Họ chủ yếu là những dân lao động nghèo từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Bắc dắt díu vào đây mưu sinh.
Từ sáng đến tối chỉ quanh quẩn trong xóm rồi lại gặp nhau, ngồi bên nhau lặt từng bó rau muống cho đến khi trời tối, những câu chuyện mà những người nhặt rau muống thuê chia sẻ với nhau chỉ là những chuyện về con cái, chuyện con người, vùng quê, những kỷ niệm nơi họ sinh ra, những tháng ngày cơ cực khắp các tỉnh thành. Đôi khi họ cũng pha trò, trêu đùa nhau vài câu để vơi đi mệt mỏi và chán chường.
Đa phần những người ở xóm lặt rau muống đều không có ruộng vườn ở quê nên đành tha phương lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai, trang trải cuộc sống gia đình. Chị Lý Thị Sà Quếch, quê Sóc Trăng chia sẻ:
"Ở quê không có việc làm nên tôi lên Sài Gòn, xem ai thuê mướn gì thì mình làm, nhưng không ai thuê nên giờ đành đi nhặt rau muống. Một ngày nhặt được 50 - 60kg, 1kg chỉ được trả 1.000 đồng. Mỗi ngày, người nào chăm chỉ thì cũng chỉ nhặt được hơn 10 bó".Chị Lý Thị Sà Quếch. Chồng chị Quếch mất sớm, chị mang theo 4 người con (lớn nhất 30 tuổi), thuê căn nhà trọ lụp xụp với giá 800 ngàn/tháng để ở. Các con chị đều chưa có công ăn việc làm ổn định nên chị làm thêm nghề này phụ giúp con cái.
Nhặt rau muống không khó, không phải lao động nặng nhọc, nhưng đồng lương thì ít ỏi. Bên cạnh đó, những người làm công việc này thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn, và phải nhặt nhiều bó rau muống cả ngày nên bàn tay ai cũng chai sạn, nước bẩn ăn hết vào tay, vào chân nên gây ra cảnh ngứa ngáy, khó chịu, nhưng đeo bao tay thì lại khó lặt hơn, thành ra họ đều chấp nhận hy sinh đôi bàn tay của mình để kiếm về mấy mươi ngàn mỗi ngày.