vất vả nên hầu hết những người bắt khách đều là thanh niên trai trẻ ở các tỉnh lên mưu sinh. Theo chia sẻ của Nam, một người đã gắn bó gần một năm làm công việc này thì không phải ai ở quê lên cũng bám trụ được với nghề này.
“Nhìn thì ai cũng thấy nhàn nhưng bọn em phải làm từ sáng tới tối mịt. Suốt ngày vật vờ vỉa hè, cứ có khách đi ngang qua là lao ra, nhiều khi chẳng để ý tới an toàn giao thông. Người tốt thì không sao, gặp kẻ xấu họ còn đánh cho”, Nam tâm sự.
Được một người quen giới thiệu, Nam được nhận vào quán với nhiệm vụ đón khách, dắt xe. Quán café mở cửa từ sáng nên từ 6 giờ, Nam đã bị khua dậy để sắp xếp bàn ghế, quét dọn. Sau đó là phân công nhau ra ngoài vỉa hè trước quán để đón khách. Ngày nắng cũng như ngày mưa, gần như Nam chẳng được nghỉ ngày nào.
Gã trai vật vờ mưu sinh ở vỉa hè
Thời gian đầu đi làm, Nam cảm thấy mệt nhưng dần cũng quen, giờ trở thành một trong những người có thâm niên bám trụ lâu nhất ở quán này. “Mấy đứa ở quê ra được em giới thiệu chỉ làm một thời gian rồi bỏ vì không có sức khỏe”, Nam cho biết thêm.
Với 19 tuổi nhưng Nam có vẻ già dặn và sành sỏi hơn. Tâm sự về nghề, Nam cho hay chỉ làm tạm thời còn lâu dài thì không thể theo được vì theo Nam đây không phải là một nghề. Hàng tháng, thu nhập của Nam khoảng 3,5 triệu đồng, chủ bao tiền ăn và chỗ ở, nếu làm tốt quán đông khách thì được thưởng thêm.
“Ngày đầu tiên đi làm còn bỡ ngỡ, vừa xuống đường đã bị khách đâm vào chân. Đau mà vẫn cố phải làm vì lỗi của mình”, Nam nói. Với những người làm nghề trai vẫy như Nam chuyện va chạm, đau chân là rất bình thường. Công việc vất vả nhàm chán nên nhiều lúc rảnh rỗi, đám thanh niên túm tụm nhau lại “chém gió” kể chuyện quê.
“Lúc đầu cũng ngại nhưng dần dần thì chai mặt, khách chửi bới cũng kệ thôi. Biết là phiền người đi đường nhưng mưu sinh kiếm sống nên phải liều. Bọn em cũng cố hy sinh đời trai, làm kiếm chút vốn”, Nam cười.
Chưa kịp hết câu chuyện, có khách cậu lại phải từ chối khéo vì tới lượt phải ra đón khách. Thành phố đã lên đèn, những quán café càng đông khách hơn, hôm nay có trận bóng đá, những gã trai vẫy khách như Nam lại một đêm vất vả.