Đoàn lân sư rồng của trẻ em nghèo ở Sài Gòn ráo riết tập luyện cho Tết Trung thu

Phạm An, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 07/09/2015

Đoàn múa lân của ông Hằng đang nuôi dưỡng, dạy dỗ cho khoảng 30 em nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, hay những đứa trẻ được ba mẹ gửi đến để vừa tập, vừa đi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn.

Nói đến Tết Trung thu, người ta thường liên tưởng đến những chiếc lồng đèn rực rỡ, người thân trong gia đình vừa cùng nhau ăn bánh, uống nước, vừa kể cho nhau những câu chuyện về cuộc sống. Thỉnh thoảng, bên đường phố rộn ràng tiếng trống múa lân, những con lân sư rồng lượn vòng, những chú sư tử con chạy nhảy, ông địa cười đùa cùng khách tới xem. Đó là những hình ảnh đẹp trong ngày Tết Trung thu. Tuy nhiên, sau khi tiếng trống múa lân kết thúc, người ta bỗng giật mình khi thấy những cậu bé nhỏ nhắn, gầy gò người đầy mồ hôi. Rồi xót xa nhận ra đó là những đứa trẻ vì mưu sinh phải sống xa gia đình, trong cái Tết đoàn viên.

Các cậu bé ấy thuộc đoàn múa lân Hằng Anh Đường (Q.11, TPHCM) do ông Lương Tấn Hằng (50 tuổi) cưu mang. Hiện tại, đoàn múa lân của ông Hằng đang nuôi dưỡng, dạy dỗ cho khoảng 30 em nhỏ mồ côi, lang thang cơ nhỡ, hay những đứa trẻ được ba mẹ gửi đến để vừa tập, vừa đi học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Lớn lên từ nghèo khổ, ông Hằng không nỡ từ chối bất kỳ ai, sẵn có nghề múa lân, ông Hằng nghĩ đến việc truyền lại cho các đứa trẻ để ít ra chúng cũng có cái nghề cho sau này.

1-ca41a
Mỗi đứa trẻ đến học múa lân ông Hằng đều dạy từ chữ viết, cách sống.

Ngày đêm ông Hằng cần mẫn dạy cho các em những bài múa từ dân gian đến hiện đại, từ đơn giản đến phức tạp mà không dành "món" nào lại cho riêng mình, vì ông biết qua những đứa trẻ này, lân sư rồng sẽ được phát huy hết sở trường, hay ít ra chúng cũng có thể kiếm sống khi có người cần khai trương, tổ chức sự kiện, hay dịp lễ tết...

Ông Hằng chia sẻ: "Mỗi em đến với tôi là một cái duyên mà chúng tôi có được, đối với tôi tất cả chúng như người anh em, người cháu, người con của mình vậy thì việc gì phải giấu nghề. Trong hơn 30 đứa trẻ ở đây, mỗi đứa có một hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một niềm yêu thích múa lân, chúng tháo vát, có năng khiếu và lòng yêu nghề. Tôi tin chúng sẽ cùng nhau học hỏi, phát huy sở trường của mình để múa lân có thêm nhiều nét đặc biệt, hoặc chí ít lớn lên chúng có thể mở đoàn múa nuôi sống bản thân mình và những đứa trẻ khác. Cứ như thế thì cuộc sống sẽ tươi vui hơn".

7-ca41a-49f4d
Các em sẽ học múa lân tất cả các ngày trong tuần trừ thứ 7, chủ nhật. Mỗi buổi tập diễn ra trong 2h đồng hồ.

Theo ông Hằng, ban đầu để dạy dỗ, chăm lo cho những đứa trẻ này không phải là việc dễ dàng, từ khuyên nhủ đến cứng rắn chúng cũng cứ... trơ ra. Thế nhưng tiếp xúc lâu ngày, ông nắm bắt được tâm lý từng đứa rồi mới nhẹ nhàng chỉ rõ cái đúng cái sai, phải nói đến khi các em hiểu thì mọi việc dễ dàng hơn. 

Ông tâm niệm đòn roi chỉ làm hằn lên những vết chai lì từ thân xác đến tâm hồn, chỉ những lời nói mới như dòng nước tưới mát sự thơ trẻ, và tâm lý của những đứa mới lớn. Vì chúng có quậy phá, có lì lợm đến đâu suy cho cùng chúng cũng là con nít. 

14-ca41a
Trước khi học múa lân, đứa trẻ nào cũng phải biết đánh trống, nhớ nhịp rồi mới sang đầu lân, múa sư tử, lân sư rồng.

Tùy theo tố chất mà có những em chỉ cần học vài tháng đều có thể nắm bắt những bài múa đơn giản, nhưng cũng có những em chỉ dừng lại ở trống học múa ông địa. Đoàn múa lân của ông Hằng không phân biệt bất kỳ một đứa trẻ nào, chúng đến từ nhiều tỉnh thành trong cả nước, tại đây ngoài học lân, chúng còn được học chữ Hoa, chữ Việt, được tiền lương, quà bánh,... nên em nào cũng biết ơn người thầy của mình.

Em Nguyễn Ngọc Trọng (15 tuổi, ngụ Q.11) cho biết: "Em đã đi diễn được một mùa Tết, trong đó diễn khai trương cửa hàng, khách sạn,... và được tặng rất nhiều bánh. Năm nay em được múa sư tử con, em đang cùng các bạn tập luyện để có những bài biểu diễn hay nhất, vì như thế em mới được người ta tặng thêm tiền phụ giúp gia đình".

15-9bea7
Trước mỗi dịp lễ tết, đặc biệt là Tết Trung thu, những đứa trẻ này bận rộn nhiều hơn để có buổi biểu diễn đẹp mắt nhằm được nhiều người biết tới và được thưởng nhiều hơn.

12-ca41a
Một trong các thế đẹp và khó của lân là thế lân đứng, những đứa trẻ tại đây phải tập múa với đầu lân từ 10kg đến 15kg, đứa sau phải bế cả đứa trước lẫn đầu lân là cả một vấn đề. Tuy nhiên các em đều chăm chỉ tập luyện để có được suất múa chính vì đam mê, cũng vì múa chính sẽ nhận được tiền lương, tiền thưởng cao hơn.

11-ca41a
Em Phạm Hoài Thương (13 tuổi, quê Gia Lai) tâm sự: "Ban đầu em đến học múa lân chỉ để được nuôi cơm hai bữa, nhưng thầy đối xử với em rất tốt, thầy rất thương tụi em, em được truyền nghề, lại được thầy trả lương, lâu lâu em cũng được về thăm nhà, mang tiền về cho ba mẹ. Em đang cố gắng cho đợt múa lân vào Tết Trung thu, hiện tại em múa đầu lân khoảng 15kg, nhưng mỗi suất chỉ múa tầm 4 phút nên em có thể hoàn thành bài múa của mình".

9-ca41a
Hoài Thương và bạn diễn của mình Nguyễn Thành Khang (15 tuổi, quê Tây Ninh) với chú lân hơn 15kg, hai em đều đang cố gắng để được diễn chính trong đợt Tết trung thu sắp tới. Đối với các em càng nhớ nhà, các em càng cố gắng để kiếm tiền phụ giúp gia đình, nên không em nào than phiền về sự vất vả khi học tập và biểu diễn.

13-ca41a
Tuy còn bé những cậu trai này luôn ý thức được sự nghiêm túc và chỉn chu trong từng động tác, tất cả đều biết rằng nếu sơ suất trong nhịp trống thì giữa đầu và đuôi lân sẽ không nhất quán, dẫn đến lỗi bài, thậm chí gây chấn thương cho người bạn của mình.

Mỗi lần đến lễ tết pha lẫn với sự hào hứng vì được biểu diễn, mang niềm vui đến cho những người tới xem, là những tâm sự xúc động mà khi tiếng trống múa lân kết thúc, các em mới có dịp bày tỏ. 

Em Dương Chí Bảo (16 tuổi, quê Tây Ninh) cho biết: "Nhà em khó khăn lắm, em rất thích đi học, nhưng phải bỏ ngang để đi trồng cây thuê cho người ta. Gần nhà có mấy anh múa lân, em thấy hay nên xin học, sáng em đi trồng cây, chiều học múa lân. Nhìn người ta hào hứng xem em biểu diễn lúc đó rất vui, nhưng biểu diễn xong thì nhớ nhà lắm. Trung thu những năm trước nhà em không có bánh, nên năm nay em cố gắng biểu diễn kiếm tiền mua bánh trung thu gửi về cho gia đình. Em dự định ở đây học múa lân với thầy Hằng luôn, chứ nếu về thì không ai đi làm phụ ba em cả".

10-ca41a
Chọn nghề múa lân để mang lại sự may mắn cho những khách sạn, nhà hàng,... mang lại niềm vui, tiếng cười, sự rộn ràng náo nhiệt cho các lễ hội nhưng ít ai biết rằng tiếng lòng của các em cũng vang lên theo từng nhịp trống. Đó là sự mưu sinh, nỗi trăn trở về một tương lai của chính mình

2-ca41a
Nhìn những đứa trẻ nghèo đang từng ngày cố gắng, những con lân, chiếc trống dường như quá nặng nề với chúng ai cũng cảm thấy nao lòng. Tết trung thu, tiếng trống đì đùng, đoàn lân vui nhộn là những giọt mồ hôi đang lặng thầm chảy với một sự cố gắng, một quyết tâm thay đổi số phận pha lẫn nỗi nhớ nhà, nhớ những cái Tết đoàn viên ấm áp bên người thân

Biết được tâm sự của học trò mình, trước những dịp lễ, Tết, ông Hằng thường tổ chức trước những buổi tiệc trong đoàn, tặng quà, tặng bánh để khi các em đi biểu diễn sẽ không cảm thấy buồn hay mặc cảm. Tuy nhiên, với đứa trẻ tình cảm, khát khao có một gia đình hạnh phúc cũng không khỏi rơi nước mắt khi thấy những đứa con nít khác ngồi trong vòng tay cha mẹ để cười đùa khi xem những chú lân, những chú sư tử con đang nhảy múa.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày