Sinh ra trong một gia đình nghèo, thiếu thốn tình cảm cha mẹ
từ nhỏ - anh Nguyễn Văn Cảnh (1987) đã không may mắn bị bệnh bại liệt, teo cả
hai chân sau một cơn sốt. Khi trưởng thành, anh tham gia vào trung tâm người
khuyết tật Quận 12 và vô tình quen biết chị Trần Thị Mỹ Ngọc (1991) – khi đó đang là
hướng dẫn môn Aerobic của một trung tâm gần đấy. Hiểu anh bệnh tật, nghèo nàn
nhưng chịu khó và hiền lành, chân chất, chị đã quyết định se duyên cùng anh
mong ước cùng nhau vượt qua cuộc sống nhiều khó khăn này.
Anh chị chuyển về Thủ
Đức sống với suy nghĩ giảm thiểu được tiền nhà và thêm cơ hội việc làm cho những
người như anh (Khi đó anh đang làm ở trung tâm khuyết tật với mức lương chỉ 300
ngàn/ tháng). Họ thuê được căn phòng nhỏ giá 600 ngàn, chị xin vào được một
công ty may mặc với mức lương tầm 1,5 triệu/ tháng và anh với tinh thần cố gắng
và nỗ lực không ngừng, anh cũng được nhận vào làm ở công ty điện tử gần nhà với
mức lương gần 3 triệu. Cuộc sống cứ ngỡ như đã yên bình…
Con dốc của khu phòng trọ cao quá sức so với người đi đứng khó khăn như anh Cảnh
Toàn cảnh ngôi nhà bằng xi măng giá 600 ngàn, anh chị phải lót giấy đầy tường và cả dưới sàn cho sạch sẽ
Đồ chơi duy nhất của hai bé chỉ là con gấu bông cũ xin được và món đồ "gây chú ý" do bố chế tạo từ 2 cái khẩu trang này
"Tủ" quần áo của gia đình
Luôn tay chăm sóc hai đứa trẻ khá vất vả
Nhưng may mắn không phải lúc nào cũng mỉm cười với những con
người cần nó. Ngày chị lâm bồn hạ sinh hai chàng công tử kháu khỉnh cũng là lúc
chị phát hiện ra công ty đang làm đã lừa đảo chị. Họ bắt chị ký hợp đồng thử việc
suốt thời gian qua nhưng vẫn giữ lại hơn 200 ngàn hàng tháng, với lý do đóng bảo
hiểm. Vậy mà ngày chị sinh con, họ đuổi việc chị một cách không thương tiếc và sự thật câu chuyện cũng lộ ra, họ chẳng
đóng một đồng bảo hiểm nào cho công nhân của mình cả. Chị mất việc, mất tiền
oan – nhận ra mọi thứ quá khốn khổ với một người mẹ trẻ đang cùng cực như mình.
Cha anh già yếu, chiến tranh khiến ông mất một tay và những mảnh đạn vẫn còn nằm trong đầu chưa có điều kiện phẫu thuật. Mẹ chị già đã có dấu hiệu đãng trí, đi không vững – họ chẳng còn biết bám víu vào ai ngoài đồng lương còm cõi của người chồng tật nguyền đáng thương ấy.
Thiếu thốn và đói kém lâu ngày khiến chị đột nhiên mất sữa. Nhìn hai con đói sữa, gào khóc mỗi đêm – người cha người mẹ như anh chị chỉ biết ôm con rồi nhìn nhau mà khóc. Số phận không thương anh chị đã đành, giờ còn nghiệt ngã với hai cháu. Ngày mai rồi biết sẽ ra sao?
Cậu út Thanh Ân khá dễ chịu và rất hay lè lưỡi cười
"Ông anh" thì có vẻ "ngầu" hơn
Dù thiếu thốn trăm bề, nhưng nhờ trời thương, trộm vía hai cháu vẫn khỏe mạnh
Đã biết lật từ lúc 3 tháng
Và mọc cả răng...
Ngày chúng tôi đến xin phép được chụp ảnh làm bài, mong gửi câu chuyện của chị đến với nhiều bạn đọc với mong muốn gia đình nhỏ của chị sẽ có thêm cơ hội được chia sẻ nhiều hơn – chị mừng lắm. Thay vội tấm khăn quấn con (nhà nghèo nên Thanh An và Thanh Ân không có nhiều quần áo, chị thường quấn khăn cho cháu vì thường xuyên thiếu đồ), chị cho các cháu mặc những bộ đồ đẹp nhất mà theo chị: “Mới xin được của cô kia, nhà cô mua đồ toàn mua cặp nên cho cũng cho cặp..” rồi cười nụ cười tươi tắn thật hồn nhiên. Lần đầu tiên tôi nhận ra, niềm vui của những người như họ thật đơn giản – sinh đôi nên được cho một cặp đồ cho cả hai đứa là “sung sướng” lắm rồi.
Thanh An và Thanh Ân đã được hơn 3 tháng. Có lẽ biết thân phận mình không được đòi hỏi nên trộm vía hai cháu rất ngoan, ít quấy khóc. Đặc biệt, chúng đã mọc răng và đã biết tự lật mình khi mẹ bận việc, không thèm dòm ngò đến. Cậu út Thanh Ân khá dễ chịu, ai bế cũng lè lưỡi cười. Ông anh Thanh An thì hơi khó, chỉ thích mẹ và mặt rất “ngầu”. Trộm vía, con chị đói khát là thế, thiếu thốn là thế, chẳng hôm nào đủ sữa, đủ áo đủ quần nhưng vẫn kháu khỉnh và khỏe mạnh. Anh chị mừng lắm, điều an ủi duy nhất của họ chỉ có thế thôi.
Khóc đến lã người vì đói, Thanh An tự cho tay vào miệng ngậm rồi nằm dài ra giường "ăn" ngon lành
Tư thế quen thuộc của hai anh em
Anh hai rất ngoan khi nhường mẹ cho em
Anh Cảnh về nhà trong cái nắng còn sót lại của buổi chiều sớm, dáng anh khập khiễng đi từ xa và kiên nhẫn từng bước vất vả xuống con dốc cao bất thường trước nhà khiến cho bất kỳ ai chứng kiến cũng thấy xót xa. Tôi quay sang hỏi chị: “Anh bị tật như vậy đi lên xuống dốc cực quá hả chị?”. Chị cười buồn và nói: “Dạ, ảnh té hoài à. Trời khô còn đỡ chứ trời mưa đường trơn, anh chống gậy nhưng vẫn hay té. Mọi người phải giúp cho…” – nghe mà buồn.
Bóng anh khập khiễng, khó nhọc bước vào khu nhà
Đó là một người đàn ông khá hiền lành và chân chất
Giúp vợ chăm từng đứa con
Giữ con cho vợ nấu cơm
Người đàn ông trụ cột gia đình có bề ngoài thư sinh và lộ rõ bản chất hiền lành, chất phát của người miền quê. Anh nhẹ nhàng chào từng người khách và hỏi thăm vợ về hai đứa con. Cần mẫn nhích người đến từng đứa và ngắm nhìn. Lo sợ con lại sốt vì đang mọc răng, chị cũng đến bên cạnh sờ nắn con một cách tỉ mỉ. Hạnh phúc đơn sơ dù khá nhọc nhằn…
Tôi hỏi anh về chiếc xe lăn cũ mà anh đã xin được vì nghe nói chị nói mỗi ngày anh tự lăn xe lên xuống con dốc và đi làm. Anh thật thà chia sẻ: “Nghe nói nhà có khách nên em mừng, hết giờ làm việc (7h sáng đến 4h30 chiều – nếu không tăng ca), em nhờ bạn đồng nghiệp chở về nhà luôn. Mong được kịp giờ về để nói lời "cám ơn” và nhanh nhẹn quay sang hỏi vợ: “Em có khoe với nhà báo về cái bếp ga của nhà mình chưa?” rồi tranh luôn cả phần vợ: “Có mấy chị tốt lắm, biết nhà em nghèo nên tặng cái bếp này để thuận tiện nấu nướng cho hai cháu. Cho em gửi lời cám ơn mấy chị đó lên báo luôn nha, tạ ơn mọi người đã tặng bếp và quần áo cũ cho cháu …”
Bộ bếp ga Trung Quốc vừa được tặng
Niềm hy vọng duy nhất của đôi vợ chồng nghèo nhưng đầy nghị lực đang cần sự giúp đỡ của mọi người
Cả nhà nhiệt tình ra cửa tiễn khách dù anh đi lại rất khó khăn
Anh cũng chia sẻ: “Nhà khó khăn là do em không đủ sức nuôi vợ nuôi con nên phải để chúng đói khóc. Em cũng cố gắng lắm nên dù bệnh cũng không dám nghỉ ngày nào, mệt bao nhiêu cũng ráng ở lại xin tăng ca để mong kiếm thêm thu nhập. Cứ nghĩ một buổi tăng ca từ chiều đến tối khuya của mình là mua được một cử sữa cho con, nó bớt khóc, bớt đói là tự nhiên thấy mình khỏe hơn nhiều chị à.”
Nói đến đây anh lại nhìn con âu yếm - hai vợ chồng im lặng, mắt đỏ hoe, không nói thêm lời…
Phía giường, Thanh An và Thanh Ân bắt đầu khóc vì đói sữa….
Hiện nay, với đồng lương ít ỏi của mình, anh Cảnh đang rất khó khăn trong từng cái ăn cái mặc của hai con nhỏ và người vợ trẻ vẫn còn yếu sức sau khi sinh. Rất mong quý độc giả chia sẻ và giúp đỡ cho gia đình và hai bé trong thời điểm khó khăn này.
Mọi thông tin xin liên hệ: Anh Nguyễn Văn Cảnh Điện thoại: 0983575322 Địa chỉ: 948B Quốc lộ 1A - Tổ 11 - Khu phố 5 - Phường Linh Trung – Quận Thủ Đức ( đối diện quán lẩu dê Đông Dương ) Tài khoản: 6100 205 194 759 – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Thủ Đức) |