Em gái của nạn nhân đang theo dõi cháu bé tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa Ngày 25-10, người thân của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, An Giang) và chị Nguyễn Thị Kim Ngọc (27 tuổi) tưởng như được vui mừng đón đứa con thứ hai của anh chị, nhưng họ như trong hoảng loạn vì phải chia nhau lo cho ba người thân của mình.
Sau tai nạn giao thông kinh hoàng trên đường đưa vợ đi sinh trưa 25-10, anh Nguyễn Văn Nam phải nằm bệnh viện ở Long Xuyên với 1/3 cẳng chân phải giập nát.
Bé trai sơ sinh vừa văng ra khỏi bụng chị Nguyễn Thị Kim Ngọc lúc xảy ra tai nạn đang nằm ở bệnh viện tại TP.HCM trong tình trạng hôn mê sâu.
Còn chị Ngọc đang được gia đình lo hậu sự ở quê nhà huyện Thoại Sơn, An Giang.
Bé trai đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM - Ảnh: H.Khoa Tối 25-10, trao đổi về sức khỏe của bé trai sơ sinh con của chị Nguyễn Thị Kim Ngọc, TS.BS Nguyễn Thanh Hùng - giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) - cho biết khi bé được chuyển cấp cứu lên bệnh viện, các bác sĩ đã đặc biệt quan tâm, hồi sức cấp cứu ngay cho bé.
Đồng thời đã phẫu thuật bên chân phải bị xe cán. Tuy nhiên, do toàn bộ phần chân dưới bị giập nát nên các bác sĩ buộc lòng phải tháo bỏ khớp gối phải của bé để bỏ đi đoạn chân bị giập nát.
Theo TS.BS Nguyễn Thanh Hùng, đến 19h ngày 25-10, sức khỏe của bé vẫn còn nguy kịch, hôn mê, phải thở máy... Hiện bé đang được hồi sức tích cực tại khoa chuyên sâu sơ sinh của bệnh viện.
Trong phòng hồi sức chuyên sâu sơ sinh của Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), bé trai con của vợ chồng anh Nam - chị Ngọc bị đứt một chân, đang nằm hôn mê.
Anh Nam tại khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viên Đa khoa An Giang - Ảnh: Thoại Sơn Sau khi được các bác sĩ cho vào thăm cháu, hai tay chị Nguyễn Thị Kim Quanh (23 tuổi), dì ruột của bé, bám chặt vào chiếc nôi nơi đứa trẻ đang nằm, đôi mắt ngấn lệ.
“Nó mới sinh ra mà đã đứt một chân, thật đáng thương. Giờ cha nó cũng đứt một chân như nó, không biết vài bữa hai cha con gặp nhau thì đáng thương thế nào”.
Chị Quanh cho biết nhận được hung tin, chị tức tốc tới hiện trường nhưng vẫn chưa biết chị Ngọc đã mất. “Tôi thấy một thi thể đắp chiếu nhưng không biết là chị Ngọc. Người nhà gọi tôi vào Bệnh viện Hạnh Phúc gấp, tôi cứ tưởng chị tôi đang nằm trong đó. Không ngờ cháu tôi sinh ra trong hoàn cảnh như thế...” - chị Quanh nghẹn ngào.
“Vợ chồng anh Nam - chị Ngọc rất khó khăn. Anh chị đã có một đứa con 6 tuổi, hai vợ chồng sống bằng nghề làm ruộng, ở cùng với gia đình bên vợ. Khi chị Ngọc mang thai và biết đó là con trai, chị tính sau khi sinh đứa bé sẽ được đặt tên là Nguyễn Quốc Quy” - chị Quanh cho biết thêm.
Thi thể chị Nguyễn Thị Kim Ngọc tại hiện trường, bên cạnh là giỏ đồ chuẩn bị cho cháu bé chào đời Trước đó, khoảng 10g ngày 25-10, trên quốc lộ 91 gần đoạn đang thi công cầu Rạch Gòi Lớn (P.Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang), một chiếc xe trộn bêtông chạy từ phía sau đã ủi thẳng vào xe máy chạy phía trước do anh Nguyễn Văn Nam cầm lái.
Xe trộn bêtông cán qua hai người trên xe máy làm chị Nguyễn Thị Kim Ngọc tử vong tại chỗ, thai nhi trong bụng chị văng ra ngoài, anh Nam bị cán gãy chân.
Theo thông tin ban đầu, chị Ngọc chuyển dạ nên được anh Nam chở bằng xe máy đến bệnh viện để sinh, tại hiện trường giỏ đồ dùng đi sinh vẫn còn nằm cạnh chị Ngọc.
Anh Nam bị xe cán gãy chân nên bất lực nhìn vợ chết thảm thương và đứa con đỏ hỏn khóc oa oa. Sau khi đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang, anh Nam bị cắt bỏ 1/3 cẳng chân phải. Mỗi lúc tỉnh dậy anh tỏ ra đau khổ tột cùng, khóc lóc thảm thiết.
Quá đau lòng Đó là tâm trạng của nhiều bạn đọc sau thông tin về tai nạn của gia đình anh Nam, chị Ngọc. Bạn đọc Trúc Giang xót xa: “Tôi đọc mà nước mắt tự nhiên cứ chảy ra! Thương quá, xót quá! Biết bao giờ mới bớt những cảnh tai nạn thương tâm như thế này?”. Bạn đọc tên An bày tỏ bất lực: “Ngày nào đọc báo cũng thấy có tai nạn giao thông. Chả lẽ bất lực nhìn những cái chết tức tưởi vậy sao? Chúng ta có thể làm gì để nâng cao ý thức của tài xế đây? Xin đừng để người dân cứ ra đường là nơm nớp lo sợ không biết mình có về được nhà không...”. Tại sao và tại sao?” là câu hỏi của bạn Nguyễn Thuận Thái. “Câu hỏi này cứ lặp đi lặp lại mãi. Và cuối cùng đau khổ nhất cũng là người thân của nạn nhân. Tai nạn giao thông ở khu vực nào thì các cơ quan chức năng ở khu vực đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm, do sự quản lý quá yếu kém tại địa phương... Làm như vậy sẽ hạn chế được những tai nạn đáng tiếc như thế xảy ra. Ai làm không được thì để người khác lên làm... Đừng đi thăm hỏi chia sẻ sau khi chuyện đã rồi. Người dân không muốn như vậy” - bạn Thái viết. |