Thiếu nữ "giữ lửa" nghề truyền thống Hà thành
Chỉ còn vài ngày nữa là đến rằm Trung thu, thị trường đồ chơi đang rất sôi động. Những năm gần đây, các loại đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam ngày càng ít, thậm chí khó tìm thấy trong các gian hàng tràn ngập đồ chơi có xuất xứ từ Trung Quốc.
Vì giá thành sản phẩm không cao, sản phẩm làm ra không được nhiều người ưa chuộng nên nhiều người làm đồ chơi truyền thống đã dần từ bỏ, chỉ còn rất ít người giữ được nghề.
Chúng tôi tìm đến nhà bà Vũ Thị Thanh Tâm (84 tuổi), một người làm thiên nga bông truyền thống ở Hà Nội. Nhà bà Tâm ở tầng 3 một ngôi nhà nằm sâu trong ngõ nhỏ trên phố Hàng Lược (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi chúng tôi lên, cả gia đình bà Tâm đang tất bật với công việc làm thiên nga bông để kịp ngày rằm Trung thu.
Trần Hương Giang đang trau chuốt lại giỏ thiên nga bông của mình
Trong căn phòng nhỏ hẹp, chứa rất nhiều đồ đạc và những giỏ thiên nga bông khá bắt mắt, vừa làm vừa nói chuyện, Trần Hương Giang (21 tuổi) - cháu bà Tâm - cho biết: "Nghề làm giỏ thiên nga bông của gia đình đã có từ lâu đời nay, cho đến bây giờ thì gia đình vẫn đang cố gắng làm và giữ để tạo nên một nét đẹp truyền thống, sự khác biệt trong các đồ chơi ngày rằm. Mặc dù số lượng làm ra cũng không phải là nhiều và thường xuyên, một năm gia đình chỉ tranh thủ làm vào những ngày rằm để cho đỡ nhớ".
Những sản phẩm "thô" trước khi tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh.
Những giỏ thiên nga bông hoàn thành trông rất đẹp có giá 60.000 đồng/giỏ.
"Từ lúc còn nhỏ, mỗi khi gần đến rằm tháng 8, tôi lại thấy bà ngoại, các cô, các bác tất bật với công việc làm thiên nga bông. Chính từ đó với tính tò mò, muốn học hỏi, tôi (lúc đó chưa được 10 tuổi) bắt đầu "lao vào" để tham gia công việc cùng mọi người. Lúc đầu, chưa biết, chưa quen, tôi thường xuyên bị bà và các cô bác sai vặt, từ lấy cái lẵng, miếng dán... và rồi những việc đó cũng là tiền đề tạo cho tôi một niềm đam mê. Sau một thời gian tự tìm tòi, nhìn bà và mọi người làm, tôi đã tự tay mình làm được những giỏ chim thiên nga bông.
Mới đầu, công việc này trông khá dễ nhưng khi bắt tay vào làm thì cần phải có sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo léo thì mới làm được. Để làm được một con chim thiên nga bông cũng mất khá nhiều thời gian, cần phải chuẩn bị trước đó cả một tháng. Nhìn chung thì rất dễ nhưng không phải ai cũng làm được", Giang chia sẻ.
Sợ mất nghề!
Căn nhà nhỏ nơi sản xuất thiên nga bông luôn là nơi tập trung của tất cả mọi người trong gia đình bà Tâm mỗi khi rằm tháng 8 về. Mặc dù tay vẫn đau do bị ngã, nhưng cô Quách Thị Bắc - con dâu bà Tâm - vẫn cố làm để kịp cho sản phẩm ra đúng ngày và trả hàng đúng hẹn cho khách hàng.
Đôi thiên nga xòe cánh mỏng kiêu sa trên miếng bông trắng, bông hoa đủ sắc màu, thể hiện tâm hồn của những món đồ chơi truyền thống.
Cô Bắc chia sẻ: "Giờ gia đình cũng không còn nhiều nhân lực, không phải ai cũng biết làm. Nếu mình không làm thì các con cháu cũng đâm ra chán nản, rồi nghề mai một dần, nên dù thế nào thì cũng phải cố gắng dạy cho con cháu để chúng nối tiếp nghề truyền thống này".
"Gia đình được một thằng con trai, không biết sau này con dâu về có biết làm không nữa. Tôi đang sợ mất nghề", cô Bắc lo lắng.
Để giữ nét đẹp truyền thống, năm nào gia đình, con cháu bà Tâm cũng vẫn chăm chú với nghề. Cũng theo cô Bắc, tính đến nay, những người còn làm chim thiên nga bông chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó gia đình bà Tâm là có truyền thống lâu đời nhất.
Khi được hỏi về nghề, cô Bắc cho rằng: "Nói nghề là vậy thôi, nhưng một năm chỉ làm được một lần vào những ngày gần rằm tháng 8. Khi làm công việc này thì thu nhập cũng chẳng đáng là bao, cái quan trọng nhất là để cho đỡ nhớ và nghề không bị mất. Một năm, số lượng giỏ thiên nga bông làm ra cũng không nhiều, bởi không có nhân lực. Với số lượng hơn 100 giỏ thì chủ yếu là bán vừa đủ, nhưng cũng có lúc bị "cháy hàng". Năm nào cũng vậy nhưng cũng đành phải chịu vì không có nhân lực để làm được nhiều hơn. Một số doanh nghiệp, nhà trường họ cũng thường xuyên đến đặt hàng nhưng gia đình không nhận để làm được".
Mặc dù tay đau nhưng cô Bắc vẫn cố gắng làm cho đủ để phục vụ khách hàng.
Nói kĩ hơn về việc làm giỏ thiên nga bông, cô Bắc cho biết, mỗi chi tiết trên chiếc giỏ thiên nga bé xíu đều đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ và kiên nhẫn. Đặc biệt, việc phủ bông tưởng đơn giản, nhưng nếu làm không khéo, vết bông sẽ vằn và sần sùi, rất xấu. Sau khi làm xong hình thiên nga, cần phải có con mắt tinh ý và thẩm mỹ để lắp thiên nga vào giỏ đã phủ bông sao cho đẹp, sau đó đính thêm những hạt cườm và hoa lụa nhằm tăng thêm phần quyến rũ và sinh động. Mọi công đoạn từ khi bắt đầu làm đến khi hoàn thành xong một giỏ thiên nga bông đều phải làm thủ công.