Đào Chi Anh: "Tại sao lại nghĩ du học sinh về nước mà thành đạt là đều nhờ có người chống lưng"

Thu Hường - Ảnh :Doãn Tuấn, Theo Trí Thức Trẻ 10:00 13/12/2015
Chia sẻ

"Người ta sẽ tôn trọng bạn khi bạn thật sự có năng lực, khi bạn và họ có cùng giá trị và thấu hiểu giá trị của nhau. Tôi nghĩ hoàn cảnh chỉ là cái cớ, mọi thứ đều nằm ở khả năng và ý chí mỗi người".

"Tôi thấy mình sáng suốt khi quyết định về Việt Nam"

Xin chào chị Chi Anh! Được biết, trước khi trở lại Việt Nam, chị đã từng có 8 năm ổn định công việc tại Singapore. Vậy, quãng thời gian đó đã đem lại cho chị những gì?

8 năm ở Singapore thì 4 năm tôi dành để theo học tại ĐH Quốc gia Singapore, 4 năm đi làm marketing và kinh doanh cho tập đoàn Panasonic với mức lương cao. Singapore là một đất nước tuyệt vời, có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến... Tôi được cấp thẻ xanh để có thể ở lại đất nước họ mãi mãi. Với tấm thẻ ấy, tôi được hưởng mọi quyền lợi gần ngang bằng với công dân nước họ, chỉ thiếu một bước nhập quốc tịch nữa thôi. Những người bạn của tôi có được tấm thẻ ấy, hầu hết đều ở lại Singapore.

 Chi Anh luôn tin rằng, về Việt Nam lập nghiệp là một quyết định đúng đắn.

Đang có trong tay một sự nghiệp tốt, cơ hội phát triển tốt nhưng vì sao chị vẫn quyết định trở về Việt Nam? 

Câu chuyện về nước bắt đầu từ việc tập đoàn Panasonic có kế hoạch mở rộng thị trường tại Việt Nam. Họ muốn xây dựng một văn phòng đại diện ở nước mình và tôi xung phong về. 

Thế nhưng Panasonic lại không phải là lý do lớn nhất của tôi. Tôi về Việt Nam vì hai lý do. Thứ nhất là tôi thấy, cuộc sống ở Singapore rất tốt nhưng luôn trong một giới hạn an toàn. Mọi thứ đều đều diễn ra từng ngày với guồng quay công việc bận rộn, không có sự bứt phá. Tôi muốn thoát ra khỏi đó, thứ mà tôi hay gọi là comfort zone (vành đai thoải mái) để đi đến một môi trường nhiều thử thách, khó khăn hơn. 

Thứ hai là về Việt Nam, tôi được gần gia đình. Tôi nghĩ mình sống ở đâu không quan trọng, điều quan trọng là được ở cạnh những người mình yêu thương, được sống cuộc đời ý nghĩa. Về Việt Nam, tôi thấy mình đáp ứng được cả hai điều đó. 

 Chi Anh và chồng đều là du học sinh về nước. Hiện tại, cả hai đang có sự nghiệp phát triển tốt và cuộc sống gia đình hạnh phúc tại Việt Nam.

Chồng chị cũng là du học sinh ở Singapore. Có khi nào anh chị nghĩ mình sẽ quay lại đó định cư? 

Thực sự đã có lúc tôi phân vân chuyện quay lại Singapore. Hồi đầu, tôi vẫn còn giữ tấm thẻ xanh để nếu như công việc trong nước không tốt, tôi sẽ quay lại. Nhưng càng ở Việt Nam lâu, tôi càng thích và tôi đã cắt luôn tấm thẻ xanh, không bao giờ nghĩ sẽ rời xa quê hương nữa.

Chồng tôi vẫn đinh ninh là nếu không phát triển được sự nghiệp ở Việt Nam, anh ấy sẽ lại sang Singapore. Tôi phải đối mặt với việc hoặc chia tay, hoặc sống ở cả hai nơi hay là "theo chồng về dinh". Tôi cũng từng hơi lo lắng nhưng bây giờ thì ổn rồi. 

Lý do là bởi tôi đã ổn định sự nghiệp kinh doanh trong nước, mọi thứ đều đang rất tốt. Chồng tôi sau 13 năm xa quê, khi về nước cũng tìm được việc làm tốt.

 Hiện nay, Chi Anh đang hạnh phúc chờ ngày đón đứa con đầu lòng.

Việt Nam là nước có nhiều "đất" để sáng tạo

Việt Nam là quê hương nhưng từ nhỏ chị đã ở nước ngoài, vậy khi về nước lập nghiệp, chị gặp những khó khăn gì? Theo chị khó khăn lớn nhất là gì và chị đã vượt qua như thế nào? 

Thử thách lớn nhất là khoảng cách về văn hóa, suy nghĩ. Lúc mới về, tôi có 1,5 năm sống khép kín với công việc ở văn phòng đại diện cho Panasonic. Tôi không có nhiều bạn bè, giao tiếp Tiếng Việt chưa thật sự hoạt bát, không hiểu nhiều về người Việt Nam.

Cho đến khi bước ra khỏi công ty, vươn mình ra bên ngoài, gặp gỡ nhiều người trẻ thuộc thế hệ 9X, tôi mới hiểu, hóa ra Việt Nam có nhiều người hiện đại và sống rất cởi mở. Nhân viên giúp tôi giao tiếp Tiếng Việt, xã hội của tôi ngày càng rộng ra. Đến giờ, tôi có thể tự tin nói rằng, mình ít nhiều đã có thành công.

 "Đến giờ, tôi có thể tự tin nói rằng, mình đã ít nhiều có được thành công".

Trên trang cá nhân của mình, chị có chia sẻ quan điểm "về hay ở" đối với các du học sinh, trong đó có nhấn mạnh về vì "được cống hiến và đóng góp một phần". Thế nhưng, nhiều du học sinh Việt Nam hiện có tâm lý ngại về nước vì cho rằng không có cơ hội để sáng tạo, cống hiến và đóng góp. Vậy chị có thể chia sẻ nhiều hơn những trải nghiệm của bản thân được không?

Ở Việt Nam, tôi thấy các bạn có nhiều cơ hội sáng tạo hơn chứ? Khi tôi làm ở văn phòng đại diện trong nước, tôi thấy mình như là người đứng đầu, người nảy sinh những ý tưởng mới thay vì chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống của tập đoàn.

Về kinh doanh, tôi có quen những người bạn ở Singapore, họ nói với tôi rằng vì đất nước đã quá phát triển với những tập đoàn hùng mạnh nên việc "bứt" ra kinh doanh riêng là rất khó. Nhưng ở Việt Nam thì không như vậy. Thị trường trong nước vẫn rộng mở nên khi các bạn về đây, các bạn sẽ có nhiều lựa chọn. 

Còn về "đóng góp", tôi nghĩ có thể hiểu theo nghĩa rộng. Ngay cả khi tôi quyết định về nước và vẫn duy trì công việc ở tập đoàn, tôi đã rất hạnh phúc bởi tôi đang phục vụ khách hàng Việt Nam, giới thiệu cho họ những sản phẩm tốt nhất của nước ngoài.

Chưa kể là đứng ra kinh doanh riêng, tôi có cả một khoảng trời để cống hiến. Khi tôi làm ra một sản phẩm, tôi đem chính sản phẩm ấy chào bán ra nước ngoài, kêu gọi được nhà đầu tư nước ngoài. Thành công đó khiến bạn bè cũ của tôi tại Singapore cũng phải nể. 

 "Thị trường trong nước luôn rộng mở, khi về nước, các bạn sẽ có nhiều lựa chọn".

Hoàn cảnh chỉ là cái cớ

Có người cho rằng, khả năng là một chuyện, còn muốn thành công phải có sự hậu thuẫn phía sau. Với chị điều đó có đúng không?

Tôi không hiểu sao nhiều người hay nói du học sinh về nước mà thành đạt là nhờ có người "chống lưng". Tôi có thể không hổ thẹn mà nói rằng, tôi không có ai "chống lưng" cả, tất cả đều bắt đầu từ con số 0.

Người ta sẽ tôn trọng bạn khi bạn thật sự có năng lực, khi bạn và họ có cùng giá trị và thấu hiểu giá trị của nhau. Khi ấy, sự gắn kết trong công việc, tình cảm mới là lâu dài. Tôi nghĩ hoàn cảnh chỉ là cái cớ, mọi thứ đều nằm ở khả năng và ý chí của mỗi người.

 Mọi thành công đều nằm ở khả năng và ý chí của mỗi người.

Nhưng rõ ràng là chị đã từng được phía công ty dành cho nhiều ưu ái. Khi về nước, chị đã có chắc một công việc hấp dẫn, những người khác, họ không được như thế?

Tôi có thể tìm được nhiều công việc tốt khi về nước bởi những người giỏi ngoại ngữ lại có chuyên môn như tôi, nhiều công ty sẵn sàng tuyển. Ví dụ như chồng tôi, anh ấy cũng rất dễ tìm được việc làm với đãi ngộ có khi còn tốt hơn ở bên kia. Tôi tin các bạn khác cũng vậy. 

Xin cảm ơn chị Chi Anh về những chia sẻ vừa rồi, chúc chị ngày càng thành công trong cuộc sống và sự nghiệp!

Đào Chi Anh (SN 1983, người Hà Nội). Cô sinh ra và lớn lên tại Nga, sau đó lại có một khoảng thời gian sinh sống tại Đức, Đài Loan và Singapore.

Giữa năm 25 tuổi, Chi Anh về nước và hơn một năm sau bắt đầu sự nghiệp kinh doanh riêng. 

Bắt đầu từ những dự án nhỏ, đến nay công ty của Chi Anh đã vươn mình thành một tập đoàn lớn mạnh hơn, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài với số vốn ban đầu là 5,5 triệu USD. 

Cô từng xuất bản hai cuốn sách là "Chuyện hai căn bếp" và "Hai căn bếp ngọt ngào". Trong đó, cuốn thứ hai do NXB Page One tại Singapore phát hành trên phạm vi toàn cầu. Chi Anh cũng là người Việt Nam đầu tiên có sách dạy nấu ăn được phát hành trên phạm vi thế giới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày