Khoảng 14h ngày 30/10, Phòng Cảnh sát PCCC TP. HCM phối hợp với Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan tổ chức diễn tập phòng cháy chữa cháy tại hầm Thủ Thiêm (nối quận 2 – quận 1, TP. HCM).
Theo đó, một tình huống giả định được đặt ra là khoảng 14h ngày 30/10 xảy ra vụ tại nạn xe ô tô, sau đó bốc cháy tại km 14+570 (cách đầu hầm quận 2 là 80m) khi đang lưu thông hướng từ quận 2 về quận 1.
Ngọn lửa bùng phát khi vụ tai nạn xảy ra.
Lực lượng PCCC nhanh chóng có mặt dập lửa.
Khi xe ô tô di chuyển qua đường hầm Thủ Thiêm đến vị trí trên thì bị nổ lốp và mất lái vượt qua giải phân cách (ngăn làn ô tô và xe máy) sang làn xe máy. Lúc này, các xe máy lưu thông cùng chiều đã đâm liên tiếp vào ô tô gây tai nạn liên hoàn. Nhiều phương tiện xe máy trượt dài trên mặt đường tạo ra ma sát sinh tia lửa, đồng thời gặp nhiên liệu trong xe tràn ra ngoài gây cháy lớn.
Hiện trường có 10 xe máy bị tai nạn, trong đó có 3 xe bị bốc cháy, 5 xe bị ngã và 2 xe văng ra phía làn đường ô tô. Trong số 16 người bị tai nạn có 4 người nằm bất động, 6 người vẫn còn nhận thức đươc nhưng không di chuyển được, 6 người còn lại bị thương nhẹ có thể di chuyển qua lối thoát hiểm của đường hầm.
Hàng trăm chiến sĩ PCCC của thành phố được huy động tham gia diễn tập chữa cháy.
Tích cực chữa cháy.
Đám cháy bốc khói mù mịt trong hầm thủ thiêm.
Lúc này ngọn lửa, khói và nhiệt độ cao đã bao trùm toàn bộ các phương tiện bị nạn và trong hầm còn khoảng 5 xe ô tô và 30 xe máy và khoảng 60 người đang lưu thông.
Trong khoảng thời gian này, lực lượng PCCC thành phố cùng các đơn vị nghiệp vụ liên quan huy động 240 người, 4 xe chỉ huy, 6 xe nước chữa cháy, 1 xe chữa cháy đường hầm, 2 xe cứu hộ, 1 xe cứu thương, 2 xe chở phương tiện và các phương tiện cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu, phân luồng giao thông, tạo khối, lửa, âm thanh, các thiết bị thông tin, quay phim, chụp hình và các phương tiện nghiệp vụ khác.
Lực lượng cứu hộ hối hả cứu người bị thương.
Các nạn nhân bị bất tỉnh theo giả định.
Việc cứu nạn phải được thực hiện nhanh nhất có thể.
Khi xử lý tình huống phải kịp thời huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức thoát nạn, cứu nạn và triển khai chữa cháy ban đầu. Vận hành và phát huy hiệu quả nhất của các hệ thống kỹ thuật tại đường hầm. Ngoài ra khi chữa cháy phải đảm bảo an ninh và an toàn khu vực đường hầm sông Sài Gòn.
Đưa người bị nạn ra khỏi đường hầm.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn cho biết đợt diễn tập lần này khá chuyên nghiệp, các đơn vị nghiệp vụ phối hợp rất tốt trong khâu chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. “Khói lửa để diễn tập cũng là thật, nếu làn khói có dấu hiệu tràn qua hầm bên kia thì sẽ được phong tỏa toàn bộ đường hầm Thủ Thiêm”, vị đại diện nói.
Đến 14h30, đám cháy trong hầm Thủ Thiêm cơ bản được dập tắt. Mục đích buổi diễn tập là để nâng cao trình độ, nghiệp vụ chữa cháy và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ khi xảy ra sự cố trong đường hầm sông Sài Gòn.