Đang ăn thấy chuột trong nồi lẩu, tính sao đây?

Tuổi trẻ, Theo 09:25 25/11/2015
Chia sẻ

Một gia đình sau khi ăn xong món lẩu cua ở một quán ăn thuộc quận Phú Nhuận, TP.HCM thì phát hiện con chuột dưới đáy nồi. Câu chuyện khiến mạng xã hội mấy ngày nay xôn xao.

1-bdb1a
Đoàn kiểm tra liên ngành phường 2 (Q.Phú Nhuận) kiểm tra nhà hàng lẩu Dê Cua (186-188-190 Hoa Lan, Q.Phú Nhuận) sáng 24-11 - Ảnh: Tiến Long

Ngay khi xảy ra sự việc, nhà hàng cũng đã xin lỗi và giảm 50% chi phí (bữa ăn khoảng 3,8 triệu đồng, nhà hàng tính 1,9 triệu đồng) và đã viết cam kết trong trường hợp khách bị ngộ độc, nhà hàng sẽ chịu trách nhiệm bồi thường hoàn toàn.

Ông Lý Triều Vân, chủ quán, nói thêm từ khi xảy ra sự cố đến nay, khách chưa có phản hồi về sức khỏe hay quay lại quán để đòi quyền lợi.

Con chuột ở đâu ra?

Ông Lý Triều Vân cho biết hiện nay vẫn chưa tìm hiểu được nguyên nhân tại sao lại xuất hiện một con chuột to khoảng hai ngón tay, dài 12-15cm trong nồi lẩu của thực khách.

Theo luật sư (LS) Nguyễn Văn Hậu, trường hợp nếu lỗi là của nhà hàng thì nhà hàng này sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

“Theo quy định tại điều 5, nghị định 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm, cá nhân có hành vi sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm có thể bị phạt 70-100 triệu đồng.

Nếu vô ý sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm thì bị phạt từ 1-3 triệu đồng về hành vi không có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng động vật gây hại theo quy định điều 21 nghị định 178/2013/NĐ-CP. Trong trường hợp này, thực khách có thể báo với cơ quan thẩm quyền nhà nước để xử lý vi phạm” - LS Hậu nhận định.

Cũng theo LS Hậu, một trường hợp khác có thể xảy ra là thực khách cố tình bỏ chuột vào nồi lẩu làm mất uy tín của chủ quán với mục đích cạnh tranh. Đây là hành vi gây rối trong hoạt động kinh doanh và trực tiếp làm cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Pháp luật cũng có quy định tại nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh thì cá nhân có thể bị phạt từ 25-50 triệu đồng.

Nếu thực khách không nhằm mục đích cạnh tranh mà chỉ nhằm làm mất uy tín của quán thì thực khách đó có thể bị phạt từ 2-3 triệu đồng với hành vi gây rối và cản trở hoạt động kinh doanh bình thường.

2-bdb1a
Chủ nhà hàng lẩu Dê Cua (đường Hoa Lan, Q. Phú Nhuận) cho biết nồi lẩu với mực nước thấp như thế này rất dễ phát hiện chuột hay bất kỳ vật thể lạ nào ngay từ đầu - Ảnh: Tiến Long

Hoảng sợ, ám ảnh, thiệt hại tinh thần

Nhiều người đọc thông tin trên mạng xã hội xong thì bình luận: "Lúc đó chắc xỉu", "Đã ăn tất cả vào bụng mới thấy chuột nằm dưới thì làm sao hả trời, ói cũng đâu có hết", "Chắc ám ảnh dài dài về sau"...

Năm 2008, dư luận từng xôn xao chuyện một người phụ nữ ngất xỉu vì quá hoảng sợ khi thấy con chuột nhắt nằm trong miếng bánh mình đang ăn dang dở.

LS Phan Thị Việt Thu, phó chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho biết ở các nước, với những trường hợp tương tự, luật quy định rất rõ về vấn đề bồi thường tổn hại tinh thần cho khách hàng.

Bà Thu cho rằng luật của nước ta lại chưa quy định cụ thể vấn đề này. Nếu muốn được bồi thường thì phải chứng minh mình bị thiệt hại, trong khi những tổn hại về tinh thần thì rất khó để chứng minh, tổn hại về vật chất trong vấn đề thực phẩm như thế này đôi khi lại chẳng bao nhiêu.

“Pháp luật VN chưa tiên liệu được hết những tình huống có thể xảy ra trong thực tế. Nếu đưa quy định xử lý về tổn hại tinh thần vào luật thì phải quy định rõ ràng, mức phạt như thế nào. Quy định chung chung thì rất khó cho tòa trong việc xử lý” - LS Phan Thị Việt Thu nói.

Bàn thêm về cách hành xử sau khi sự việc xảy ra của người chủ quán, LS Hậu cho rằng cách xử lý này thể hiện sự có văn hóa.

“Tuy nhiên, theo tôi thấy nếu chỉ bồi thường 50% số tiền bữa ăn thì chưa đủ. Phải bồi thường hết giá trị bữa ăn hoặc hơn thế nữa. Như vậy mới thể hiện đúng thiện chí của người chủ quán thật sự quan tâm tới lợi ích người tiêu dùng” - LS Hậu nhận xét.

Chuột mang mầm bệnh trong người

Ở góc độ sức khỏe, trao đổi với TTO , bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM - cho rằng nếu chủ đích dùng chuột (ví dụ như chuột đồng) như một loại thực phẩm thì cần tuân thủ các quy trình chế biến để đảm bảo vệ sinh.

Trong trường hợp con chuột “tình cờ” bằng cách nào đó có trong nồi lẩu thì rõ ràng chuột ở đây không phải là thực phẩm.

“Chuột mang trong mình nhiều mầm bệnh như dịch hạch, bệnh truyền nhiễm… Không những vậy nó còn mang trên mình nhiều vi khuẩn độc hại do sống trong môi trường kém vệ sinh. Dù đã được hầm chín nó vẫn có thể gây nguy hại cho người ăn nhầm”, bác sĩ Ngọc Diệp nói.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp cũng khuyến cáo người ăn phải lẩu có chuột này cần phải theo dõi kỹ xem mình có dấu hiệu nhiễm bệnh hay không. Nếu có, cần gấp rút đến những cơ sở y tế uy tín.

Nén chuột chung với sandwich: Bị phạt 17.000 bảng Anh

Stephen Forse, một người dân tại hạt Oxfordshire (Anh), mua lốc bánh mì sandwich về, ăn được vài cái và bữa nọ hoảng hồn khi trông thấy chú chuột con bị nén chung với những chiếc bánh.

“Tôi thấy thứ gì đen đen và có lông bị dính chặt vào góc của bốn miếng bánh. Lúc nhận ra đó là con chuột, tôi phát ớn và chẳng thể nuốt trôi bất cứ thứ gì khác hôm ấy”, Forse chia sẻ.

Hãng Premier Foods đã phải hầu tòa và bị phạt đến 17.000 bảng (578 triệu đồng) khi thừa nhận nhà máy sản xuất bánh của họ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Một phần số tiền phạt được đền bù cho khách hàng vì những thiệt hại về tinh thần, tiền mua thuốc, kiểm tra sức khỏe, tiền khách chi để đệ đơn kiện.

Vào ngày 6-10 vừa qua, Matt Jones và anh bạn Jay Armstead đã bị một phen hoảng hồn khi trông thấy chuột chết trong chiếc bánh mì sandwich tại tiệm Subway (Mỹ). Matt nói với truyền thông rằng đó là “thứ hài hước nhất, nhưng cũng là thứ đáng kinh tởm nhất” mà anh từng thấy.

Ngay sau khi sự cố xảy ra, phòng y tế của hạt Oregon đã lập tức có mặt để kiểm tra toàn bộ cơ sở vật chất của cửa hàng bánh mì Subway. Jones cũng được bồi hoàn tiền và đổi một chiếc bánh mới.

Nhà chức trách kết luận con chuột chết không nằm trong cửa hàng mà bị lẫn trong túi rau do đơn vị cung cấp rau giao.

Ngoài việc tổ chức tổng vệ sinh toàn bộ cửa hàng, Subway còn công khai đăng thông báo với các khách hàng: “Ngay sau khi được báo về vụ việc, chúng tôi đã bồi hoàn tiền cho khách và mời phòng y tế xuống điều tra. Cẩn trọng hơn, Subway cũng hủy toàn bộ sản phẩm dùng cho sandwich và tổng vệ sinh cửa hàng. Phòng y tế xác nhận cửa hàng của chúng tôi hoàn toàn sạch sẽ”.

BÌNH MINH

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày